Công đoàn ngành NN và PTNT có 36 công đoàn cơ sở với 2.900 CNVCLĐ, trong đó 500 người trực tiếp sản xuất; 1.300 người làm việc trong các Cty chế biến thực phẩm, lâm sản; 200 người làm việc trong các đơn vị xây dựng… Đa số công nhân lao động trong ngành Nông nghiệp luôn phải làm việc trong môi trường tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy hại cho sức khỏe do tiếp xúc với máy móc, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học, làm việc phân tán nhiều nơi, lao động ngoài trời. Đặc biệt, lao động ngành chăn nuôi thường xuyên phải tiếp xúc với gia súc, gia cầm là nghề trong nhóm có bệnh nghề nghiệp. Vì vậy, những năm qua Công đoàn ngành NN và PTNT luôn phối hợp với chuyên môn làm tốt nhiệm vụ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của CNVCLĐ. Trong đó, nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người lao động trực tiếp sản xuất được các cấp công đoàn ngành đặc biệt quan tâm.
Công nhân Cty CP Lâm sản Nam Định luôn được trang bị đầy đủ vật dụng bảo hộ lao động. |
Đối với các đơn vị có lao động trực tiếp tham gia trồng trọt, công đoàn ngành thực hiện nghiêm chế độ bồi dưỡng theo quy định như: bồi dưỡng trực tiếp bằng hiện vật, giảm định mức thu nộp sản phẩm, giảm thời gian sản xuất. Đối với các đơn vị trong ngành chăn nuôi, chế biến nông, lâm, thuỷ sản ướp lạnh, công đoàn các đơn vị, doanh nghiệp đã phối hợp với chuyên môn thực hiện đúng chính sách bảo hộ lao động, nghiêm túc chấp hành quy định, quy tắc an toàn lao động. Những trường hợp người lao động bị nghi ngờ mắc bệnh đều được tạo điều kiện khám, điều trị. Khi đã xác định đúng bệnh nghề nghiệp, các đơn vị chủ động phối hợp với cơ quan BHXH xác định tỷ lệ mất sức lao động để người lao động được hưởng chế độ chăm sóc, điều trị bệnh nghề nghiệp và được chuyển sang các công việc khác phù hợp với sức khỏe. Ngoài ra, công đoàn ngành còn đã chỉ đạo các đơn vị chăn nuôi làm tốt công tác tiêu độc, khử trùng; trang bị bảo hộ lao động cho người lao động. Ở Cty CP Lâm sản Nam Định chuyên sản xuất sản phẩm gỗ, người lao động thường xuyên phải làm việc trong môi trường tiềm ẩn những yếu tố mất ATVSLĐ như mùn gỗ, máy móc, sơn, tiếng ồn và nước thải độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe. Công đoàn và ban giám đốc Cty luôn trang bị đầy đủ trang thiết bị bảo hộ lao động, đầu tư thiết kế chống ồn, trần chống nóng cho các xưởng sản xuất, bố trí xe ô tô đưa đón công nhân làm việc tại nhà máy ở KCN Hòa Xá (TP Nam Định), hỗ trợ bữa ăn trưa và bố trí chỗ nghỉ cho công nhân. Những công nhân làm việc tại bộ phận mài và vận hành xử lý nước thải được hưởng chế độ phụ cấp độc hại theo quy định. Các chế độ nghỉ ốm và thai sản được Cty thực hiện đúng với quy định của Nhà nước. Cùng với chăm lo điều kiện vật chất, công đoàn ngành NN và PTNT thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức của người lao động về vấn đề bảo đảm ATVSLĐ; tập huấn công tác ATVSLĐ-PCCN ở các đơn vị; thường xuyên quan tâm kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách như chế độ BHXH, BHYT; chế độ bồi dưỡng độc hại; tham gia xây dựng định mức lao động đảm bảo hài hoà và hợp lý với sức khỏe người lao động ở từng lĩnh vực ngành nghề; tổ chức bếp ăn tập thể đảm bảo bữa ăn ngon, chất lượng, hợp vệ sinh, an toàn thực phẩm giúp người lao động có đủ sức khỏe làm việc. Mỗi đơn vị đều bố trí bộ phận y tế phù hợp theo quy định, có đầy đủ dụng cụ sơ cứu, thuốc chữa bệnh. Các đơn vị thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho 100% CNVCLĐ trong ngành; hỗ trợ khám sức khỏe ở tuyến trên đối với những lao động nặng nhọc, độc hại, có nguy cơ, tiềm ẩn mắc bệnh nghề nghiệp.
Tuy nhiên, trong điều kiện tác động của biến đổi khí hậu, dịch bệnh phát sinh trên đàn gia súc, gia cầm dễ lây lan đến con người, trong khi một bộ phận công nhân lao động chưa có ý thức bảo vệ sức khỏe của bản thân, bảo quản và sử dụng dụng cụ bảo hộ lao động..., các cấp công đoàn ngành NN và PTNT cần tập trung đẩy mạnh tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe, trang bị bảo hộ lao động, đảm bảo ATVSLĐ trong các đơn vị, cơ sở. Phối hợp với chuyên môn vận động, đôn đốc người lao động chấp hành các quy định, quy tắc về an toàn lao động, sử dụng đầy đủ dụng cụ bảo hộ trong quá trình làm việc. Đẩy mạnh phong trào thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật nhằm cải thiện điều kiện, môi trường lao động bảo đảm an toàn, vệ sinh hơn, phòng tránh tai nạn lao động. Người lao động cần tự giác và có ý thức chấp hành nghiêm quy trình an toàn lao động, đảm bảo sức khỏe trong lao động, sản xuất./.
Bài và ảnh: Hoàng Dung