Phát triển hạ tầng giao thông vận tải gắn với xây dựng khu vực phòng thủ địa phương

07:07, 25/07/2013

Khu vực phòng thủ (KVPT) tỉnh nằm trong hệ thống phòng thủ chung của Quân khu và cả nước; là bộ phận hợp thành của nền quốc phòng toàn dân, giữ vị trí chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quán triệt tinh thần đó, với chức năng, nhiệm vụ được giao, những năm qua, Sở GTVT đã triển khai đồng bộ các biện pháp phát triển hạ tầng GTVT gắn với xây dựng KVPT địa phương.

Ngành GTVT nghiên cứu quy hoạch phát triển hạ tầng GTVT đảm bảo xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc.
Ngành GTVT nghiên cứu quy hoạch phát triển hạ tầng GTVT đảm bảo xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc.

Trong vai trò làm tham mưu tổ chức, chỉ đạo điều hành KVPT, Sở GTVT đã tập trung xây dựng các kế hoạch đảm bảo GTVT tác chiến KVPT (đánh giá tình hình, khả năng đảm bảo GTVT của ngành; xây dựng nhiệm vụ GTVT; các chỉ tiêu vòng tránh sơ tán; động viên nhân lực, kỹ thuật, vận tải hàng hoá; bảo đảm cầu đường, bến phà, bến cảng; các giải pháp thực hiện) nhằm đáp ứng nhiệm vụ GTVT khi tác chiến; kế hoạch đảm bảo giao thông địa phương chuyển từ thời bình sang thời chiến. Sở GTVT cũng phối hợp chặt chẽ với cơ quan quân sự địa phương thực hiện tốt công tác chuẩn bị và tham gia diễn tập KVPT tỉnh. Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về cơ sở hạ tầng giao thông, Sở GTVT đã tập trung khai thác các nguồn vốn cho phát triển GTVT theo yêu cầu đồng bộ, đa dạng, nhằm kết hợp nhiều loại hình đảm bảo GTVT (đường bộ, đường thuỷ, đường sắt), trong đó đường bộ giữ vai trò quan trọng, để vận chuyển lực lượng và cơ sở vật chất hậu cần - kỹ thuật. Đến nay, tỉnh ta đã hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng nhiều tuyến giao thông huyết mạch như QL10, tuyến tránh Thành phố Nam Định nối QL10 với QL21 có cầu vượt đường sắt và cầu vượt sông Đào, tỉnh lộ 486B, QL21.1 và QL21.2, tỉnh lộ 490C, tuyến đường bộ Nam Định - Mỹ Lộc, đường cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình, tỉnh lộ 486B đoạn từ Thị trấn Liễu Đề đến cầu Hà Lạn... Một số dự án khác đang khẩn trương thi công để sớm hoàn thành như: Tuyến đường bộ mới Thị trấn Mỹ Lộc - Phủ Lý nối vào tuyến cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình, đường tỉnh lộ 490C đoạn còn lại (Km40 đến Km55+500)... Sở GTVT đang tích cực đẩy nhanh các bước chuẩn bị đầu tư: dự án QL38B, tỉnh lộ 486B; tỉnh lộ 488; dự án WB6; dự án xây dựng đường ven biển và cầu Thịnh Long... Hệ thống đường giao thông nông thôn (GTNT) phát triển mạnh theo hướng kết cấu bền vững, bảo đảm tính liên hoàn, đáp ứng tốt cho việc đảm bảo GTVT khi tác chiến xảy ra. Từ năm 2001 đến năm 2006, thực hiện dự án GTNT 2, với tổng kinh phí đầu tư 126,5 tỷ đồng, các địa phương đã nâng cấp, cải tạo 358,72km và 65 cầu tại 149 tuyến đường GTNT. Từ năm 2006 đến năm 2011, thực hiện dự án GTNT 3, với tổng kinh phí đầu tư 95,518 tỷ đồng, các địa phương đã nâng cấp, cải tạo được 82,784km đường GTNT. Đến nay, các dự án GTVT trên địa bàn tỉnh không chỉ đáp ứng nhu cầu phát triển GTVT, thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, dịch vụ, mà còn đáp ứng yêu cầu xây dựng KVPT, đảm bảo GTVT khi tỉnh chuyển trạng thái từ thời bình sang thời chiến. Với phương châm dù trong thời bình hay khi có tình huống chiến tranh xảy ra, hệ thống GTVT phải luôn được đảm bảo thông suốt trong mọi tình huống, phục vụ đắc lực cho các phương án, các kế hoạch mở tuyến tránh, làm cầu tạm, các điểm vượt sông. Bên cạnh đó, Sở GTVT cũng có kế hoạch bảo đảm số lượng phương tiện giao thông cơ giới (xe ô tô) so với dân số, đảm bảo phục vụ vận tải hàng hoá, phòng tránh sơ tán khi có chiến sự xảy ra. Đối với vận tải hành khách, hàng hoá đảm bảo khối lượng vận chuyển hằng năm tăng từ 8-10%. Toàn tỉnh hiện có 684 xe khách chạy trên 194 tuyến vận tải hành khách cố định, 151 xe khách chạy hợp đồng, 418 xe taxi, 67 xe buýt, 1.913 phương tiện thuỷ nội địa với tổng trọng tải 780,471 nghìn tấn. Sở GTVT còn phối hợp với các địa phương, các ngành chức năng đăng ký, quản lý phương tiện giao thông thuộc diện huy động để kịp thời cung cấp đủ số phương tiện vận tải thuỷ, bộ bổ sung cho cơ quan quân sự các cấp khi có yêu cầu. Công tác đào tạo lái xe, thuyền trưởng, máy trưởng được xã hội hoá và đáp ứng nhu cầu đào tạo trên địa bàn tỉnh. Tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định 152/2007/NĐ-CP của Chính phủ về KVPT do UBND tỉnh tổ chức ngày 12-6-2013, ngành GTVT đã được UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng KVPT của tỉnh.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác xây dựng cơ sở hạ tầng GTVT gắn với xây dựng KVPT của tỉnh, thời gian tới, Sở GTVT tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, lãnh đạo các phòng, ban, đơn vị, các tổ chức đoàn thể trong việc thực hiện công tác quốc phòng, an ninh, xây dựng KVPT và xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về quốc phòng, an ninh; trong đó có vai trò, vị trí của KVPT. Nâng cao nhận thức và chất lượng công tác tham mưu xây dựng KVPT tại cơ sở. Căn cứ tình hình cụ thể của địa phương và định hướng phát triển GTVT quốc gia, Sở GTVT sẽ tham mưu với UBND tỉnh phê duyệt bổ sung Quy hoạch phát triển GTVT Nam Định đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu GTVT “đi trước một bước” để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh theo hướng CNH-HĐH, góp phần xây dựng tỉnh thành KVPT vững chắc./.

Bài và ảnh: Nguyễn Thanh Thuý



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com