Phát triển CN-TTCN, thương mại dịch vụ gắn với nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng an ninh

07:08, 22/08/2013

Thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, những năm qua, Sở Công thương đã chủ động tham mưu với UBND tỉnh các giải pháp phát triển kinh tế công thương nghiệp; xây dựng các khu, CCN, cải thiện môi trường đầu tư và ban hành các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích các doanh nghiệp và các thành phần kinh tế đầu tư phát triển CN-TTCN, thương mại, tạo cơ sở vật chất, tiềm lực cho công tác quốc phòng an ninh.

Kiểm kê lương thực dự trữ phục vụ nhiệm vụ kinh doanh và đảm bảo an ninh quốc phòng tại Cty CP Lương thực Nam Định.
Kiểm kê lương thực dự trữ phục vụ nhiệm vụ kinh doanh và đảm bảo an ninh quốc phòng tại Cty CP Lương thực Nam Định.

Để tạo điều kiện cho kinh tế - xã hội phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu hội nhập và đảm bảo quốc phòng, an ninh, công tác xây dựng và tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển CN-TTCN, làng nghề được tập trung đầu tư bố trí hợp lý. Sở Công thương đã xây dựng các quy hoạch ngành, lĩnh vực chủ chốt như: Phát triển hệ thống chợ đến năm 2015, định hướng 2020; mạng lưới kinh doanh xăng dầu; phát triển điện lực giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020; phát triển thương mại, phát triển công nghiệp giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2025… Trong đó, ngoài việc đảm bảo thuận lợi cho phát triển kinh tế, các quy hoạch đều ưu tiên xây dựng các công trình trọng điểm vừa tổ chức sản xuất kinh doanh, vừa làm cơ sở quốc phòng khi có điều động. Kết hợp phát triển công nghiệp tập trung tại các khu, CCN với các cơ sở sản xuất phân tán tại địa bàn nông thôn và các làng nghề nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ, sơ tán, duy trì sản xuất khi chuyển sang thời chiến; đồng thời giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ, góp phần giảm tệ nạn xã hội, tăng cường an ninh nông thôn. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có yếu tố nước ngoài được sắp xếp vào các khu, CCN tập trung nhằm quản lý, giám sát theo hướng huy động ngoại lực để phát triển kinh tế nhưng vẫn đảm bảo an ninh quốc gia. Cùng với công tác quy hoạch, nhiều chính sách hỗ trợ phát triển CN-TTCN, làng nghề được ban hành như: Cơ chế khuyến khích đầu tư vào các điểm công nghiệp trên địa bàn nông thôn; Quy định về quản lý, sử dụng nguồn quỹ khuyến công; Quy chế phối hợp quản lý Nhà nước đối với các CCN và thành lập trung tâm phát triển CCN tại 6 huyện, thành phố trên địa bàn. Các cơ chế khuyến khích hỗ trợ đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển các ngành nghề về địa bàn nông thôn. Hiện trên địa bàn tỉnh có 3 KCN, 20 CCN với trên 35 nghìn cơ sở sản xuất công nghiệp, thu hút 150 nghìn lao động, trong đó có 89 dự án đầu tư vào các CCN, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động nông thôn… Một số ngành sản xuất liên quan đến quốc phòng như cơ khí chế tạo, điện tử, điện công nghiệp, luyện kim, hóa chất, đóng tàu được quan tâm đầu tư phát triển với 239 doanh nghiệp đang sản xuất, vừa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, vừa có thể sản xuất được các sản phẩm kỹ thuật công nghệ cao phục vụ công tác quốc phòng an ninh. Một số doanh nghiệp cơ khí được giao nhiệm vụ sản xuất vỏ lựu đạn, vỏ mìn, cuốc xẻng, bàn chông sắt, sửa chữa vũ khí; ngành dệt may đảm nhận nhiệm vụ sản xuất quần áo, chăn bông, màn, gạc y tế; huy động lương thực, xăng dầu của các Cty Lương thực, Cty Xăng dầu Hà Nam Ninh và Cty Xăng dầu, dầu khí Nam Định. Cùng với phát triển công nghiệp phục vụ công tác quốc phòng an ninh, hệ thống thương mại được đầu tư phát triển với 213 chợ, 6 trung tâm thương mại, siêu thị; 233 cửa hàng kinh doanh xăng dầu, phân bố ở những khu vực trọng điểm và rải đều khắp các phường, xã. Với trên 1.100 doanh nghiệp kinh doanh, tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ trung bình một năm đạt trên 20 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và có đủ khả năng sản xuất một số mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh và bảo đảm cung ứng các nhu yếu phẩm phục vụ tác chiến của lực lượng vũ trang địa phương.   

Bên cạnh những thuận lợi trong việc phát triển CN-TTCN, thương mại dịch vụ gắn với nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng an ninh, hiện nay sản xuất CN-TTCN trên địa bàn tỉnh phân tán theo nhiều thành phần kinh tế; đội ngũ cán bộ kỹ thuật trẻ của các doanh nghiệp, nhà máy, xí nghiệp hầu hết chưa qua quân ngũ, chưa có chiến thuật, kỹ thuật quân sự, nhất là việc sử dụng các vũ khí, khí tài. Bên cạnh đó, vốn đầu tư và nguồn vật tư huy động cho sản xuất hàng hóa phục vụ quốc phòng còn khó khăn... Để thực hiện tốt nhiệm vụ chuyển các cơ sở công nghiệp, thương mại dịch vụ thành một bộ phận hậu cần, kỹ thuật sản xuất tại chỗ phục vụ chiến đấu của khu vực phòng thủ khi địa phương chuyển sang trạng thái thời chiến, Sở Công thương đã xây dựng phương án tổ chức phòng tránh, sơ tán bảo toàn lực lượng, cơ sở vật chất, trang thiết bị của ngành để đảm bảo sản xuất lâu dài; tổ chức lực lượng chiến đấu bảo vệ cơ sở sản xuất và các cơ quan điều hành; tham gia cứu hộ, cứu nạn. Huy động một bộ phận nhân lực, vật lực của ngành tham gia quân đội. Điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sản xuất phù hợp với điều kiện thời chiến theo hướng vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội vừa đáp ứng các yêu cầu quốc phòng. Lập phương án huy động các trang thiết bị, dây chuyền sản xuất của các đơn vị phục vụ sản xuất các mặt hàng theo yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng an ninh và tổ chức lao động sản xuất gắn với chiến đấu, phòng thủ và bảo vệ. Trong đó ưu tiên phát triển công nghiệp theo hướng mỗi nhà máy, xí nghiệp vừa có thể sản xuất hàng dân dụng, vừa có thể sản xuất hàng quân sự. Thực hiện chuyển giao công nghệ hai chiều từ công nghiệp dân dụng sang công nghiệp quốc phòng và ngược lại. Phát triển hệ thống phòng không công nghiệp và lực lượng tự vệ để bảo vệ các nhà máy, xí nghiệp trong cả thời bình và thời chiến./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com