Tập trung sửa chữa nhà ở nguy hiểm tại Thành phố Nam Định

08:07, 16/07/2013

Qua khảo sát, điều tra hằng năm, trên địa bàn Thành phố Nam Định hiện có khoảng 34 khu nhà thuộc diện nhà ở nguy hiểm với trên 1.000 hộ dân đang sinh sống. Trong đó, khoảng 50% nhà nguy hiểm loại 1 là các căn nhà có thể sống tạm thời, khoảng 10% loại 2 là các căn nhà cần phải di chuyển cấp bách, còn lại là các căn nhà loại 3 được sửa chữa, cải tạo liên tục và trong giai đoạn chờ chính sách, cơ chế về hỗ trợ tái định cư. Hầu hết các khu nhà thuộc diện nhà ở nguy hiểm tập trung chủ yếu ở những khu phố cổ, phố cũ, chung cư cũ như Hàng Sắt, Hoàng Văn Thụ, Bến Ngự, Quang Trung, Hàng Tiện, khu chung cư 5 tầng đường Trần Đăng Ninh, các khu nhà 2 tầng, 3 tầng đường Trần Huy Liệu… Các căn nhà đều được xây dựng trong giai đoạn 1960-1980, chủ yếu là chung cư 2, 3 và 5 tầng, diện tích trung bình mỗi căn hộ từ 16-18m2, kết cấu tường gạch, mái ngói, nền gỗ. Đến nay, qua mấy chục năm sử dụng, mái nhà đều bị dột, tường vữa bị nứt vỡ, cầu thang bị bong tróc, bê tông trơ lõi thép…, các căn nhà ở nguy hiểm này vẫn đang tiếp tục xuống cấp nghiêm trọng.

Trước thực trạng đó, UBND thành phố đã gấp rút chỉ đạo các phòng, ban, cơ quan chức năng tập trung cải tạo, sửa chữa nhà ở nguy hiểm. Theo đó, Cty TNHH MTV Công trình đô thị Nam Định đã thành lập Ban quản lý nhà ở nguy hiểm. Định kỳ hằng tuần, 5 Đội quản lý nhà ở đi khảo sát, kiểm tra đánh giá hiện trạng sinh hoạt của các hộ dân tại các căn nhà nguy hiểm. Ban quản lý nhà ở nguy hiểm lập danh sách phân loại các căn nhà ở thuộc diện nguy hiểm, lập dự toán, báo cáo phương án thi công trình các cơ quan chức năng thẩm định. Năm 2012, thành phố đã tiến hành sửa chữa, cải tạo 13 khu nhà nguy hiểm với tổng chi phí 800 triệu đồng, như: chống dột cho mái nhà tại các khu chung cư 3 tầng, 5 tầng; thay ống xả các công trình vệ sinh; thay sàn gỗ mới theo kết cấu từng nhà. Trong năm 2013, UBND thành phố tiếp tục đầu tư thêm 1,5 tỷ đồng để cải tạo, sửa chữa hơn 15 khu nhà trên các đường Trần Đăng Ninh, Văn Cao, Trần Huy Liệu, Phan Bội Châu; thi công chống đỡ các ban công bằng giàn thép và xử lý hệ thống thoát nước thải đảm bảo môi trường sống và sinh hoạt của các hộ dân.

Gia cố giàn thép cố định chống đỡ ban công tại khu chung cư 5 tầng, đường Trần Đăng Ninh (TP Nam Định).
Gia cố giàn thép cố định chống đỡ ban công tại khu chung cư 5 tầng, đường Trần Đăng Ninh (TP Nam Định).

Tuy nhiên, công tác sửa chữa nhà ở nguy hiểm ở thành phố còn gặp nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách. Đã từ nhiều năm nay, nguồn ngân sách và tiền thu được từ cho thuê nhà không đủ cho công tác bảo trì, chống xuống cấp quỹ nhà và công tác kiểm định để xác định chất lượng theo quy định của Bộ Xây dựng. Do đó, đến nay, công tác sửa chữa, cải tạo các căn nhà chủ yếu dựa trên đánh giá của các chuyên gia. Trong quá trình sử dụng, các hộ sinh sống tại khu nhà ở nguy hiểm cũng tự ý cải tạo ngôi nhà, gây khó khăn trong công tác đánh giá, kiểm định chất lượng công trình. Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân làm chậm tiến độ là do chưa có chế tài và chính sách đặc thù, đồng bộ trong việc xử lý nhà ở nguy hiểm nên nhiều công trình nhà ở nguy hiểm chưa thỏa thuận được phương án với các hộ dân đang sử dụng. Mặt khác, tại các khu nhà nguy hiểm hầu hết các hộ đã gia cố, cơi nới tăng diện tích sử dụng làm thay đổi kết cấu ngôi nhà, ảnh hưởng đến nền nhà, dẫn tới thay đổi mực nước ngầm gây hiện tượng sụt lún. Ngoài ra, mặt bằng thi công để xây dựng, sửa chữa các nhà ở nguy hiểm bị hạn chế; nhiều căn nhà nằm rải rác gây khó khăn cho công tác tập kết vật liệu xây dựng. Trong khi thiết kế mỗi căn nhà ở từng thời kỳ khác nhau nên khi sửa chữa phải điều chỉnh nguyên vật liệu, phương án thi công. Đặc biệt đối với các ban công tại các khu nhà 3 tầng, 5 tầng do khó khăn về địa hình nên không thể xây dựng các giàn giáo quy chuẩn. Cty đề xuất phương án gia cố bằng các khung giàn thép để chống đỡ. Bên cạnh đó, do tâm lý người dân không muốn tháo dỡ, thu hẹp diện tích và công năng sử dụng, hoặc có nhiều hộ kinh tế khó khăn, không có nhà ở tạm trong khi thi công sửa chữa nên phải tạm hoãn công tác sửa chữa bảo trì. Thậm chí nhiều khu nhà nguy hiểm ở phố Hoàng Văn Thụ như khu nhà số 207, 181, 177 Cty “không dám” cho thuê do nhà có nguy cơ đổ sập.

Để giải quyết dứt điểm tình trạng nhà ở nguy hiểm tại các khu chung cư, ngoài nỗ lực và cố gắng của tỉnh, cần có một chính sách, chủ trương giải quyết cụ thể sát với thực trạng vướng mắc của các địa phương. Hiện tại, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu, soạn thảo Nghị định của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Dự thảo này có nhiều điểm mới so với Nghị quyết 34/2007/NQ-CP về một số giải pháp để thực hiện việc cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ bị hư hỏng, xuống cấp. Đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để các địa phương hoạch định chiến lược lâu dài, tiến tới xoá bỏ cơ bản nhà ở nguy hiểm. Đặc biệt, theo đánh giá của các cơ quan chức năng, để xoá bỏ cơ bản nhà ở nguy hiểm, cần tập trung đầu tư nguồn vốn lớn, đồng thời tăng cường vận động, tuyên truyền, thực hiện xã hội hoá kêu gọi doanh nghiệp, người dân chung tay, góp sức cùng Nhà nước xoá bỏ nhà ở nguy hiểm./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com