Chuyển biến mới trong phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" ở Trực Thuận

07:09, 12/09/2013

Những năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở xã Trực Thuận (Trực Ninh) đã có chuyển biến tích cực, góp phần xây dựng làng, xóm văn hoá và nếp sống văn minh ở địa phương.

Một góc nông thôn xóm 2, xã Trực Thuận.
Một góc nông thôn xóm 2, xã Trực Thuận.

Thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Đảng ủy, UBND xã đã tập trung chỉ đạo, triển khai các giải pháp đồng bộ, cụ thể, được nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ. Hiện tại, xã có 100% thôn, xóm đã xây dựng được quy ước làng văn hoá. Các phong trào: "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc"; tương thân, tương ái; giữ gìn vệ sinh, môi trường; khuyến học, khuyến tài; xây dựng gia đình chuẩn mực; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang... đã góp phần đắc lực cho phong trào xây dựng đời sống văn hoá. Qua việc thực hiện các phong trào đã góp phần nâng cao tình đoàn kết trong cộng đồng, tinh thần tương thân, tương ái, giúp nhau xoá đói, giảm nghèo, động viên nhau thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật. Hoạt động bình xét, công nhận danh hiệu “gia đình văn hóa”, “làng/xóm văn hóa” được thực hiện đúng quy chế, trình tự thủ tục, bảo đảm công khai, dân chủ, không chạy theo thành tích và kết quả được công bố vào “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân” hằng năm... Đến nay, toàn xã có trên 60% hộ đạt tiêu chuẩn Gia đình văn hóa; 7/12 thôn đạt danh hiệu “Thôn văn hóa” cấp huyện; 3 trường học được công nhận "Đơn vị có nếp sống văn hóa", 5 dòng họ được huyện công nhận Dòng họ hiếu học gồm: 2 dòng họ Nguyễn, 2 dòng họ Ngô và dòng họ Trần; chùa Phúc Thọ được công nhận chùa tinh tiến; 2 họ giáo tiên tiến Phúc Thọ và Công Bình. Tại thôn 2, điểm sáng trong phong trào xây dựng làng, xóm văn hóa, có 218 hộ dân trong đó 80% gia đình văn hóa. Nhiều gia đình văn hoá, hiếu học tiêu biểu như: Gia đình ông Tạ Văn Định có 5 con học đại học; bà Phạm Thị Túc là gia đình liệt sĩ có 4 con học đại học, gia đình ông Tạ Văn Quyết có 2 con học đại học, gia đình ông Tống Văn Xóa có 2 con học đại học... Bên cạnh đó, nhiều thôn, xóm làm tốt việc huy động các nguồn lực từ nhân dân để xây dựng các công trình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tại thôn 2 đã hoàn thành bê tông hoá 3km đường giao thông với tổng số tiền 1 tỷ đồng; tập trung xây dựng các công trình thủy lợi nội đồng theo tiêu chí NTM với tổng kinh phí hơn 200 triệu đồng; trong đó, gia đình ông Nguyễn Văn Nam, người quê hương đang sống ở Thành phố Nam Định ủng hộ 50 triệu đồng, gia đình ông Đoàn Văn Hùng ủng hộ khoảng 60 triệu đồng, còn lại do nhân dân đóng góp. Ngoài ra, còn nhiều con em quê hương ở xa ủng hộ kinh phí xây dựng quê hương như: anh Phạm Văn Bình, đang ở Thành phố Vũng Tàu ủng hộ 110 triệu đồng; ông Ngô Xuân Miễn hỗ trợ 70 triệu đồng xây cổng làng; ông Nguyễn Tiến Đích, Thành phố Nam Định ủng hộ 130 triệu đồng; ông Phạm Thanh Nam ở Hà Nội ủng hộ hơn 30 triệu đồng; ông Phạm Văn Thức ủng hộ khoảng 35 triệu đồng. Hiện nay, xã có 2 di tích được công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh là đền Tam Thôn và đền Thôn 8 thờ tướng quân Triệu Quang Phục. Đầu năm 2013, đền Tam Thôn đã được trùng tu nhờ nguồn kinh phí 200 triệu đồng từ xã hội hóa. Hằng năm lễ hội đền Tam Thôn được xã tổ chức vào ngày 14-8 âm lịch bảo đảm trang trọng, tiết kiệm, phần lễ rút gọn những thủ tục rườm rà trong tế cáo, dâng hương...

Nhờ đẩy mạnh phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"; trong đó có hoạt động vận động nhân dân đoàn kết, tương trợ nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo đã góp phần tạo sự chuyển biến trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các ngành thành viên của Ban chỉ đạo phong trào là các ngành, đoàn thể trong hệ thống chính trị của địa phương đều vận động hội viên, đoàn viên thi đua phát triển kinh tế: Hội Nông dân có phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi” với các mô hình sản xuất nông nghiệp, TTCN, dịch vụ, chăn nuôi; Hội Phụ nữ có chương trình “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế”; phối hợp với Ngân hàng CSXH nhận uỷ thác cho hội viên vay vốn phát triển kinh tế với lãi suất ưu đãi, ưu tiên những hộ nghèo, hộ có con đang học tại các trường cao đẳng, đại học, mở các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật giúp nhau phát triển kinh tế. Năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 14%, đến nay giảm xuống còn 11%. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở xã Trực Thuận đã góp phần tạo chuyển biến trong đời sống kinh tế - xã hội. Cuộc sống của nhân dân ngày càng được nâng cao, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com