Đối với người Việt Nam, bữa cơm trong mỗi gia đình là một nét văn hoá truyền thống đặc sắc. Bữa cơm thể hiện rõ nét tính cộng đồng khi cả nhà quây quần quanh một cái mâm tròn, cha mẹ, con cái vừa ăn vừa trò chuyện vui vẻ.
Vốn là cư dân gốc nông nghiệp lúa nước, sống quần cư trong các xóm làng, bữa cơm của các gia đình Việt Nam thường rất đơn giản, tuỳ theo điều kiện kinh tế của mỗi gia đình mà mâm cơm cũng khác nhau. Thực phẩm chế biến món ăn rất phong phú và đa dạng, đó là sản vật trồng, nuôi được hoặc đánh bắt trong tự nhiên. Trong bữa cơm gia đình, người phụ nữ thể hiện tình cảm của mình đối với những người thân yêu vào mỗi món ăn. Truyền thống, nền nếp gia đình cũng được hình thành từ những bữa ăn đạm bạc mà đầm ấm đó. Mỗi bữa ăn là dịp để cả gia đình quây quần sum họp, vợ chồng, con cái chia sẻ với nhau những suy nghĩ, tình cảm, chuyện công việc, chuyện học hành sau một ngày lao động vất vả. “Sợi chỉ hồng” này đã gắn kết tình thân của các thành viên trong gia đình từ thế hệ này đến thế hệ khác. Trong bữa cơm, mọi người không chỉ chuyện trò vui vẻ, thể hiện sự quan tâm chia sẻ với nhau mà thông qua đó biết bao bài học quý giá được ông bà, cha mẹ truyền dạy cho con cháu. Đó không chỉ là bài học về văn hoá ăn uống: “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng” mà còn là những bài học về văn hoá ứng xử “Học ăn, học nói, học gói, học mở” và biết bao bài học về đạo lý làm người.
Nhớ thời còn khó khăn, những người vợ, người mẹ ra khỏi cơ quan, nhà máy là tất tả ra chợ, mua vội mớ rau đay, rau muống, về nhà vội vã bắc nồi lên bếp. Gặp hôm ẩm trời, củi khó bén lửa, khói cay xè hai mắt, nồi cơm đen vì bụi tro, còn nồi canh thì oi khói, nhưng vợ chồng, con cái vẫn vui vẻ sì sụp, chan chan, húp húp, trò chuyện rôm rả. Ngày nay, khi xã hội càng hiện đại, cuộc sống bận rộn khiến người ta ít chú trọng đến việc gìn giữ nét văn hoá rất thuần Việt đó. Nhiều gia đình trẻ lấy “cơm bụi” làm chính, buổi trưa phần lớn vợ chồng ăn tại nơi làm việc, con cái học bán trú ăn tại trường, tối về lại tụ tập với bạn bè quán xá đến khuya, nên có khi cả tuần, vợ chồng, con cái không ngồi ăn với nhau một bữa cơm có đầy đủ các thành viên trong gia đình. Cũng không ít gia đình coi việc nấu nướng là mất thời gian, cứ thức ăn sẵn cho tiện, nên không còn cảnh vợ chồng cùng vào bếp, hay người vợ tỉ mẩn làm những món ăn chồng con mình yêu thích, cảnh cả nhà quây quần quanh mâm cơm mỗi tối đối với nhiều gia đình trẻ càng trở nên xa xỉ. Đó có lẽ cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho sự gắn kết các thành viên gia đình trong xã hội hiện đại ngày càng lỏng lẻo, thiếu sự quan tâm chia sẻ với nhau, tình cảm gia đình rạn nứt.
Gia đình là tế bào của xã hội, gia đình hạnh phúc là tiền đề, điểm tựa để mỗi thành viên gặt hái được những thành công trong cuộc sống. Trong đó mỗi bữa cơm gia đình là nơi kết nối tình cảm, gắn kết các thành viên, tạo nên không khí gia đình ấm cúng, xua tan những mệt nhọc lo toan. Vì vậy cuộc sống dù có hiện đại, bận rộn đến đâu thì mỗi thành viên không nên xem nhẹ bữa ăn của gia đình, bởi đó là truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt, góp phần làm nên giá trị bản sắc văn hoá Việt Nam./.
Phương Mai