Những năm qua, ở tỉnh ta, công tác xây dựng gia đình văn hóa (GĐVH) nói riêng và “Xây dựng gia đình thời kỳ CNH-HĐH đất nước” theo tinh thần Chỉ thị 49 của Ban Bí thư Trung ương Đảng nói chung được triển khai có chiều sâu và diện rộng, bước đầu đạt kết quả đáng khích lệ. Trong quá trình triển khai phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá (XDĐSVH), xây dựng GĐVH, Ban Chỉ đạo (BCĐ) phong trào Toàn dân đoàn kết XDĐSVH các huyện, thành phố đều xây dựng kế hoạch, mục tiêu và những phương hướng cụ thể, thiết thực, phù hợp với hoàn cảnh địa phương, trong đó, đều dựa trên 4 tiêu chí chung là: Gia đình hoà thuận, hạnh phúc, tiến bộ; đời sống vật chất, tinh thần được nâng cao; đoàn kết, tương trợ trong cộng đồng làng, thôn, xóm, tổ dân phố.
Một buổi sinh hoạt của CLB "Gia đình hạnh phúc" xã Hải Quang (Hải Hậu). |
Từ nhận thức gia đình là tế bào của xã hội, có ý nghĩa quyết định trong công tác xây dựng đời sống văn hoá cơ sở, những năm qua, BCĐ phong trào Toàn dân đoàn kết XDĐSVH huyện Giao Thủy đã tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh công tác xây dựng GĐVH. UBND huyện đã ban hành hướng dẫn quy trình, thủ tục hồ sơ công nhận GĐVH; gắn phong trào xây dựng GĐVH với các phong trào: Xây dựng NTM, "Xây dựng thôn, xóm bình yên, gia đình hòa thuận", "Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền", phong trào làm giàu từ kinh tế hộ, phong trào dòng họ khuyến học - gia đình hiếu học... Trong quá trình xây dựng GĐVH, nhiều xã, thị trấn trong huyện đã đồng thời thực hiện các biện pháp đồng bộ đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn những tiêu cực ngoài xã hội ảnh hưởng đến nền nếp, gia phong của mỗi gia đình; chú trọng giáo dục truyền thống gia đình, dòng họ, quê hương tới người dân. Qua đó, các gia đình đã xây dựng, vun đắp những mối quan hệ nhân ái tốt đẹp, có trách nhiệm giữa các thành viên trong gia đình; chăm lo phát triển kinh tế, tạo việc làm và thu nhập chính đáng, nâng cao chất lượng cuộc sống; thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương. Tinh thần gắn kết, tương trợ giữa các gia đình trong cộng đồng được phát huy, nhất là việc giúp đỡ các gia đình neo đơn, khó khăn, hoạn nạn. Phong trào phát triển kinh tế được các gia đình trong huyện hưởng ứng tích cực, số gia đình có đời sống ổn định ngày càng cao, nhiều xã, thị trấn số hộ khá, giàu chiếm 60%, nhiều hộ trở thành điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn hỗ trợ tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều gia đình khác. Năm 2012, toàn huyện có 44.500/60.554 hộ gia đình đạt danh hiệu GĐVH (chiếm 73,4%). Phong trào xây dựng GĐVH đã góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội ở các xã, thị trấn, thúc đẩy phong trào xây dựng làng, thôn, khu phố văn hoá phát triển mạnh. Tại huyện Hải Hậu, thời gian qua đã lồng ghép phong trào xây dựng GĐVH với cuộc vận động “Chung sức xây dựng NTM”, huyện đã vận dụng sáng tạo, cụ thể hóa các tiêu chí xây dựng GĐVH với 8 tiêu chí xây dựng mô hình gia đình NTM. Đến nay, số GĐVH toàn huyện chiếm 77,5%. Ngoài ra các ngành, đoàn thể của tỉnh cũng có những cách làm sáng tạo cùng chung tay nâng cao chất lượng phong trào xây dựng GĐVH như: Hội Phụ nữ với phong trào xây dựng "Gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc", cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch"; HND với phong trào "Gia đình nông dân hạnh phúc"; Hội CCB hình thành phong trào "Gia đình hội viên gương mẫu"; Hội Người cao tuổi thực hiện "Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiểu"...
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, phong trào xây dựng GĐVH trên địa bàn tỉnh vẫn còn những khó khăn. Các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của gia đình như hiếu nghĩa, thuỷ chung, kính trên, nhường dưới có biểu hiện xuống cấp. Cấp uỷ, chính quyền một số cơ sở chưa nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò, ý nghĩa của phong trào, chưa tập trung chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc nên phong trào chưa đồng đều. Ban vận động xây dựng GĐVH ở một số làng, thôn, xóm, khu phố hoạt động yếu, chưa phát huy được khả năng tập hợp, vận động quần chúng. Việc tuyên truyền Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình ở cơ sở chưa được chú trọng, tình trạng ly hôn vẫn có xu hướng gia tăng. Hiện nay, do không có cán bộ làm công tác gia đình ở cấp cơ sở, địa phương phân công cán bộ văn hóa - xã hội kiêm nhiệm, nên công tác phòng, chống bạo lực gia đình hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, ở một số nơi, công tác bình xét có biểu hiện chạy theo thành tích, số lượng mà chưa coi trọng chất lượng; thậm chí, ở không ít địa phương có trường hợp sau khi được công nhận danh hiệu GĐVH vẫn sinh con thứ 3, các tệ nạn xã hội như cờ bạc, nghiện hút, bạo lực gia đình vẫn còn xảy ra.
Để thực hiện có hiệu quả phong trào xây dựng GĐVH trong thời gian tới, cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp giữa MTTQ và các ban, ngành, đoàn thể trong công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân, trước hết là sự gương mẫu thực hiện của cán bộ, đảng viên trong việc xây dựng GĐVH ở cơ sở. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục thực hiện nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hoá cơ sở trong thời kỳ mới, trong đó trọng tâm là xây dựng GĐVH-NTM./.
Bài và ảnh: Việt Thắng