Tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện

07:08, 01/08/2013

Công tác chống nhiễm khuẩn bệnh viện luôn là mối quan tâm hàng đầu của các bệnh viện và của ngành Y tế. Nếu bệnh nhân bị nhiễm khuẩn bệnh viện, thời gian điều trị phải kéo dài, chi phí điều trị cao, xảy ra nhiều biến chứng, tăng sử dụng kháng sinh dẫn đến tình trạng kháng thuốc kháng sinh và tăng nguy cơ tử vong cho người bệnh. Do vậy việc tăng cường công tác chống nhiễm khuẩn bệnh viện là một tiêu chuẩn quan trọng nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của các bệnh viện.

Một ca phẫu thuật đục thủy tinh thể bằng phương pháp Phaco tại Bệnh viện Mắt tỉnh.
Một ca phẫu thuật đục thủy tinh thể bằng phương pháp Phaco tại Bệnh viện Mắt tỉnh.

Hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh gồm có: 1 Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh, 11 BVĐK huyện, thành phố và các BVĐK ngành. Thực hiện Thông tư 18/TT18-2009 của Bộ Y tế về Hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám, chữa bệnh, Sở Y tế và các đơn vị khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng cường công tác chống nhiễm khuẩn bệnh viện, thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, nâng cao kiến thức, thái độ thực hành của nhân viên y tế; tổ chức hội nghị chuyên đề, tập huấn quản lý chất thải y tế về nội dung quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn một chiều theo chuẩn của Bộ Y tế; kinh nghiệm, những khó khăn, vướng mắc trong công tác kiểm soát nhiễm khuẩn; công nghệ mới trong kỹ thuật rửa - sấy dụng cụ y tế tự động; công nghệ plasma lạnh trong xử lý dụng cụ không chịu nhiệt; chống nhiễm khuẩn sơ sinh, nhiễm khuẩn có can thiệp lồng mạch, nhiễm khuẩn vết mổ, nhiễm khuẩn trong phẫu thuật… Ngoài việc nâng cao kiến thức cho đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên, các cơ sở y tế còn nghiêm túc thực hiện quy chế chống nhiễm khuẩn bệnh viện, giám sát các bệnh truyền nhiễm; đầu tư phương tiện thiết yếu trong kiểm soát nhiễm khuẩn, chống nhiễm khuẩn bệnh viện. Tùy thuộc vào chức năng, nhiệm vụ, các cơ sở khám chữa bệnh triển khai quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn theo đặc thù chuyên môn. BVĐK tỉnh hiện có 630 giường; số lượt bệnh nhân điều trị nội trú trong 6 tháng đầu năm là 28.959 lượt người. Bác sỹ Trần Xuân Hòa, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn cho biết, nhiễm khuẩn bệnh viện thường tập trung ở các khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức, khu Tiểu phẫu và các bàn khám chuyên khoa tại Khoa Khám bệnh. Có 3 loại nhiễm khuẩn thường gặp là: nhiễm khuẩn hô hấp, nhiễm khuẩn vết mổ và nhiễm khuẩn tiêu hóa. Các trường hợp có nhiều nguy cơ bị nhiễm khuẩn như: cơ địa bệnh nhân miễn dịch kém, bệnh nhân bị tai nạn giao thông vết thương hở, bệnh nhân dùng các thủ thuật như đặt xông dẫn lưu, xông bàng quang, xông niệu đạo, máy thở hỗ trợ hô hấp… Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể bị nhiễm khuẩn từ môi trường, nhiễm khuẩn từ dụng cụ chăm sóc, dụng cụ phòng mổ… Để tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn, bệnh viện thường xuyên kiểm tra công tác vệ sinh môi trường, chống nhiễm khuẩn tại các khoa; định kỳ hoặc đột xuất kiểm tra mẫu không khí tại các khoa, thực hiện cấy khuẩn y, dụng cụ phẫu thuật đã vô khuẩn nhưng chưa sử dụng và tay nhân viên phẫu thuật tại Khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức; phối hợp với Phòng Điều dưỡng tạo điều kiện đảm bảo đủ nước, lavabo, xà phòng, khăn lau tay sạch cho các khoa; thực hiện hấp sấy tiệt khuẩn y, dụng cụ đồ vải tập trung tại Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn; giám sát việc xử lý tiệt khuẩn y, dụng cụ tại Khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức, khu Tiểu phẫu và các bàn khám chuyên khoa tại Khoa Khám bệnh; phun hóa chất diệt côn trùng phòng dịch toàn bệnh viện 3 lần/năm, kiểm tra việc thực hiện các quy định kiểm soát nhiễm khuẩn do bệnh viện ban hành tại các khoa; mời các bệnh viện tuyến trên tập huấn về công tác kiểm soát nhiễm khuẩn cho cán bộ viên chức bệnh viện. Tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh, với 210 giường bệnh duy trì khoảng từ 220-250 bệnh nhân. Do đặc thù chuyên khoa, nguy cơ lây nhiễm cao ở Khoa Cấp cứu - HIV, Khoa Lao phổi, Khoa Cận lâm sàng, Khoa Khám bệnh. Để kiểm soát nhiễm khuẩn, nhân viên bệnh viện phải tuân thủ tuyệt đối các quy định trong kiểm soát nhiễm khuẩn theo Thông tư 18/BYT như vệ sinh tay, rửa tay đúng kỹ thuật; thực hiện các quy định về vô khuẩn khi thực hiện phẫu thuật, thủ thuật và thực hiện tiệt khuẩn, đảm bảo vô khuẩn các dụng cụ y tế sử dụng lại tại bộ phận tiệt khuẩn; làm sạch, khử khuẩn, tiệt khuẩn dụng cụ và phương tiện chăm sóc, điều trị; thực hiện các biện pháp phòng ngừa, cách ly thích hợp đối với những người bệnh khi nghi ngờ hoặc xác định được căn nguyên gây bệnh truyền nhiễm theo đúng quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Bệnh viện Mắt tỉnh có 60 giường bệnh với 70 bệnh nhân đang điều trị nội trú. Theo bác sỹ Trần Huy Đoàn, Giám đốc bệnh viện, tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện chiếm khoảng 1-2% số bệnh nhân điều trị nội trú, chủ yếu là nhiễm khuẩn thể nhẹ (viêm kết mạc cấp), thường xảy ra vào các đợt dịch đau mắt đỏ. Để kiểm soát nhiễm khuẩn, bệnh viện đã có phòng cách ly điều trị cho các bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm hoặc bệnh nhân có nguy cơ nhiễm khuẩn cao cho các bệnh nhân khác. Để chống nhiễm khuẩn sau phẫu thuật, bệnh viện thực hiện quy trình tra kháng sinh, vệ sinh mắt, điều trị nấm (nếu có)… để vô khuẩn cho bệnh nhân trước khi phẫu thuật. Sau phẫu thuật bệnh nhân được tra kháng sinh để chống nhiễm trùng. Trong quá trình thử thị lực, đo nhãn áp cho bệnh nhân trước, trong và sau khi thử đều phải khử trùng dụng cụ. Tại các bệnh viện, nhân viên y tế cũng khuyến cáo người thân khi vào phòng bệnh phải có áo choàng của bệnh viện tránh đem mầm bệnh từ ngoài vào hay từ bệnh viện ra ngoài. Về công tác xử lý rác thải, hiện tại các BVĐK trên địa bàn tỉnh đều được đầu tư hệ thống xử lý rác thải mới, công nghệ tiên tiến để chống nhiễm khuẩn. Quy trình quản lý, thu gom chất thải bệnh viện đã được phân loại thành chất thải rắn, chất thải sinh hoạt, chất thải nguy hại… Các bệnh viện nằm trên địa bàn thành phố như BVĐK tỉnh, BVĐK Sài Gòn - Nam Định, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh, BVĐK thành phố, Bệnh viện Nhi, Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Tâm thần, BVĐK Công an tỉnh…, chất thải lây nhiễm được xử lý đốt tại lò đốt HOVALMZ4, công suất 400kg/giờ của BVĐK tỉnh.

Chương trình chống nhiễm khuẩn đang được đặt lên hàng đầu của ngành Y tế. Để hoạt động chống nhiễm khuẩn bệnh viện có hiệu quả, ngành Y tế cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy trình chống nhiễm khuẩn bệnh viện, đặc biệt đối với chất thải y tế, vệ sinh môi trường, dịch bệnh truyền nhiễm, giúp các bệnh viện khắc phục khó khăn về trang thiết bị, nhân lực trong công tác chống nhiễm khuẩn bệnh viện. Các cơ sở y tế cần cụ thể hóa các quy định, quy trình chuyên môn về chống nhiễm khuẩn phù hợp với điều kiện của đơn vị nhưng cũng phải phù hợp với nguyên tắc chống nhiễm khuẩn; đồng thời tăng cường hơn nữa việc thực hiện các quy định phòng, chống nhiễm khuẩn bệnh viện./.

Bài và ảnh: Minh Thuận
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com