Thực hiện Quyết định số 513/QĐ-BGTVT ngày 12-3-2012 của Bộ GTVT về phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX); Thông tư số 18/2012/TT-BGTVT ngày 6-6-2012 về "Ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ (CGĐB)"; Thông tư số 46/2012/TT-BGTVT ngày 7-11-2012 "Quy định về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ", thời gian qua, Sở GTVT đã tập trung thực hiện nhiều biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý đối với công tác đào tạo, sát hạch lái xe của các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe CGĐB. Theo đó, Sở GTVT đã ban hành các văn bản chỉ đạo các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe CGĐB thực hiện và triển khai các quy định của Bộ GTVT; tổ chức hội nghị triển khai Thông tư; tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn kiểm tra, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX. Công tác tập huấn, cấp giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe và công tác quản lý cấp giấy phép xe tập lái đã được Sở GTVT thực hiện theo đúng quy định… Do đó, cả 5 cơ sở đào tạo và sát hạch lái xe CGĐB trên địa bàn tỉnh, bao gồm: Trường Trung cấp nghề GTVT (Sở GTVT); Phân hiệu 2 trường Cao đẳng nghề số 3 (Bộ Quốc phòng); Trường Trung cấp nghề Đại Lâm; Trường Trung cấp nghề số 8 (Tổng LĐLĐ Việt Nam) và Trường Cao đẳng nghề số 20 (Bộ CHQS tỉnh) đã từng bước kiện toàn bộ máy, chủ động khắc phục khó khăn, tổ chức tốt công tác đào tạo lái xe theo Thông tư 46. Đối với công tác đào tạo, sát hạch, đến nay, các đơn vị, cơ sở đều đầu tư công nghệ theo hướng hiện đại đạt tiêu chuẩn đào tạo, sát hạch lái xe. Tiêu biểu như Trường Trung cấp nghề Đại Lâm, để đáp ứng tiêu chuẩn đào tạo, sát hạch lái xe các hạng B1, B2, C, nhà trường đã đầu tư đầy đủ các trang, thiết bị, phương tiện hiện đại: xe ZACE, ISUZU, HYUNDAI, KIA. Trường Trung cấp nghề GTVT hiện đã có 6 phòng học lý thuyết; 2 sân tập lái với diện tích 10.000m2 được thảm bê tông nhựa và đã thiết lập đủ tình huống lái. Nhà trường còn tăng cường đầu tư, nâng tổng số xe tập lái và xe phục vụ sát hạch đạt chất lượng lên 51 xe; trong đó có 2 xe A1, 3 xe hạng B, 10 xe hạng C, 2 xe hạng D, 2 xe hạng E, 1 xe hạng FC. Tại các cơ sở đào tạo, sát hạch cũng đã chủ động tăng thời gian đào tạo theo quy định mới, cụ thể: Hạng B1 là 556 giờ (tăng 20 giờ); hạng B2 là 588 giờ (tăng 20 giờ); hạng C là 920 giờ (tăng 32 giờ); số km thực hành/học viên đối với cả 3 hạng cũng đồng loạt tăng đến 1.100km. Ngoài ra, từ ngày 1-7-2013, tất cả các đơn vị sát hạch đều đã nghiêm túc áp dụng bộ đề thi trắc nghiệm sát hạch mới, với số lượng câu hỏi là 450 câu (tăng 45 câu) với ô tô và 150 câu với xe máy (tăng 30 câu). Phần thi thực hành sát hạch lái xe trong hình, sân tập lái cũng được các cơ sở đào tạo, sát hạch điều chỉnh lại, cụ thể: thu hẹp chiều rộng đường vào nhà xe và rút ngắn thời gian xuống còn 15 phút, giảm 5 phút so với trước đây, đòi hỏi người thi phải khéo léo, có kỹ năng xử lý nhanh, tốt. Tại các trung tâm sát hạch còn lắp đặt thêm màn hình LED 32 inch để công khai quá trình thi và kết quả sát hạch lái xe; lắp camera, thiết bị lưu trữ âm thanh, hình ảnh quá trình sát hạch trong phòng thi lý thuyết, trên sân và xe ô tô sát hạch lái xe để truyền ra màn hình tại phòng chờ cho mọi người theo dõi, giám sát. Đặc biệt, khi thi xong phần thi nào, các cơ sở đào tạo, sát hạch sẽ thông báo ngay kết quả qua loa phát thanh và màn hình ở phòng chờ, in hình ảnh quá trình sát hạch cùng kết quả thi cho học viên.
Một buổi thực hành lái xe ô tô tại Trường Trung cấp nghề Đại Lâm. |
Theo đánh giá của lãnh đạo Sở GTVT, việc chủ động thực hiện đầy đủ các quy định về tăng số lượng câu hỏi lý thuyết, tăng độ khó, giảm thời gian thực hành của các cơ sở đào tạo sát hạch sẽ góp phần buộc người học chuẩn bị kỹ hơn về kiến thức, kỹ năng phản xạ và xử lý tình huống, bảo đảm sau khi kết thúc khóa học, người được cấp GPLX sẽ có kỹ năng tay lái thành thục, khả năng xử lý tình huống nhanh nhạy, lái xe ngoài thực địa sẽ an toàn hơn. Bên cạnh đó, việc giám sát bằng các thiết bị camera, công khai hình ảnh góp phần nâng cao ý thức tự giác của học viên, sát hạch viên và tạo kênh giám sát sát hạch viên cũng như trung tâm đào tạo. Các cơ sở đào tạo lái xe, sát hạch viên sẽ phải dạy đúng, dạy đủ thời gian, nội dung cho người học, ngăn chặn tác động chủ quan đến kết quả sát hạch, chấm sai, đánh trượt thí sinh. Về công tác cấp GPLX, các phòng, ban liên quan của Sở và các cơ sở đào tạo lái xe trên địa bàn tỉnh chủ động trang bị các thiết bị phục vụ quản lý, cấp GPLX mẫu mới, tích hợp ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, giúp cơ quan công an có thể dễ dàng kiểm tra được thông tin người dùng bị mất hay bị thu GPLX khi nhập dữ liệu và kiểm tra trên hệ thống máy tính toàn quốc. Tỉnh ta là 1 trong 7 địa phương trên cả nước triển khai thành công việc cấp GPLX theo mẫu mới đợt đầu tiên, được Tổng cục Đường bộ Việt Nam và nhân dân đánh giá cao. Trong 6 tháng đầu năm 2013, các đơn vị đào tạo, sát hạch lái xe trên địa bàn tỉnh đã khai giảng 35 khóa đào tạo lái xe ô tô và 99 khóa mô tô. Toàn tỉnh đã cấp 18.826 GPLX các hạng, trong đó GPLX mô tô hạng A1 là 11.708 chiếc, GPLX ô tô các hạng là 7.118 chiếc theo đúng quy định.
Thời gian tới, Sở GTVT tiếp tục chỉ đạo, quản lý, đôn đốc các cơ sở đẩy nhanh tiến độ đầu tư hệ thống thiết bị, tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp GPLX./.
Bài và ảnh: Nguyễn Thanh Thuý