Tạo môi trường giáo dục theo chủ đề trong các trường mầm non

08:07, 29/07/2013

Môi trường giáo dục có vai trò quan trọng trong sự phát triển nhận thức của trẻ, thúc đẩy hoạt động tìm hiểu, khám phá của trẻ. Vì vậy, các nhà trường luôn quan tâm trang trí môi trường học tập trong và ngoài lớp học sinh động, hấp dẫn theo chủ đề và phù hợp lứa tuổi của trẻ.

Các cháu lớp 5 tuổi Trường Mầm non 8-3 (TP Nam Định) đang học tập, vui chơi tại
Các cháu lớp 5 tuổi Trường Mầm non 8-3 (TP Nam Định) đang học tập, vui chơi tại "Góc tranh mảng tường", giúp nhận biết về các loại đồ vật trong cuộc sống.

Hiện toàn tỉnh có 261 trường mầm non, trong đó có 259 trường công lập, 2 trường tư thục với 32.581 trẻ ra nhà trẻ và 80.507 trẻ ra lớp mẫu giáo.  Từ nhiều năm nay, ngành Giáo dục mầm non đã nỗ lực áp dụng nhiều biện pháp để giữ vững và nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, bảo đảm về vệ sinh, dinh dưỡng và các điều kiện an toàn cho trẻ, thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới ở tất cả các trường mầm non. Hầu hết, giáo viên đã tổ chức các hoạt động giáo dục có nhiều sáng tạo, linh hoạt, tận dụng lợi thế sẵn có, khai thác tài nguyên mạng, lựa chọn các thông tin, giáo cụ cần thiết khi tổ chức các hoạt động giáo dục. Trong đó, trang trí môi trường giáo dục theo chủ đề được các nhà trường đặc biệt quan tâm. Khi trang trí, tổ chức các hoạt động giáo dục trong và ngoài lớp học, đội ngũ giáo viên căn cứ vào mục tiêu giáo dục của từng chủ đề, đồng thời tận dụng tối đa môi trường không gian xung quanh lớp học, khai thác các thiết bị, đồ dùng sẵn có, bổ sung thêm thiết bị, đồ dùng tự làm. Việc sắp xếp, thay đổi chủ đề được tính toán để bảo đảm tận dụng các nguyên liệu, hiện vật của các chủ đề, bảo đảm tính liên kết, dẫn dắt để trẻ phát huy trí tưởng tượng… Chẳng hạn, từ chủ đề “Thế giới thực vật” chuyển sang chủ đề “Thế giới động vật”, những mảng tranh tường, tranh chủ đề với cây xanh, hàng rào, thảm cỏ… được giữ lại và bổ sung thêm các con vật bằng các vật liệu khác nhau cùng mô hình chuồng của các con vật. Cô giáo Trịnh Thúy Hoa, Phòng Giáo dục mầm non (Sở GD và ĐT) cho biết: “Trong quá trình dạy học theo chủ đề, Phòng đã hướng dẫn và chỉ đạo các trường tổ chức làm đồ dùng, đồ chơi phù hợp, tránh tình trạng cắt xén giờ học, giờ chơi hoặc làm xáo trộn nền nếp sinh hoạt của trẻ. Phong trào trang trí môi trường giáo dục theo chủ đề đã được các trường hưởng ứng tích cực. Trong đó, nhiều giáo viên đã có những cách làm sáng tạo, tiết kiệm được thời gian và nguyên liệu nhưng vẫn tạo cho trẻ sự hứng thú mỗi khi đến trường”. Ở nhiều lớp học, việc trang trí môi trường giáo dục đã tạo cho trẻ sự năng động, linh hoạt, kích thích trí tưởng tượng, sáng tạo của trẻ như cô giáo làm mẫu một vài vật dụng, sau đó gợi ý cho trẻ làm; hoặc khuyến khích các bé cùng làm với cô để trẻ có hứng thú trong công việc và hiểu được ý nghĩa công việc. Thực tế, ở các lớp mẫu giáo nhiều trẻ đã tự làm được một số tranh ảnh, đồ dùng, đồ chơi rất được các bạn yêu thích.

Việc áp dụng phương pháp trang trí môi trường giáo dục theo chủ đề, giúp trẻ tích cực khai thác, tìm tòi phát huy trí tưởng tượng, nghĩ ra nhiều cách chơi, đáp ứng việc cung cấp và củng cố kiến thức, kỹ năng cho trẻ. Từng loại đồ dùng, đồ chơi theo chủ đề đều được các cô giáo hướng dẫn, gợi ý giúp trẻ phát huy tính sáng tạo trong khi làm đồ dùng, đồ chơi và đưa vào các hoạt động học tập, vui chơi để trẻ tự do khám phá và đạt được mục tiêu sinh hoạt của chủ đề. Với việc linh hoạt lồng ghép các hoạt động đã kích thích trẻ tự tìm hiểu, phát hiện ra các chức năng sử dụng của đồ dùng, đồ chơi. Điển hình như mô hình góc “cửa hàng”, trẻ được dạy kỹ năng nhận biết, phân biệt, so sánh về số lượng, loại đồ dùng và cách sử dụng trong đời sống hằng ngày…; hoặc trong góc âm nhạc, tạo hình, giáo viên đã lồng ghép cả nội dung về toán như: so sánh số lượng người với số lượng ghế trong trò chơi âm nhạc, đếm số bông hoa khi vẽ… Ở mỗi lớp, nhóm lớp, giáo viên lại xây dựng môi trường theo ý tưởng riêng, không giống nhau nhằm tránh sự đơn điệu và phù hợp với từng lứa tuổi, thường xuyên thay đổi cách trang trí, sắp xếp góc chơi, vừa tạo sự hấp dẫn, mới lạ với trẻ vừa giúp cho trẻ dễ tiếp thu bài học và có thể tham gia thể hiện ý tưởng của mình. Để đạt được hiệu quả khi xây dựng môi trường giáo dục theo chủ đề, trong những năm gần đây, các nhà trường đã tạo điều kiện tổ chức cho giáo viên đi tham quan học tập, giao lưu trao đổi kinh nghiệm cách xây dựng môi trường giáo dục ở các trường bạn, tỉnh bạn, hoặc ở nước ngoài qua các chương trình truyền hình, sách tham khảo, khai thác tư liệu trên internet.

Trang trí môi trường giáo dục theo chủ đề ở các trường mầm non là một biện pháp hữu hiệu nhằm xây dựng “trường học thân thiện, học sinh tích cực”, giúp trẻ háo hức khi đến trường, có tác dụng hỗ trợ giáo dục, kích thích trẻ chủ động tích cực tham gia vào các bài học theo chương trình giáo dục mầm non mới. Việc triển khai đồng bộ các biện pháp giáo dục trong các nhà trường, cùng với sự chăm sóc và giáo dục toàn diện đã góp phần đưa ngành học mầm non của tỉnh trở thành đơn vị tiên tiến xuất sắc, được Bộ GD và ĐT khen thưởng./.

Bài và ảnh: Hồng Minh
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com