Theo số liệu của BHXH tỉnh, đến hết năm 2012, toàn tỉnh mới có 813 nghìn đối tượng tham gia BHYT ở tất cả các diện, đạt 43,7% dân số, thấp hơn nhiều so với bình quân chung của cả nước, trong đó có nhiều diện đối tượng tham gia thấp như học sinh, sinh viên (HSSV) đạt 30,55%; người thuộc hộ cận nghèo đạt 1,36%; số người tham gia BHYT tự nguyện đạt 5,94%.
Khám bệnh cho người dân tại Trạm Y tế Thị trấn Cát Thành (Trực Ninh). |
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do các ngành chức năng của tỉnh chưa có sự phối hợp đồng bộ trong việc triển khai thực hiện Luật BHYT. Một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến việc thúc đẩy mở rộng đối tượng tham gia theo Luật BHYT xem đây là nhiệm vụ của cơ quan bảo hiểm. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHYT còn hạn chế; một số doanh nghiệp, nhất là khối ngoài quốc doanh chưa nghiêm túc thực hiện chính sách BHYT cho người lao động; chế tài xử phạt vi phạm trong lĩnh vực BHYT còn thiếu và yếu. Cơ sở vật chất, năng lực phục vụ của các cơ sở khám, chữa bệnh chưa đáp ứng được yêu cầu khiến đối tượng tham gia BHYT tự nguyện chưa thực sự yên tâm, tin tưởng vào hiệu quả, lợi ích của việc tham gia BHYT. Để nâng cao tỷ lệ bao phủ BHYT, đảm bảo lộ trình thực hiện BHYT toàn dân theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, giúp người dân bớt gánh nặng chi phí y tế, thời gian qua, các ngành, địa phương trong tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện Chỉ thị số 10 ngày 27-8-2012 của UBND tỉnh về “Đẩy mạnh thực hiện Luật BHYT”. Sở Y tế với chức năng là cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực BHYT đã chủ trì, phối hợp với BHXH tỉnh, các sở, ngành liên quan, các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu và tích cực tham gia BHYT, đặc biệt là quyền lợi và mức hỗ trợ của Nhà nước về BHYT cho HSSV, người thuộc hộ nông, lâm, ngư, diêm nghiệp, người lao động đang tham gia BHXH, người thuộc hộ cận nghèo để họ tự giác tham gia BHYT; hướng dẫn các đơn vị và người tham gia BHYT triển khai thực hiện chế độ BHYT theo quy định. Bên cạnh đó, Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh cải thiện, đổi mới công tác đón tiếp, giải quyết thủ tục và chế độ chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân có BHYT, đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT, đồng thời ngăn ngừa việc lạm dụng khám, chữa bệnh bằng BHYT. Ngoài ra, Sở Y tế đã chủ trì, phối hợp với BHXH tỉnh, các ngành liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm pháp luật về BHYT đối với các cơ sở khám, chữa bệnh, việc quản lý quỹ BHYT tại địa phương và các đơn vị, doanh nghiệp trốn đóng BHYT cho người lao động. BHXH tỉnh đã chỉ đạo BHXH các huyện, thành phố tổ chức các đại lý BHYT để cung ứng thẻ BHYT cho đối tượng kịp thời, không gây phiền hà cho người tham gia; tạo thuận lợi cho người tham gia được hưởng quyền lợi theo Luật BHYT. Trước thực tế nhóm đối tượng HSSV có tỷ lệ tham gia quá thấp, Sở GD và ĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh phối hợp với ngành Y tế, BHXH tỉnh tích cực triển khai công tác BHYT HSSV. Từ năm học 2012-2013, việc tổ chức thực hiện chính sách BHYT cho HSSV được xác định là nhiệm vụ chính trị, chỉ tiêu bình xét thi đua đối với các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Sở Tài chính đảm bảo kịp thời kinh phí đóng và hỗ trợ mức đóng BHYT của Nhà nước cho các đối tượng theo quy định của pháp luật; tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của Nhà nước về chế độ tài chính đối với công tác BHYT. UBND các huyện, thành phố chỉ đạo Phòng Y tế, các phòng, ban liên quan; UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp với ngành BHXH tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thấy rõ lợi ích và trách nhiệm trong việc thực hiện Luật BHYT, nhất là đối với hộ cận nghèo, hộ làm nông, ngư, diêm nghiệp, HSSV; đưa tỷ lệ người dân tham gia BHYT vào nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của địa phương, là chỉ tiêu trong xây dựng NTM.
Cùng với Chỉ thị số 10, ngày 18-7-2013, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch số 44 về “Thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012-2015 và đến năm 2020 của tỉnh Nam Định” với mục tiêu: Tiếp tục duy trì các nhóm đối tượng đã tham gia BHYT đạt 100%; mở rộng các nhóm đối tượng tham gia BHYT để đến năm 2015 có trên 70% dân số và đến năm 2020 có trên 85% dân số tham gia BHYT. Phấn đấu giảm tỷ lệ chi tiêu y tế trực tiếp từ ngân quỹ của hộ gia đình xuống dưới 40% vào năm 2020. Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh BHYT, bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT theo quy định của pháp luật, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người tham gia BHYT. Để đạt được mục tiêu trên, thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan, tổ chức, đoàn thể phải xác định thực hiện lộ trình BHYT toàn dân là một trong những nhiệm vụ chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, từ đó có sự chỉ đạo quyết liệt hơn trong thực hiện pháp luật về BHYT. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHYT cần được tiến hành với tất cả các nhóm đối tượng và thực hiện thường xuyên, liên tục với nhiều hình thức phù hợp, đảm bảo các đối tượng của truyền thông tiếp cận đầy đủ thông tin về chính sách BHYT và cách thức tham gia; trong đó chú ý các nhóm đối tượng tỷ lệ tham gia còn thấp. Đặc biệt, từ 1-1-2013 tỉnh quan tâm hỗ trợ đối với người thuộc hộ cận nghèo thêm 30% mức phí BHYT nhằm tăng mức bao phủ BHYT theo các nhóm đối tượng khi quyết định hỗ trợ, phấn đấu hết năm 2013, 100% người thuộc hộ cận nghèo có thẻ BHYT, góp phần đảm bảo an sinh xã hội./.
Bài và ảnh: Lam Hồng