Cô trò nhỏ với sáng kiến tái chế rác thải thành đồ dùng hữu ích

08:09, 21/09/2013

Ở Trường Tiểu học Hùng Vương (TP Nam Định), em Đỗ Uyển Linh Chi, học sinh lớp 4A được thầy cô giáo và bạn bè yêu mến đặt cho bí danh "cây sáng kiến" bởi trong quá trình học tập, sinh hoạt, em luôn có những ý tưởng mới như giải toán nhanh bằng nhiều phương pháp, cách tính nhẩm nhanh nhất... Đặc biệt, thời gian qua, khi nhà trường phát động phong trào "Kế hoạch nhỏ", em  không chỉ cùng bạn bè thu gom mà còn có nhiều sáng kiến tái chế rác thải thành đồ dùng hữu ích.

Em Đỗ Uyển Linh Chi làm hộp đựng bút từ vỏ hộp sữa tươi.
Em Đỗ Uyển Linh Chi làm hộp đựng bút từ vỏ hộp sữa tươi.

Với tư chất thông minh, lại sớm ảnh hưởng phương pháp tư duy khoa học, luôn say mê tìm tòi, khám phá của người mẹ - kỹ sư thủy sản Trần Ngọc Hải Bình (người có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong nuôi trồng thủy, hải sản và đạt giải thưởng Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh lần thứ II), em luôn suy nghĩ tận dụng phế thải bỏ đi làm thành những dụng cụ hữu ích phục vụ học tập, sinh hoạt vừa tránh lãng phí, bảo vệ môi trường lại thỏa trí tò mò muốn tự bày biện, trang trí và sử dụng chính sản phẩm do mình làm ra. Bắt đầu từ việc dùng lõi giấy vệ sinh, quả cầu lông và vỏ hộp sữa dán lại, trang trí các hình vẽ thủ công bên ngoài làm giá để bút trên mặt bàn thay thế cho các loại hộp bút bán trên thị trường. Ngoài ưu điểm tiết kiệm chi phí mua mới, các bạn trong lớp được sử dụng sản phẩm đồng bộ do chính tay mình làm ra, sáng kiến này còn khắc phục được việc chiếc hộp bút chiếm nhiều diện tích trên mặt bàn học hay trong giờ học chẳng may các bạn đánh rơi gây tiếng ồn trong lớp. Bên cạnh đó, hộp bút in sẵn có quá nhiều hình ảnh siêu nhân, người mẫu và kèm theo cả trò chơi bi lắc, hình ảnh 3D khiến các bạn phân tán tư tưởng, không tập trung vào bài giảng của cô giáo. Sáng kiến này được giáo viên chủ nhiệm lớp và các bạn đồng tình ủng hộ nên đã được cả lớp 4A và nhiều lớp khác ở Trường Tiểu học Hùng Vương áp dụng. Được sự hỗ trợ, động viên kịp thời của giáo viên chủ nhiệm và tập thể thầy, cô giáo trong trường, em lại cùng các bạn trong lớp xây dựng góc thiên nhiên trong lớp học từ các vật dụng phế thải. Theo chương trình phát động của nhà trường, mỗi lớp phải có một góc thiên nhiên có cây xanh trang trí. Cây xanh, các bạn nhờ bố mẹ mua giúp, còn chậu trồng cây, Linh Chi đã nghĩ ra cách tận dụng bát, cốc mì tôm cả dạng tròn, vuông và dùng giấy thủ công, trang trí thành chậu cây cho thêm sinh động. Đối với những chậu cây cần kích cỡ to, em dùng ghim ghép các mảnh bát mì tôm lại và dùng mảnh chiếu trúc gắn vào thành chậu cho chắc chắn và tạo nên họa tiết cho chậu cây… Với cách làm này, những bát mì tôm tưởng chừng như bỏ đi được tận dụng một cách hữu ích và tiện dụng ngay trong lớp học của các em. Cùng với dụng cụ trong lớp học, Linh Chi còn nghĩ ra cách khâu những chiếc áo mưa nhỏ xinh cho cặp sách từ những mảnh nilon cũ. Xuất phát từ việc khi đi học trời mưa, cặp sách của các bạn thường bị ướt do không được che chắn kỹ, em đã dùng mảnh áo mưa cũ, gấp làm đôi, cắt vuông vắn theo hình chiếc cặp và khâu đường viền, luồn chun làm nẹp giữ áo mưa gắn chắc vào cặp. Vừa nhỏ xinh, lại tiện dụng nên các bạn nhỏ có thể gấp gọn gàng để trong cặp sách và sử dụng ngay khi cần thiết. Sáng kiến này đã được các phụ huynh học sinh trong lớp ủng hộ và khuyến khích con em mình làm theo. Ngoài ra, Linh Chi còn sáng tạo ra cách làm khung ảnh lưu niệm của các bạn trong lớp từ việc ghép những chiếc đĩa CD hỏng và dùng đề can màu, dây len, cúc áo các loại để trang trí thay cho việc phải mua khung tranh nhôm kính; sử dụng túi nilon cũ bện thành túi đựng bút, túi sách đơn giản… Vượt qua khỏi quy mô lớp học, những sáng kiến của Linh Chi còn được áp dụng trong quy mô nhà trường như việc làm thùng rác siêu bền di động từ vỏ thùng sữa tươi, thùng mì tôm và tấm bạt che nắng "khổng lồ" từ việc tận dụng những chiếc áo đồng phục cũ. Những sáng kiến trên đã được các thầy, cô giáo và học sinh Trường Tiểu học Hùng Vương ghi nhận, áp dụng vào thực tế quá trình học tập, sinh hoạt trong nhà trường. Cô giáo Nguyệt Minh, giáo viên chủ nhiệm lớp 4A Trường Tiểu học Hùng Vương cho biết: Những sáng kiến này đã góp phần giúp lớp 4A tiết kiệm gần 2 triệu đồng tiền mua sắm, trang trí lớp học. Điều quan trọng hơn là từ ý tưởng của Linh Chi, ý thức tiết kiệm, tận dụng và tái chế rác thải thành đồ dùng hữu ích được nhân rộng trong toàn thể học sinh khối lớp 4, 5 của Trường Tiểu học Hùng Vương. Đây là bài học lý thú và hiệu quả nhất về giáo dục các em tư duy năng động, sáng tạo, tính tiết kiệm và ý thức bảo vệ môi trường.

Ghi nhận những ý tưởng sáng tạo của em Đỗ Uyển Linh Chi, giải pháp “tái chế rác thải sinh hoạt thành những đồ dùng hữu ích” đã được Ban giám khảo Hội thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh đánh giá cao cả về tính mới, tính sáng tạo và quyết định trao giải nhất với số điểm 82/100. Đây là giải nhất duy nhất của Hội thi. Thành công này là đòn bẩy tạo đà cho em tiếp tục nghiên cứu với những ý tưởng sáng tạo mới để mang lại hiệu quả ứng dụng cao trong cuộc sống./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com