Hải Hậu phát huy hiệu quả Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn

08:08, 26/08/2013

Trong những năm qua, kinh tế - xã hội huyện Hải Hậu liên tục có bước phát triển bền vững. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm đạt trên 10%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng sản xuất CN-TTCN, dịch vụ. Tình hình an ninh nông thôn ổn định, không để xảy ra các vụ việc khiếu nại, tố cáo vượt cấp kéo dài. Có được kết quả trên, cùng với việc thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã tập trung chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Cán bộ UBND xã Hải Phương giải quyết các thủ tục hành chính theo nguyên tắc công khai, dân chủ.
Cán bộ UBND xã Hải Phương giải quyết các thủ tục hành chính theo nguyên tắc công khai, dân chủ.

Đồng chí Trần Văn Chinh, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Hải Hậu cho biết: “Việc thực hiện Pháp lệnh số 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khóa XI) về dân chủ ở xã, thị trấn đã góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện”. Hằng năm, Ban Thường vụ Huyện ủy đều tập trung lãnh đạo, chỉ đạo UBND các xã, thị trấn, các ngành, đoàn thể, các cấp ủy cơ sở tiếp tục quán triệt, thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về đảm bảo dân chủ; đặc biệt là Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khóa XI) về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; Kết luận số 65-KL/TW ngày 4-3-2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 18-2-1998 của Bộ Chính trị về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đến cán bộ, đảng viên và nhân dân. Thực thi Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn trong công tác xây dựng chính quyền, HĐND, UBND các xã, thị trấn đã phối hợp với MTTQ cùng cấp xây dựng quy chế phối hợp hoạt động trong suốt nhiệm kỳ. Các xã, thị trấn đã tiến hành đúng quy định việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, UBND xã, thị trấn. HĐND xã, thị trấn đã tổ chức tốt các cuộc tiếp xúc cử tri ở các địa bàn thôn, xóm để nhân dân tham gia đóng góp ý kiến vào việc xây dựng đề án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các quy định của địa phương, tham gia đóng góp ý kiến cho đội ngũ cán bộ dân cử. Từ việc đảm bảo công khai dân chủ, chất lượng đội ngũ cán bộ công chức xã, thị trấn được nâng lên, năng lực quản lý kinh tế, quản lý xã hội ở cơ sở đã có bước chuyển biến rõ rệt, các chương trình, đề án ở địa phương được thực hiện có hiệu quả hơn. Cũng thông qua việc đảm bảo dân chủ cơ sở, MTTQ và các đoàn thể nhân dân đã tuyên truyền, vận động, tập hợp nhân dân tham gia thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị ở địa phương và nhiệm vụ của tổ chức, triển khai các phong trào quần chúng chủ động xây dựng, phát động các phong trào thi đua giúp nhau giảm nghèo, tích cực tham gia xây dựng NTM… Trong phát triển kinh tế - xã hội, HĐND, UBND các xã, thị trấn đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri từ thôn (xóm) tham gia đóng góp, bàn và quyết định về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán thu, chi ngân sách; các công trình đầu tư xây dựng; quy hoạch sử dụng đất; đề án xây dựng NTM; kế hoạch dồn điền, đổi thửa… trước khi trình cơ quan thẩm quyền quyết định. Ở xã Hải Phương, khi xây dựng đường liên thôn, liên xã, 2 trường tiểu học, 1 trường THCS của xã, công tác dồn điền, đổi thửa, tập trung quỹ đất công, quy hoạch vùng sản xuất tập trung đều có sự tham gia đóng góp ý kiến của nhân dân. Ngay trong năm 2011, toàn bộ quỹ đất công của xã cơ bản đã được dồn đổi, tập trung thành 3 vùng với tổng diện tích trên 202 nghìn m2; quy hoạch gọn vùng chuyển đổi cây trồng vụ đông với diện tích 70ha, vùng lúa cao sản 170ha, vùng nuôi thủy sản 30ha, CCN tập trung 21ha. Đến nay, toàn bộ hệ thống đường ngõ xóm, đường liên xóm đã được bê tông hóa; công trình trường học mầm non, với kinh phí trên 5,8 tỷ đồng (trong đó nhân dân đóng góp 390 triệu đồng) đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Đối với các cuộc vận động ủng hộ các quỹ do Trung ương MTTQ và các tổ chức Trung ương, tỉnh phát động như: Quỹ Chất độc da cam, Quỹ Vì người nghèo, Quỹ Vì Trường Sa thân yêu…, Uỷ ban MTTQ xã Hải Phúc đã phối hợp với các đoàn thể tuyên truyền vận động ủng hộ theo nguyên tắc tự nguyện, không áp đặt, không phân bổ bình quân. Do vậy đã khơi dậy và phát huy truyền thống tương thân, tương ái trong các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia. Năm 2012, Uỷ ban MTTQ xã đã tuyên truyền vận động nhân dân ủng hộ các quỹ từ thiện nhân đạo với số tiền trên 200 triệu đồng. Năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo của xã Hải Phúc còn 7,26%, giảm hơn 2% so với năm 2011. Ở xã Hải Hà thực hiện Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, hai năm một lần MTTQ xã tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với các cán bộ đảm nhiệm các chức danh chủ chốt trong cấp uỷ, chính quyền địa phương. Hiện, MTTQ xã Hải Hà đang triển khai lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh trưởng, phó thôn (xóm) do nhân dân bầu. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm của nhân dân là một trong những “kênh” thông tin giúp cho cấp uỷ, chính quyền các cấp đánh giá đầy đủ, thực chất về phẩm chất, năng lực thực thi nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ cơ sở, từ đó có định hướng trong việc đào tạo, quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở, đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đồng thời, thông qua kết quả tín nhiệm của nhân dân, giúp đội ngũ cán bộ ở cơ sở nhận thức rõ hơn về vai trò, trách nhiệm, sự đánh giá của người dân, từ đó tích cực học tập, rèn luyện phẩm chất, nâng cao năng lực, phát huy ưu điểm, khắc phục những hạn chế, thường xuyên gần dân, lắng nghe, hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân để phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn… Hiện tại, các xã, thị trấn trong huyện đều duy trì hoạt động của Ban thanh tra nhân dân (TTND) với gần 304 thành viên. MTTQ và các đoàn thể chính trị, xã hội tập trung giám sát việc thực hiện đường lối, chính sách, chương trình xây dựng NTM, việc huy động các khoản đóng góp của dân để xây dựng kết cấu hạ tầng, các công trình phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân trong xóm, xã, việc thực hiện chính sách xã hội ở địa phương. Hoạt động của các Ban TTND đã góp phần hạn chế những tiêu cực tại cơ sở, nhất là trong các lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, xây dựng cơ sở hạ tầng, thu, chi ngân sách, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Do thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi” nên huyện Hải Hậu đã huy động được nhiều nguồn lực từ nhân dân đầu tư trực tiếp cho chương trình xây dựng NTM với những kết quả cụ thể. Trong đó tổng vốn huy động đầu tư xây dựng NTM đạt trên 250 tỷ đồng. Hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được đầu tư nâng cấp. Hiện, hệ thống đường giao thông trục xã, liên xã đều được nhựa hóa và bê tông hóa, bề mặt rộng từ 3,5m trở lên; đường thôn xóm có 537/835km được bê tông hóa theo tiêu chí NTM; đường trục chính nội đồng có 290/649km được bê tông hóa; hệ thống kênh mương thủy lợi nội đồng đảm bảo thông thoáng, đáp ứng yêu cầu tưới tiêu phục vụ sản xuất. UBND các xã, thị trấn tăng cường vai trò giám sát của nhân dân, quan tâm nâng cao chất lượng hoạt động của Ban TTND, Ban giám sát đầu tư cộng đồng, chú trọng công tác hòa giải ở cơ sở. Chính quyền các cấp tăng cường trách nhiệm thực hiện tốt hơn việc cải cách hành chính, lịch tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tệ nạn xã hội; thực hiện có hiệu quả các phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa và khu dân cư tiên tiến.

Việc thực hiện tốt Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn huyện đã phát huy được sự đoàn kết, thống nhất trong các tầng lớp nhân dân, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương./.

Bài và ảnh: Thanh Tuấn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com