Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc xây dựng văn hóa giao thông trong đời sống xã hội, nhất là đối với thanh niên, những năm qua Tỉnh Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã tập trung chỉ đạo Đoàn Thanh niên các huyện, thành phố và Đoàn trực thuộc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của thanh, thiếu niên khi tham gia giao thông.
Ra mắt 9 đội hình TNTN tham gia giữ gìn trật tự ATGT trong ngày hội “Tuổi trẻ Nam Định xung kích giữ gìn trật tự ATGT năm 2013”. |
Trong các kỳ sinh hoạt hằng tháng, các cơ sở Đoàn đều có nội dung phổ biến pháp luật về giao thông và xây dựng văn hóa giao thông. Công tác tuyên truyền còn được triển khai dưới nhiều hình thức, qua hệ thống bảng tin ở các trường học, qua các website, in ấn và phát hành tờ rơi, panô, áp phích, băng đĩa, cờ, khẩu hiệu, các tài liệu tuyên truyền về văn hóa giao thông; tổ chức các diễn đàn, hội nghị tọa đàm để học sinh, sinh viên chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm về văn hóa giao thông. Vào các dịp cao điểm như Tháng thanh niên, Chiến dịch thanh niên tình nguyện hè, Tháng ATGT… Đoàn Thanh niên các huyện, thành phố và Đoàn khối trường học, lực lượng vũ trang, công nhân và các cơ quan… tổ chức giao lưu, đối thoại với chủ đề “Thanh niên Nam Định cùng cộng đồng làm giảm tai nạn giao thông”. Hưởng ứng Năm ATGT 2012, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục ĐVTN chấp hành Luật Giao thông đường bộ, Tỉnh Đoàn còn xây dựng các tiêu chí cơ bản về ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông của thanh niên với các nội dung như: không uống rượu, bia khi tham gia giao thông, không chở quá số người quy định, đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy, xe đạp điện, không lạng lách, đánh võng… Năm 2013, Tỉnh Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với các ban, ngành, đơn vị tổ chức ngày hội "Tuổi trẻ Nam Định xung kích giữ gìn trật tự ATGT năm 2013", thu hút 3.000 ĐVTN tham gia với các hoạt động diễu hành cổ động việc chấp hành pháp luật về trật tự ATGT, toạ đàm về văn hóa giao thông… Tại khắp các cơ sở Đoàn trong tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình, như: thành lập các đội thanh niên tình nguyện, thanh niên xung kích tham gia bảo đảm trật tự ATGT như tham gia hướng dẫn, phân luồng giao thông tại các nút giao thông có đèn tín hiệu nhằm nhắc nhở, xây dựng thói quen chấp hành tín hiệu điều hành giao thông của người dân nói chung, thanh niên nói riêng và giúp lực lượng chức năng giải quyết các vụ tai nạn giao thông; giúp đỡ người bị tai nạn giao thông. Từ năm 2009 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã thành lập được 1.203 CLB, đội, nhóm thanh niên tình nguyện giữ gìn ATGT, thu hút trên 30 nghìn lượt ĐVTN tham gia. Đoàn Thanh niên các trường học tiếp tục duy trì mô hình “Cổng trường an toàn”, tổ chức các đội thanh niên tình nguyện hướng dẫn giao thông khu vực cổng trường trong các giờ cao điểm. Hằng năm, các cấp bộ Đoàn phối hợp tổ chức cho học sinh, sinh viên ký cam kết không vi phạm pháp luật ATGT, vận động học sinh không điều khiển xe mô tô, xe máy khi chưa đủ tuổi theo quy định. Tại các địa phương có học sinh đi đò đến trường, Đoàn Thanh niên đã xây dựng mô hình “Bến đò an toàn”, tổ chức các đội thanh niên tình nguyện tham gia hoạt động trong giờ cao điểm, hướng dẫn học sinh mặc áo phao hoặc sử dụng thiết bị cứu sinh, nhắc nhở các chủ đò và người điều khiển phương tiện thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn cho khách đi đò, ứng cứu khi xảy ra tai nạn. Ngoài ra, các cấp bộ Đoàn còn tổ chức tuyên truyền Luật Giao thông đường thủy nội địa cho người dân khu vực bến đò, nhất là học sinh tại các trường học, tổ chức các khóa học bơi cho các em; tham gia tu sửa, bảo dưỡng, bảo quản phương tiện, thiết bị và xây dựng hạ tầng khu vực bến đò. Các cơ sở Đoàn đăng ký đảm nhận giữ gìn, bảo vệ trật tự ATGT, xây dựng các công trình giao thông công cộng phù hợp với điều kiện của địa phương; đồng thời phối hợp tổ chức các hoạt động giúp thanh niên hoàn thiện các kỹ năng khi tham gia giao thông như: kỹ năng lái xe khoa học và an toàn; cách lựa chọn và sử dụng mũ bảo hiểm có chất lượng; cách xử lý các tình huống có nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Hằng năm Tỉnh Đoàn đều tổ chức tuyên dương, khen thưởng những mô hình mới, cách làm hay, những hành vi đẹp trong xây dựng văn hóa giao thông của tập thể, cá nhân.
Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn những hình ảnh phản cảm của một bộ phận giới trẻ khi tham gia giao thông như: phóng nhanh, lạng lách, đánh võng, đi xe đạp, xe máy chở quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông theo quy định, vượt đèn đỏ... Vì vậy, thời gian tới, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về Luật Giao thông đường bộ và các quy định xử phạt vi phạm, hướng tới xây dựng văn hoá giao thông trong cán bộ, đoàn viên, thanh, thiếu niên./.
Bài và ảnh: Hoa Xuân