Vài năm trước khi con trai vừa kết thúc năm học, bộ sách giáo khoa (SGK) cũ được chị Nga xếp gọn vào thùng các tông để chờ bán cho đồng nát. Mua bộ SGK mất vài trăm nghìn nhưng lúc bán, giỏi lắm được vài chục nghìn đồng. Không chỉ riêng chị Nga mà nhiều bậc phụ huynh trong khu phố cũng hóa đống SGK cũ thành giấy vụn. Một lần ở dưới quê lên chơi đúng lúc chị Nga đang bán sách cũ, người chị dâu ngạc nhiên: “Ôi, sao nhà cô lãng phí thế! Ở quê mình còn nhiều người nghèo lắm. Như nhà cô Mận ở cuối làng, chồng bị tai nạn mất sớm, bản thân thì nay yếu mai đau, hai đứa con lại đang tuổi đi học nhưng không có tiền mua sách vở. Ai cho được quyển vở là mừng lắm rồi, còn SGK thì phải mượn bạn bè, may mà mấy năm nay nhà trường có tủ sách dùng chung để học sinh mượn đấy… Từ nay, có sách cũ cô cứ để tôi lấy về cho các cháu học". Nghe vậy, chị Nga giật mình: Hóa ra lâu nay, vì sự vô tâm của chị mà sau mỗi năm học những bộ SGK dù còn khá mới cứ lần lượt theo các gánh đồng nát(!). Vì vậy, ngày cuối tuần, chị và con trai đi khắp phố để xin sách cũ đem về quê. Việc làm của chị không chỉ giúp ích cho nhiều học sinh có sách để học mà con trai chị cũng có ý thức hơn trong việc giữ gìn sách vở.
Học sinh chọn mua sách giáo khoa tại Siêu thị sách Ngọc Bình (TP Nam Định). |
Không phải ai cũng có điều kiện để mua sách mới cho con khi bước vào năm học mới, những gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, lo đóng góp các khoản chi phí đầu năm học đã khiến nhiều người mất ăn mất ngủ. Chị Lan, bán rau ở chợ Hoàng Ngân (TP Nam Định) cho biết: Cứ đến đầu năm học lo tiền đóng các khoản chi phí cho 2 con đi học đã tốn hàng triệu đồng nên năm nay tôi không mua SGK mới nữa mà mua sách cũ ở phố Lê Hồng Phong. Tuy là sách dùng rồi nhưng nhiều cuốn vẫn còn mới, lại đều là sách của Bộ GD và ĐT phát hành, trong khi giá sách chỉ non nửa so với sách mới. Với những gia đình nông dân nghèo ở quê cũng đang “loay hoay” với khoản tiền mua sách cho con, bởi với thu nhập của nhà nông, một bộ SGK có giá từ 400-500 nghìn đồng đã là cả vấn đề nan giải, trong khi việc mua SGK cũ cũng không dễ, chưa nói đến việc mua sắm quần áo, đồ dùng học tập. Thế nhưng, qua mỗi năm học, hàng nghìn cuốn SGK đã qua sử dụng không đến được với những học sinh nghèo, học sinh vùng khó khăn, giúp các em có điều kiện tốt hơn trong học tập. Được biết, trong hoạt động giáo dục của mỗi nhà trường, các thầy giáo, cô giáo cũng thường xuyên quan tâm đến việc giáo dục học sinh giữ gìn sách vở, biết trân trọng giá trị những cuốn sách, đồng cảm với các bạn còn khó khăn làm những việc có ý nghĩa như tặng sách cho các bạn học sinh nghèo ở vùng sâu, vùng xa.
Trong những năm gần đây, ngành GD và ĐT đã yêu cầu các nhà trường đẩy mạnh phong trào quyên góp và sử dụng SGK cũ trong các nhà trường, khuyến khích học sinh giữ gìn SGK sạch, đẹp để tặng các em học sinh lớp dưới, thư viện nhà trường hoặc tủ sách dùng chung để giúp các em học sinh nghèo, học sinh khuyết tật có sách học. Ngày 2-5-2013, Bộ GD và ĐT có công văn yêu cầu các Sở GD và ĐT đẩy mạnh triển khai cuộc vận động quyên góp, chuyển tặng và mua, bán SGK; khẳng định đây là cuộc vận động mà các Sở GD và ĐT cần thực hiện nhằm tạo điều kiện cho những học sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn có đủ sách học tập và không phải bỏ học vì thiếu sách. Ngày 3-7-2013, Sở GD và ĐT đã có Văn bản số 797 đôn đốc các Phòng GD và ĐT các huyện, thành phố, các đơn vị trực thuộc Sở tích cực hưởng ứng cuộc vận động trong tháng 7, 8 và 9-2013. Nếu việc quyên góp, trao tặng được thực hiện, những cuốn SGK chắc chắn sẽ tiếp tục phát huy tác dụng, vừa tránh sự lãng phí vừa đem lại niềm vui cho học sinh nghèo trước năm học mới./.
Bài và ảnh: Thảo Linh