Giao Thịnh phát triển kinh tế gắn với xây dựng đời sống văn hoá

08:08, 27/08/2013

Xã Giao Thịnh (Giao Thủy) hiện có 3.461 hộ với  13.295 khẩu, ở 16 xóm; trong đó có gần 50% số dân theo đạo Thiên chúa. Những năm qua, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, Đảng ủy, UBND xã đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá gắn với tiêu thụ sản phẩm; tích cực chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống cây trồng, tăng tỷ lệ gieo cấy các giống lúa chất lượng tốt, giá trị kinh tế cao, phù hợp với đồng đất địa phương... Giao Thịnh là địa phương dẫn đầu của huyện trong thực hiện dồn điền, đổi thửa (DĐĐT). Đến nay, bình quân toàn xã còn 1,62 thửa/hộ, nhân dân đã hiến 17,65ha đất để làm đường giao thông, thủy lợi nội đồng. Sau khi thực hiện DĐĐT, xã đã hình thành 4 vùng sản xuất chuyên canh, gồm: vùng trồng cây vụ đông, vùng trồng lúa đặc sản có giá trị kinh tế cao, vùng trồng lúa có năng suất cao, vùng chuyển đổi từ cấy lúa năng suất thấp sang nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi. Toàn xã đã chuyển đổi được 90ha sang nuôi trồng thủy sản, cho thu nhập đạt từ 300-500 triệu/ha/năm. Cả 2 HTXDVNN Thịnh Thắng và Thịnh Tiến của xã đều mở rộng diện tích trồng các loại cây màu vụ đông như: khoai tây, cà chua, bí xanh và rau màu các loại. Về sản xuất nông nghiệp, xã luôn dẫn đầu huyện về năng suất lúa, bình quân đạt trên 140 tạ/ha. Năm 2012, giá trị canh tác trên 1ha đạt hơn 110 triệu đồng, trong đó, diện tích trồng cây màu đạt trên 160 triệu đồng/ha. Toàn xã có 35 trang trại, gia trại chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản. Các hộ dân ở vùng chuyển đổi đã áp dụng mô hình kinh tế trang trại tổng hợp, nuôi các loại cá truyền thống, cá vược, cá rô đầu vuông kết hợp với nuôi lợn, gà và trồng cây cảnh hoặc rau màu ngắn ngày cho hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu như gia đình ông Phạm Văn Bình, ở xóm 14, đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng nuôi cá vược, tôm rảo kết hợp với trồng cây cảnh, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Mô hình kinh tế trang trại nuôi lợn công nghệ cao trên diện tích 12ha của gia đình anh Lại Văn Nhân mỗi tháng cung ứng ra thị trường từ 2.000-2.500 con lợn giống, giải quyết việc làm cho hơn 20 lao động với thu nhập từ 4-6 triệu đồng/người/tháng. Ngoài chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, Đảng bộ xã còn quan tâm chỉ đạo phát triển ngành nghề, có cơ chế hỗ trợ khuyến khích mở thêm nghề mới, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Năm 2012, giá trị sản xuất CN-TTCN toàn xã đạt 13 tỷ đồng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, đến nay, lĩnh vực CN-TTCN và thương mại, dịch vụ chiếm 51%. Kinh tế phát triển tạo nguồn lực mạnh mẽ để Giao Thịnh xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở theo hướng HĐH: 100% đường trục xã, liên xã và liên xóm được nhựa hóa và bê tông hóa; 70% xóm có Nhà Văn hóa; các trường học mầm non, tiểu học, THCS được kiên cố hóa, đầu tư mở rộng theo chuẩn quốc gia.

Làng Bỉnh Di, xã Giao Thịnh.
Làng Bỉnh Di, xã Giao Thịnh.

Đồng chí Trần Khắc Thiêm, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Bên cạnh thực hiện có hiệu quả việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhân dân trong xã luôn thực hiện tốt nếp sống văn hoá mới trong việc cưới, việc tang. Những năm qua, xã đã triển khai có hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Trong quá trình triển khai phong trào xã luôn gắn xây dựng đời sống văn hoá mới với việc bảo tồn và phát huy các giá trị và bản sắc văn hoá truyền thống địa phương; xây dựng gia đình văn hoá và các phong trào “Xây dựng thôn, xóm bình yên, gia đình hạnh phúc”, vận động toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm, ngăn ngừa các tệ nạn xã hội, bảo đảm an ninh nông thôn, trật tự xã hội. Hệ thống chính trị - xã hội được củng cố vững mạnh, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong hưởng thụ và tham gia sáng tạo các giá trị văn hoá mới. Ban Chỉ đạo phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" của xã đã xây dựng các đề án phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của địa phương như: đề án phát triển xã hội hoá văn hoá, TDTT, xây dựng thiết chế văn hoá, cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm; trong đó đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng gia đình văn hoá, là tiền đề cơ bản để triển khai xây dựng làng (xóm) văn hoá. Ban Chỉ đạo phong trào phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể vận động và cụ thể hóa nội dung phong trào vào nhiệm vụ của tổ chức, đưa nội dung của đề án vào các buổi sinh hoạt CLB chuyên đề như: CLB Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế giỏi, CLB Gia đình hạnh phúc, CLB Không sinh con thứ 3, CLB Thanh niên lập thân, lập nghiệp, CLB Ông bà, cha mẹ gương mẫu, con cháu hiếu thảo. Trong đó, Hội Phụ nữ, HND, Hội CCB, Đoàn Thanh niên luôn bám sát nhiệm vụ để tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương. Bằng sự phối hợp đồng bộ nên phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” ở Giao Thịnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đến nay, có 9/12 xóm đạt danh hiệu Xóm Văn hóa; hơn 85% số hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hoá; tỷ lệ hộ khá giàu đạt trên 60%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hằng năm từ 3-4%. Chất lượng đào tạo các cấp học ngày một nâng cao, trong đó, trường THCS, Trường Tiểu học A, Tiểu học B Giao Thịnh đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ học sinh thi đỗ vào THPT của xã đạt trên 75%; xã hiện có trên 1.000 người có trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên.

Từ những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân trong xã luôn được cải thiện, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc. Đảng bộ xã nhiều năm giữ vững danh hiệu Đảng bộ trong sạch vững mạnh./.

Bài và ảnh: Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com