Mô hình “Góc bảo hộ lao động” được Công đoàn các cấp đưa vào hoạt động từ năm 2007. Đến nay, hoạt động bảo hộ lao động đã phát huy hiệu quả trong công tác tuyên truyền phòng chống tai nạn lao động, phòng chống cháy nổ, bệnh nghề nghiệp, đảm bảo an toàn cho người lao động.
Làng rèn Quang Trung (Vụ Bản) chuyên sản xuất các dụng cụ kim khí phục vụ cho sản xuất nông nghiệp như búa, liềm, dao, xẻng, dũa, máy băm dũa, máy cán định hình phôi sắt thép... Làng nghề có gần 600 hộ tham gia làm nghề, với hơn 1.500 lao động (kể cả lao động thời vụ). Đặc thù ngành nghề người lao động phải thực hiện nhiều khâu lao động nặng, tiếp xúc với những máy móc chuyển động nhanh, tiếng ồn lớn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao. Lực lượng lao động tại làng rèn chủ yếu là người dân địa phương, có sức khỏe, tay nghề nhưng ý thức kỷ luật về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) còn hạn chế nên dẫn đến nhiều vụ tai nạn lao động xảy ra. Thực hiện sự chỉ đạo của LĐLĐ tỉnh và LĐLĐ huyện, năm 2007, Công đoàn xã đã xây dựng điểm mô hình “Góc bảo hộ lao động” tại làng rèn Quang Trung. Mô hình đã đem đến luồng gió mới, với nhiều khởi sắc trong công tác đảm bảo ATVSLĐ cho người lao động làng nghề. “Góc bảo hộ lao động” được bố trí tủ, giá đựng tài liệu và các văn bản pháp luật, báo Lao Động, báo Công Đoàn, Tạp chí Bảo hộ lao động, các loại sách liên quan đến quy trình vận hành máy móc, quy định về kỹ thuật an toàn điện, các văn bản quy định về phòng chống cháy nổ, bàn ghế… "Góc bảo hộ lao động" được tổ chức hoạt động với hình thức định kỳ phổ biến các quy định mới về ATLĐ. BCH Công đoàn xã tích cực vận động người sử dụng lao động và người lao động tích cực tham gia sinh hoạt, trao đổi về ATVSLĐ tại "Góc bảo hộ lao động"; trong đó đặc biệt chú ý tuyên truyền, phổ biến trách nhiệm của người lao động, chủ sử dụng lao động trong bảo đảm ATLĐ, xử lý tai nạn lao động… Qua sách báo, tạp chí, góc tuyên truyền trang bị thêm nhiều thông tin hữu ích về ATVSLĐ cho người lao động. Từ những vụ tai nạn lao động đã xảy ra, người lao động đã rút ra bài học kinh nghiệm cho bản thân. Bên cạnh đó, hằng năm được sự chỉ đạo của LĐLĐ huyện, Công đoàn xã đã phối hợp với các đoàn thể mở các lớp tập huấn về ATVSLĐ để người lao động trong làng nghề hiểu rõ trách nhiệm của mình trong việc đảm bảo ATVSLĐ. Mỗi năm "Góc bảo hộ lao động" thu hút hàng trăm lượt người đến tìm hiểu, đọc các loại sách báo, tạp chí về ATVSLĐ. BCH Công đoàn xã cũng phát động phong trào “Xanh, sạch, đẹp, bảo đảm ATVSLĐ”, 100% người lao động của làng nghề ký cam kết tham gia sinh hoạt mô hình. Nhờ vậy, trong những năm gần đây, làng rèn Quang Trung không xảy ra các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng.
Doanh nghiệp Sơn Hùng (CCN Quang Trung, huyện Vụ Bản) quan tâm công tác bảo hộ lao động cho người lao động. |
Từ mô hình “Góc bảo hộ lao động” tại xã Quang Trung, đến nay LĐLĐ tỉnh đã hướng dẫn các cấp Công đoàn xây dựng hàng chục mô hình “Góc bảo hộ lao động”, tiêu biểu như Cty TNHH một thành viên Kinh doanh nước sạch Nam Định, Cty TNHH một thành viên KTCTTL Vụ Bản, Cty TNHH SX và TM Nam Anh, CCN An Xá (TP Nam Định), Xí nghiệp May Nhật Hồng, CCN Xuân Tiến (Xuân Trường), Cty TNHH May Deajang, CCN Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng). Đây là những cơ sở sản xuất có đông lao động; điều kiện lao động nặng nhọc, nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, vì vậy việc cung cấp thông tin, tuyên truyền về ATVSLĐ cho người lao động là yêu cầu cấp thiết. Các “Góc bảo hộ lao động” tại các doanh nghiệp được các đơn vị bố trí tại những vị trí thuận tiện cho việc tiếp cận, được trang bị đầy đủ vật dụng phục vụ cho công tác tuyên truyền, tìm hiểu pháp luật về ATVSLĐ thiết thực, phù hợp với đặc thù từng ngành nghề sản xuất tại từng cơ sở như: Quyền và nghĩa vụ của người lao động; nội quy, quy chế làm việc an toàn của cơ sở; các yếu tố nguy hiểm, có hại trong quá trình lao động, biện pháp khắc phục, ngăn ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; thông báo tình hình tai nạn lao động, sự cố nguy hiểm để rút kinh nghiệm; thông báo kết quả kiểm tra bảo hộ lao động ở cơ sở… Các nội dung này được thể hiện bằng tranh, ảnh, mô hình, pa-nô, áp phích, bảng tin; các tài liệu như tạp chí liên quan đến công tác ATVSLĐ và bảo vệ môi trường, tài liệu tập huấn, hướng dẫn, các văn bản pháp quy, các quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến các loại phương tiện bảo vệ cá nhân… Đến nay, các mô hình “Góc bảo hộ lao động” ở các đơn vị đều hoạt động có hiệu quả, góp phần tuyên truyền về ATVSLĐ cho hàng nghìn lao động, đoàn viên công đoàn. Nhờ đó, người lao động đã nhận thức được tầm quan trọng của công tác ATVSLĐ, nâng cao ý thức chấp hành nội quy lao động và vận hành máy móc an toàn; sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân thường xuyên và đúng cách; nghiêm túc thực hiện nội quy, quy trình, quy phạm về ATVSLĐ khi làm việc ở nơi có yêu cầu nghiêm ngặt; có ý thức quan sát biển báo, biển cấm, không đi vào vùng nguy hiểm. Ở những nơi không đảm bảo an toàn lao động, người lao động đã đưa ra những đề xuất, giải pháp hiệu quả vừa đảm bảo sản xuất, giảm nhẹ sức lao động, vừa tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, đảm bảo an toàn cho người lao động. Mặt bằng sản xuất được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp... góp phần loại trừ các yếu tố gây tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Điều kiện làm việc của người lao động được cải thiện, công việc ổn định. Tại các doanh nghiệp có tổ chức “Góc bảo hộ lao động”, những năm gần đây, tần suất tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp giảm rõ rệt; không có trường hợp tai nạn lao động nặng gây tử vong. Hằng năm, Công đoàn các cấp luôn tích cực vận động người lao động duy trì và phát huy hiệu quả mô hình “Góc bảo hộ lao động” gắn với phong trào "Xanh, sạch, đẹp, bảo đảm ATVSLĐ”.
Hiện nay, toàn tỉnh có trên 100 làng nghề, 3 KCN, 20 CCN đang hoạt động với hàng chục vạn lao động. Để đảm bảo giữ gìn ATVSLĐ cho người lao động, thời gian tới LĐLĐ tỉnh tiếp tục chỉ đạo LĐLĐ các huyện, thành phố phát huy hiệu quả hoạt động thiết thực của mô hình, đồng thời rút kinh nghiệm để phát triển, nhân rộng mô hình “Góc bảo hộ lao động” trên địa bàn toàn tỉnh./.
Bài và ảnh: Hoàng Dung