Khu dân cư (KDC) Lê Hồng Phong (TP Nam Định) nằm ở trung tâm thành phố với 3 tuyến phố chính là Nguyễn Du, Bắc Ninh và Lê Hồng Phong, có 253 hộ dân với 1.250 khẩu ở 3 tổ dân phố 11, 12 và 13. Nhiều năm nay, KDC được công nhận là KDC văn hóa cấp tỉnh, trong đó tổ dân phố 11 đã được công nhận danh hiệu Tổ dân phố văn hóa cấp tỉnh.
Tuyến phố văn minh đô thị Lê Hồng Phong (TP Nam Định). |
Những ngày này, cán bộ, nhân dân KDC phấn khởi, tự hào vì được Ủy ban MTTQ tỉnh chọn đi báo cáo điển hình tại hội nghị tổng kết thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (XDĐSVH) ở KDC”, phong trào “Xây dựng tuyến phố văn minh đô thị, tuyến phố không có rác thải” chào mừng đại hội MTTQ Việt Nam các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2014-2019) tại Thủ đô Hà Nội. Đồng chí Lê Thị Vàng, Trưởng ban công tác Mặt trận KDC Lê Hồng Phong cho biết, từ năm 2005 KDC Lê Hồng Phong đã được công nhận là KDC văn hóa, trong đó tổ dân phố 11 đạt danh hiệu Tổ dân phố văn hóa cấp tỉnh, nhiều năm liền được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tặng Bằng khen. Đây là tổ dân phố điển hình trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết XDĐSVH ở KDC” và phong trào “Xây dựng tuyến phố văn minh đô thị, tuyến phố không có rác thải” của thành phố. Phong trào đã thực sự đi vào cuộc sống của mỗi người dân trong KDC tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của nhân dân trong việc thực hiện các phong trào thi đua yêu nước do các cấp phát động. Qua đó đã phát triển đời sống văn hóa theo hướng văn minh, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa. Nhân dân trong KDC đã tích cực lao động sản xuất, mở rộng hoạt động buôn bán, kinh doanh dịch vụ nâng cao đời sống. Tiêu biểu như hộ ông Hồ Văn Hiến (tổ dân phố 12) thành lập Cty TNHH Xuân Thịnh kinh doanh dịch vụ quảng cáo, doanh thu mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Cty tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động với mức thu nhập từ 3 đến 5 triệu đồng/người/tháng; hộ ông Lã Quốc Tuấn mở cơ sở sản xuất kem Hồ Tây đạt doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm, tạo việc làm cho hàng chục lao động với mức thu nhập từ 3 đến 4,5 triệu đồng/người/tháng… Hằng năm, ban công tác Mặt trận phối hợp với Hội CCB, Hội Phụ nữ rà soát các hộ gia đình khó khăn, giúp họ tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng CSXH để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh dịch vụ, tạo việc làm và thu nhập cho bản thân và gia đình. Đến nay, số hộ khá và giàu ở KDC đạt trên 70%, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 1,9%; thu nhập bình quân đầu người năm 2012 của KDC đạt 42 triệu đồng/người/năm. Trong nhiệm vụ xây dựng nếp sống văn minh đô thị, ban công tác Mặt trận đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng Thành phố Nam Định trở thành trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng”; tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp; xây dựng đời sống văn hóa tinh thần với phương châm “sống có văn hóa, cư xử đẹp và quan hệ cộng đồng thân thiện, nhân ái”. Đây là cơ sở để KDC Lê Hồng Phong xây dựng nếp sống văn minh đô thị, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và ý thức của nhân dân trong giữ gìn, bảo vệ trật tự xã hội, vệ sinh môi trường, cảnh quan đô thị. Từ chỗ một số người dân thờ ơ với những hành động làm mất mỹ quan đô thị bên ngoài khuôn viên nhà mình, thậm chí coi việc xả rác bừa bãi là chuyện bình thường, thì nay nhân dân trong KDC đã tự ý thức thực hiện, nhắc nhở nhau cùng thực hiện các quy tắc, nội quy về vệ sinh môi trường thông qua các phong trào như “Ngõ, khu phố, đường phố không rác”; “Liên gia vệ sinh ngõ phố”… Bên cạnh đó, tình trạng vi phạm Luật Giao thông đường bộ, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để sản xuất, kinh doanh, đổ rác thải, phế thải ra đường, không đúng nơi quy định… ở các tuyến phố chính trong KDC đã chấm dứt. Hằng năm, ban công tác Mặt trận đều tiến hành phát động ký giao ước thi đua với các tổ dân phố về xây dựng tuyến phố văn minh đô thị, không có rác thải và tổ chức cho các hộ dân trên các tuyến phố chính ký cam kết không lấn chiếm đất công, lòng đường, vỉa hè để sản xuất, kinh doanh, buôn bán; không xây dựng trái phép, không đổ phế thải ra đường…, phối hợp với các hội viên Hội CCB, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên của phường đăng ký đảm nhận các “Tuyến đường tự quản về vệ sinh môi trường”; tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa, ứng xử văn minh, thực hiện theo quy ước nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang, bài trừ các hủ tục lạc hậu, tích cực tham gia các phong trào TDTT, vui chơi giải trí, từng bước nâng cao mức hưởng thụ về văn hóa của nhân dân. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ và TDTT ngày càng phát triển ở các CLB, tiêu biểu như các CLB Cựu quân nhân, Hội Phụ nữ, Hội Người cao tuổi, CLB pháp luật, CLB gia đình hạnh phúc. Tình hình ANTT trên địa bàn KDC được giữ vững, các vụ việc mâu thuẫn đều được giải quyết hợp lý, không có đơn thư khiếu nại vượt cấp. Phong trào khuyến học, khuyến tài luôn được quan tâm, 100% trẻ em trong độ tuổi được đến trường, 100% tốt nghiệp THCS, THPT, nhiều em thi đỗ các trường đại học, cao đẳng… Hằng năm, KDC đều tổ chức biểu dương, khen thưởng cho các học sinh có tinh thần vượt khó, đạt thành tích cao trong học tập. Kết quả bình xét năm 2012, KDC có 234/253 hộ gia đình được công nhận Gia đình văn hóa (đạt 92%), KDC không có người mắc tệ nạn xã hội, không có người khiếu kiện trái pháp luật, không có hộ gia đình sinh con thứ 3 trở lên...
Với quyết tâm giữ vững danh hiệu KDC văn hóa, thời gian tới ban công tác Mặt trận KDC Lê Hồng Phong sẽ tập trung đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng, thực hiện văn minh đô thị nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân; lồng ghép việc xây dựng và thực hiện văn minh đô thị vào phong trào “Toàn dân đoàn kết XDĐSVH”, góp phần xây dựng đô thị văn minh, hiện đại, xứng đáng là trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng./.
Bài và ảnh: Văn Thứ