Thực hiện Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 26-11-2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai phong trào "Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân", Sở Y tế đã tích cực triển khai các chiến dịch tuyên truyền, vận động các cấp, các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội, cơ quan, đơn vị quan tâm, hỗ trợ các hộ gia đình xây dựng, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; đồng thời vận động nhân dân thực hiện giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường sống; thực hiện tốt công tác VSATTP, giải quyết các vấn đề vệ sinh môi trường (VSMT).
Lễ phát động phong trào "Vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe nhân dân" năm 2013 được tổ chức tại Trường THCS Trực Đại (Trực Ninh). |
Hiện tại, tỉnh ta đang triển khai Dự án Vệ sinh nông thôn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và VSMT nông thôn giai đoạn 2012-2015. Đây là nội dung quan trọng của phong trào vệ sinh yêu nước. Qua một năm thực hiện dự án, tỷ lệ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh ở khu vực nông thôn trong tỉnh tăng từ 67,3% lên 69,9%. Mạng lưới cán bộ y tế từ tuyến huyện đến y tế thôn, xóm, tổ dân phố được củng cố; kiến thức về xây dựng, sử dụng và bảo quản nhà tiêu hợp vệ sinh của người dân được nâng cao. Với chức năng được giao, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh thường xuyên kiểm tra điều kiện vệ sinh chung và giám sát chất lượng nước sinh hoạt tại các nhà máy sản xuất, cung cấp nước sạch, lấy mẫu xét nghiệm theo định kỳ, đồng thời tích cực tuyên truyền các nội dung của phong trào vệ sinh yêu nước đến với đông đảo tầng lớp nhân dân, nhằm làm chuyển biến nhận thức, thay đổi hành vi vệ sinh cá nhân có lợi cho sức khỏe thông qua việc duy trì các thói quen sinh hoạt hằng ngày như: rửa tay bằng xà phòng đúng thời điểm, nhất là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, vệ sinh răng miệng, thân thể, thực hiện nếp sống vệ sinh "3 sạch" (ăn sạch, ở sạch, uống sạch); ăn uống hợp lý và rèn luyện thân thể… Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cũng chỉ đạo hệ thống y tế dự phòng tuyến cơ sở củng cố các đội phòng, chống dịch, đáp ứng công tác giám sát, dự báo và ứng phó; xử lý kịp thời các tình huống khi có dịch xảy ra, thực hiện tốt công tác phun khử trùng, tẩm hóa chất diệt muỗi, giám sát bệnh truyền nhiễm tại cộng đồng. Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị y tế tuyến huyện tham mưu với chính quyền và phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trong huyện chỉ đạo các xã triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung của phong trào “Vệ sinh yêu nước”, như kiện toàn Ban Chỉ đạo chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến kiến thức, ý nghĩa của phong trào cho nhân dân; tổ chức các lớp tập huấn về VSATTP; xây dựng, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; phối hợp với ban giám hiệu các nhà trường hướng dẫn học sinh rửa tay sạch bằng xà phòng nhằm phòng, chống dịch bệnh… Trung tâm y tế các huyện phối hợp với các xã, thị trấn vận động người dân sử dụng nước sạch, giữ gìn vệ sinh nguồn nước, dụng cụ chứa nước; hướng dẫn người dân các xã vùng xa trung tâm cách xử lý nước và VSMT trong mùa mưa bão; xây dựng, sử dụng và bảo quản nhà tiêu hợp vệ sinh tại mỗi hộ gia đình và nơi công cộng, hạn chế tình trạng vệ sinh bừa bãi ra môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Các trạm y tế phường, xã, thị trấn vận động người dân thu gom, vứt bỏ dụng cụ phế thải, loại bỏ nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh sốt rét, sốt xuất huyết; quản lý tốt nước thải, rác thải sinh hoạt, giữ gìn vệ sinh, cảnh quan môi trường; tổ chức các đợt tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm, tổng vệ sinh cơ quan, trường học, nơi công cộng và hộ gia đình để tạo thành thói quen và nền nếp vệ sinh trong nhân dân. Từ năm 2011 đến nay, Sở Y tế phối hợp với các huyện Xuân Trường, Ý Yên, Vụ Bản, Trực Ninh… tổ chức hưởng ứng chiến dịch “Rửa tay với xà phòng”, chiến dịch “Ngày vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe nhân dân”… Trong đó, "Ngày vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe nhân dân” năm 2013, Sở Y tế đã chọn chủ đề "Cộng đồng chung tay xây dựng, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh" để tổ chức lễ phát động nhằm vận động nhân dân xây dựng các công trình vệ sinh theo tiêu chí xây dựng NTM, giúp đỡ các hộ gia đình, nhất là các hộ nghèo vùng nông thôn xây dựng, sửa chữa nhà tiêu hợp vệ sinh. Việc phát động phong trào “Vệ sinh yêu nước” đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức cho người dân về vệ sinh phòng bệnh. Từ việc đẩy mạnh phong trào, tại nhiều làng, thôn, xóm trong tỉnh đã duy trì các hoạt động dọn VSMT vào các ngày cố định trong tháng, nhất là dịp lễ, tết. Việc phòng, chống các loại bệnh truyền nhiễm thường xuyên, nguy hiểm được thực hiện chủ động và có hiệu quả nên những năm gần đây toàn tỉnh không có dịch bệnh xảy ra.
Trước thực trạng môi trường sống ở nhiều nơi trong tỉnh bị ô nhiễm trầm trọng bởi các chất thải sinh hoạt, sản xuất, phát triển kinh tế cũng như ô nhiễm môi trường ở các KCN, các làng nghề, bãi rác, các chợ, ô nhiễm do hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật dùng trong nông nghiệp, chất thải chăn nuôi…, để thực hiện hiệu quả phong trào “Vệ sinh yêu nước”, Sở Y tế đang tích cực phối hợp với các ngành, đoàn thể lồng ghép hiệu quả với chương trình xây dựng NTM, chương trình “Nước sạch và VSMT nông thôn”, chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”… Mặt khác, để phong trào đi vào chiều sâu, mỗi cá nhân cần thực hiện tốt việc vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng; xây dựng và sử dụng đúng cách nhà tiêu hợp vệ sinh, giếng nước, nhà tắm; vệ sinh môi trường lao động nhằm hạn chế tai nạn xảy ra. Năm 2013, tỉnh ta tiếp tục triển khai các hoạt động của Dự án Vệ sinh nông thôn với những mục tiêu cụ thể: Kiện toàn mạng lưới cán bộ, tuyên truyền viên làm công tác vệ sinh nông thôn tại các huyện, xã trên địa bàn toàn tỉnh; nâng cao kiến thức cho cán bộ làm công tác vệ sinh nông thôn; nâng cao kiến thức, thay đổi hành vi vệ sinh cho người dân; xây dựng mô hình truyền thông vận động cộng đồng thực hiện vệ sinh nông thôn tại 22 xã điểm; phấn đấu tỷ lệ hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt trên 72% (năm 2013); 100% trạm y tế xã có công trình vệ sinh hợp vệ sinh… Việc thực hiện Dự án là tiền đề quan trọng cho việc thực hiện phong trào “Vệ sinh yêu nước”. Cùng với việc triển khai thực hiện dự án, Sở Y tế cần đẩy mạnh hơn nữa việc thông tin, giáo dục, truyền thông, tuyên truyền vệ sinh phòng bệnh nhằm giúp người dân thay đổi tập quán, thói quen không có lợi cho sức khỏe, biết phân loại, thu gom và xử lý chất thải, không vứt rác bừa bãi, giữ gìn vệ sinh, cảnh quan môi trường...
Bài và ảnh: Minh Thuận