Công tác tiêm chủng mở rộng góp phần phòng, chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho trẻ em

09:09, 20/09/2013

Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) chính thức triển khai từ năm 1985, gồm 6 loại vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em: lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và sởi. Từ khi triển khai chương trình TCMR, tỉnh ta luôn duy trì tỷ lệ hơn 90% số trẻ dưới 5 tuổi trong tỉnh được tiêm chủng. Tỷ lệ trẻ mắc các loại bệnh nhiễm khuẩn có vắc xin dự phòng đã giảm hàng chục đến hàng trăm lần theo từng bệnh. Nhiều bệnh không có ca tử vong từ năm 2005 và đã đạt được các mục tiêu cam kết quốc tế là: thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000, loại trừ uốn ván sơ sinh vào năm 2005. Hằng năm chương trình TCMR trên địa bàn tỉnh đều đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Đặc biệt, từ năm 1998 đến nay, tỉnh ta luôn duy trì tỷ lệ tiêm chủng đủ mũi các loại vắc xin trên 98% ở mọi đối tượng. Trong 7 tháng đầu năm 2013 có 22.726 trẻ trong diện tiêm chủng được tiêm chủng đầy đủ, đạt 62,41% kế hoạch/năm.

Lãnh đạo Sở Y tế kiểm tra tại một điểm tiêm chủng trên địa bàn Thành phố Nam Định.
Lãnh đạo Sở Y tế kiểm tra tại một điểm tiêm chủng trên địa bàn Thành phố Nam Định.

Tuy nhiên, công tác TCMR hiện đang đứng trước khó khăn do thông tin về một số trẻ bị tai biến sau tiêm chủng và tử vong sau khi tiêm vắc xin "5 trong 1" (Quinvaxem) đã khiến người dân lo lắng, tư tưởng của một số cán bộ y tế trực tiếp làm công tác tiêm chủng cũng dao động. Trước tình hình trên, Bộ Y tế đã có Công văn 4619/BYT ngày 29-7-2013 về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tiêm chủng và thực hiện các quy định về sử dụng vắc xin và Kế hoạch số 3029/BYT ngày 21-8-2013 đặt ra 2 mục tiêu lớn trong công tác TCMR năm 2013: Củng cố hoạt động TCMR và nâng cao chất lượng công tác an toàn tiêm chủng. UBND tỉnh đã có Công văn số 192/UBND chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định về sử dụng vắc xin trên địa bàn tỉnh. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế và UBND tỉnh công tác TCMR trên địa bàn tỉnh đã có những điều chỉnh cụ thể. Theo quy định mới của Bộ Y tế, mỗi điểm tiêm chủng trong 1 buổi sẽ chỉ tiêm cho 50 trẻ và mỗi điểm tiêm chủng phải có ít nhất 2 cán bộ y tế đã được cấp chứng chỉ an toàn tiêm chủng theo Thông tư 23/2008/BYT; trong đó, 1 cán bộ khám, tư vấn trước tiêm và 1 cán bộ tiêm. Như vậy, mỗi đợt TCMR các địa phương trong tỉnh sẽ bố trí các điểm tiêm chủng phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị. Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch thực hiện công tác an toàn tiêm chủng trên địa bàn tỉnh; tổ chức các lớp huấn luyện cho cán bộ y tế các huyện, xã về kỹ năng giám sát phản ứng sau tiêm, quản lý, tổ chức, thực hành tiêm chủng, quản lý dây chuyền lạnh và triển khai Quyết định 23/BYT của Bộ Y tế về quy định sử dụng vắc xin trong phòng và điều trị bệnh. Từ tháng 5 đến 9-2013, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã tổ chức 15 lớp tập huấn về an toàn tiêm chủng cho 888 cán bộ trực tiếp thực hiện công tác tiêm chủng tại 229 điểm tiêm chủng xã, phường, thị trấn và các bệnh viện đa khoa tuyến huyện, Bệnh viện Phụ sản tỉnh, Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn - Nam Định, Trung tâm CSSKSS tỉnh, Bệnh viện Đa khoa Công an tỉnh. Về công tác bảo quản vắc xin, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh hiện có gần một chục tủ bảo quản vắc xin ở nhiệt độ 2-8 độ C và có phương tiện để kiểm tra nhiệt độ. Vắc xin được bảo quản trong dây chuyền lạnh của đơn vị theo đúng quy định và được cấp phát xuống các huyện vào ngày 25 hằng tháng. Các huyện cũng được trang bị các tủ chuyên dụng để lưu trữ vắc xin và làm kế hoạch cấp cho các đơn vị. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh thường xuyên chỉ đạo các đơn vị tuyến huyện thực hiện tốt việc bảo quản vắc xin và giám sát, hỗ trợ các điểm tiêm chủng. Trong các đợt TCMR, Sở Y tế tổ chức các đoàn đi kiểm tra, giám sát, hỗ trợ việc thực hiện an toàn tiêm chủng, quản lý vắc xin, vật tư, kỹ thuật thực hành tại các điểm tiêm chủng, qua đó kịp thời phát hiện những tồn tại, thiếu sót, đưa ra các giải pháp khắc phục nhằm đảm bảo tiêm chủng an toàn, hiệu quả. Từ nay đến trước ngày 24-9-2013 Sở Y tế sẽ thanh, kiểm tra toàn diện 254 điểm tiêm chủng trên địa bàn tỉnh về công tác an toàn tiêm chủng, đồng thời giao trách nhiệm cụ thể cho Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố, các điểm tiêm chủng lập kế hoạch triển khai cụ thể chương trình TCMR; tổ chức việc cung cấp, phân phối vắc xin đảm bảo an toàn, lập danh sách các điểm tiêm chủng trên địa bàn, phối hợp với bệnh viện đa khoa các huyện trong công tác phòng, chống sốc trong suốt thời gian tổ chức tiêm chủng trên địa bàn; thông báo số điện thoại, địa chỉ của đội cơ động phòng, chống sốc của bệnh viện cho các cán bộ y tế tại các điểm tiêm chủng, công bố công khai số điện thoại của điểm tiêm chủng và tên người có trách nhiệm xử lý các vấn đề liên quan đến tiêm chủng, cử cán bộ theo dõi thường xuyên tình trạng sức khỏe của đối tượng được tiêm chủng trong thời gian 30 phút sau khi tiêm tại cơ sở tiêm chủng…

Chương trình TCMR đang ngày càng khẳng định hiệu quả trong việc phòng, chống một số bệnh truyền nhiễm ở trẻ em, nhất là trẻ dưới 1 tuổi. Thực hiện tiêm chủng nhằm tạo những miễn dịch cơ bản giúp phòng, chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho trẻ, hạn chế các di chứng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của trẻ. Tuy nhiên, có những trường hợp chống chỉ định khi tiêm chủng như: trẻ bị sốt, trẻ mắc bệnh nhiễm khuẩn cấp tính… nên trước khi đưa trẻ đi tiêm chủng, các bậc cha mẹ nên thông báo cho nhân viên y tế về tình trạng sức khỏe của trẻ để cân nhắc việc tiêm phòng. Sau khi tiêm, các nhân viên y tế cần thực hiện đúng quy định như: hướng dẫn gia đình cách theo dõi sức khỏe của trẻ, theo dõi những diễn biến bất thường để đưa trẻ đến cơ sở y tế xử trí kịp thời./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com