Huyện Trực Ninh có hơn 17,6 vạn dân, trong đó số người trong độ tuổi lao động chiếm 56%. Sau hơn 2 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, huyện đã triển khai nhiều biện pháp nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo tiêu chí xây dựng NTM.
Trong sản xuất nông nghiệp, các xã, thị trấn của huyện đã tích cực ứng dụng tiến bộ KHKT, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Sau hơn 2 năm xây dựng NTM, đã có 88 lớp tập huấn chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật cho 5.500 lượt người; triển khai 33 mô hình tiến bộ kỹ thuật, 1 mô hình sản xuất khoai tây bằng phương pháp làm đất tối thiểu phủ rạ trong vụ đông tại xã Trực Chính đã mở ra hướng sản xuất vụ đông hiệu quả, phù hợp với điều kiện canh tác của địa phương. Ngoài ra các xã, thị trấn trong huyện còn xây dựng 39 mô hình cánh đồng mẫu lớn trồng lúa, cây màu và cây vụ đông với diện tích trên 1.500ha. Trong chăn nuôi, đến hết năm 2012, toàn huyện đã có 572 hộ chăn nuôi theo quy mô trang trại, gia trại, trong đó có 18 trang trại đạt tiêu chí của Bộ NN và PTNT, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều gia đình. Nuôi trồng thủy sản cũng có bước phát triển mạnh với diện tích trên 1.000ha, tạo việc làm thường xuyên cho hàng nghìn lao động với giá trị thu nhập bình quân từ 90-120 triệu đồng/ha. Nhờ phát triển toàn diện nông nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa, cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp của huyện chuyển biến tích cực theo hướng giảm tỷ trọng ngành trồng trọt, tăng tỷ trọng chăn nuôi và dịch vụ. Trong phát triển CN-TTCN và xây dựng, toàn huyện hiện có 292 doanh nghiệp, HTX... Ngoài ra, huyện ban hành nhiều cơ chế, chính sách mở rộng phát triển các làng nghề, giải quyết việc làm cho người dân ngay tại quê hương. Hiện 10 làng nghề trong huyện với 35 cơ sở sản xuất thu hút 5.500 hộ với 12 nghìn lao động vẫn duy trì hoạt động, tiêu biểu như nghề dệt xã Trực Chính; nghề ươm tơ thôn Cổ Chất, xã Phương Định; nghề thêu ren, chế biến gỗ ở thôn Trung Lao và nghề mây tre đan ở thôn An Mỹ, xã Trung Đông; nghề đan cót ở thôn Ngọc Đông, xã Trực Thanh; nghề kéo sợi PE ở xã Trực Hùng… Trong quá trình xây dựng NTM, các xã: Trực Hưng, Trực Hùng, Trung Đông đã kêu gọi được một số doanh nghiệp tham gia đầu tư sản xuất, kinh doanh. Tiêu biểu như Tổng Cty CP Dệt may Nam Định đầu tư xây dựng nhà máy may trên địa bàn xã Trực Hưng, thu hút và tạo việc làm cho trên 200 lao động, với thu nhập từ 2,5-3,5 triệu đồng/người/tháng. Cty May Thành Trung (Trực Nội) đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng hệ thống nhà xưởng may quần áo xuất khẩu, tạo việc làm thường xuyên cho 180 lao động với thu nhập trung bình 3 triệu đồng/người/tháng…
Cty May Thành Trung, xã Trực Nội, thường xuyên thu hút 180 lao động có việc làm ổn định. |
Thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch số 18/KH-UBND ngày 24-6-2010 của UBND tỉnh, từ năm 2011 đến nay, Phòng LĐ-TB và XH, Phòng NN và PTNN đã phối hợp với các trường, trung tâm dạy nghề, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, UBND các xã, thị trấn xây dựng NTM tổ chức 45 lớp đào tạo nghề cho 2.145 lao động trên địa bàn huyện. Các ngành nghề được đào tạo gồm may mặc, mây tre đan xuất khẩu, mộc, thêu ren, cơ khí, nuôi trồng thủy sản, điện dân dụng… Qua khảo sát, có 80-85% lao động sau học nghề có việc làm ổn định, thu nhập bình quân từ 1,5-2 triệu đồng/người/tháng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn. Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển, đến nay cơ cấu kinh tế của huyện Trực Ninh đã dịch chuyển tích cực theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Hiện ngành nông nghiệp, thuỷ sản của huyện chiếm tỷ trọng 30,8%, công nghiệp - xây dựng chiếm 37%, dịch vụ chiếm 32,2%. Trong năm 2012, toàn huyện có thêm 3.800 người được giải quyết việc làm mới; số lao động qua đào tạo của huyện chiếm 52% tổng số lao động. Sau hơn 2 năm xây dựng NTM nhiều xã đã có sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động rõ rệt. Tiêu biểu như xã Trực Hưng, trước khi xây dựng NTM, cơ cấu lao động của xã là 75% nông nghiệp, 15% CN-TTCN, 10% dịch vụ. Trong 2 năm xây dựng NTM, xã đã phối hợp với các ngành chức năng của huyện tổ chức được 3 lớp đào tạo nghề may, 2 lớp chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho hàng trăm lao động; các đoàn thể như Hội Nông dân, Hội LHPN… cũng thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao KHKT cho hội viên. Đến nay, cơ cấu lao động của xã đã chuyển dịch nhanh với 55% nông nghiệp, 25% CN-TTCN, xây dựng và 20% dịch vụ. Đời sống người dân ngày càng khấm khá, thu nhập bình quân đạt khoảng 20 triệu đồng/người/năm.
Tuy nhiên, thực tế ở nhiều xã, thị trấn trong huyện những người có nhu cầu, khả năng lao động đều đã tìm việc ở doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, lực lượng ở lại chủ yếu là người già và trẻ em. Các xã xây dựng NTM trong huyện đều là xã thuần nông, việc phát triển ngành nghề còn chậm nên để nâng cao thu nhập sẽ rất khó khăn. Mặt khác, trình độ tay nghề của lao động nông nghiệp còn thấp. Để tăng tỷ lệ lao động có việc làm theo tiêu chí NTM, thời gian tới huyện tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh việc phát triển các ngành nghề. Tranh thủ Đề án 1956, kết hợp sử dụng ngân sách huyện để tăng cường đào tạo nghề cho lao động nông thôn giúp người lao động năng động tìm kiếm việc làm. Giai đoạn 2013-2015, huyện có kế hoạch mỗi năm dạy nghề cho khoảng 1.000 lao động nông thôn gồm 800 lao động phi nông nghiệp, 200 lao động nông nghiệp với kinh phí 400 triệu đồng/năm…, đồng thời chỉ đạo các xã, thị trấn tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp để đào tạo theo địa chỉ, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động nông thôn./.
Bài và ảnh: Đức Thiện