Những năm qua, huyện Nghĩa Hưng là một trong những địa phương được đánh giá thực hiện tốt các chế độ, chính sách và luôn quan tâm chăm lo cho các gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng, đồng thời huy động được đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia phong trào “đền ơn đáp nghĩa”.
Toàn huyện hiện có 6.576 đối tượng chính sách, trong đó có 1.359 thương binh, 1.183 bệnh binh, 1.344 gia đình liệt sĩ. Nhằm thực hiện tốt các chế độ, chính sách của Nhà nước đối với người có công và đẩy mạnh phong trào “đền ơn đáp nghĩa”, huyện thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền các chế độ, chính sách đối với người có công của Đảng, Nhà nước, nhất là những quy định mới ban hành; chỉ đạo thực hiện đúng, đủ, chu đáo, kịp thời các chế độ, chính sách đối với người có công; tập trung giải quyết những tồn đọng về xác nhận, công nhận người tham gia hoạt động kháng chiến. Hiện nay, Phòng LĐ-TB và XH huyện đang thực hiện chế độ chi trả tiền trợ cấp hằng tháng cho gần 6.000 đối tượng, với tổng số tiền trên 7 tỷ đồng/tháng… Trong 6 tháng đầu năm 2013, Phòng LĐ-TB và XH đã thẩm định hồ sơ và đề nghị Sở LĐ-TB và XH giải quyết chế độ ưu đãi học sinh, sinh viên là con người có công học kỳ II, năm học 2012-2013, với số tiền hơn 2,3 tỷ đồng; tổ chức rà soát và tiến hành cấp đổi thẻ BHYT cho các đối tượng người có công đảm bảo chính xác, kịp thời; đồng thời thu thập thông tin ghi chép Sổ đăng ký, tra cứu người có công trên địa bàn toàn huyện. Hằng năm, huyện thực hiện tốt chế độ điều dưỡng, chế độ cấp trang thiết bị cho diện đối tượng người có công. Năm 2013, huyện đã lập danh sách, đề nghị thực hiện chế độ điều dưỡng cho 3.149 người có công, trong đó 54 người đi điều dưỡng tập trung tại Trung tâm điều dưỡng người có công (Hà Nội), 3.095 người điều dưỡng tại gia đình. Vào các dịp Tết Nguyên đán, Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7) hằng năm, ngoài việc tổ chức rà soát, lập danh sách đối tượng người có công được nhận quà của Chủ tịch nước và đảm bảo chuyển quà đúng, đủ, kịp thời đến 6.576 người có công với tổng số tiền gần 1,4 tỷ đồng, huyện và các xã, thị trấn đều tổ chức các hoạt động kỷ niệm, viếng đền, nghĩa trang liệt sĩ; tổ chức các đoàn đi thăm, tặng quà, động viên các thương, bệnh binh, gia đình chính sách tiêu biểu trên địa bàn. Cùng với việc giải quyết kịp thời các chế độ, chính sách đối với người có công, các gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, huyện đẩy mạnh phong trào “đền ơn đáp nghĩa”. Phát huy truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, những năm qua, huyện đã phát động và thu hút đông đảo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia đóng góp xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, tạo nguồn lực chăm lo cải thiện đời sống cho các đối tượng chính sách. Năm 2012, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của huyện huy động được 135 triệu đồng, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của các xã, thị trấn đạt trên 250 triệu đồng. Từ nguồn quỹ, huyện đã hỗ trợ 6 gia đình chính sách sửa nhà ở với tổng số tiền 30 triệu đồng; tổ chức thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ các gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn… Ngoài ra, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa tỉnh hỗ trợ xây mới 7 nhà tình nghĩa với tổng số tiền 350 triệu đồng; hỗ trợ sửa chữa 2 nhà với tổng số tiền 24 triệu đồng; Quỹ Thiện tâm hỗ trợ xây mới 3 nhà với tổng số tiền 100 triệu đồng, qua đó giúp người có công cải thiện điều kiện nhà ở sinh hoạt.
Hướng tới kỷ niệm 66 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-2013), huyện Nghĩa Hưng đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong các tầng lớp nhân dân, nhất là giáo dục cho thế hệ trẻ lòng biết ơn và tự hào về truyền thống đấu tranh anh dũng của dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ, người có công với cách mạng trên quê hương. Đề cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân trong việc thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng. Đẩy mạnh phong trào đền ơn đáp nghĩa, vận động toàn dân tham gia xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, tạo nguồn lực hỗ trợ cải thiện nhà ở, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đối tượng chính sách, đảm bảo ở mức bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân địa phương. Phát động phong trào chăm sóc người có công, chăm lo ổn định đời sống thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, nhất là đối tượng chính sách neo đơn, già yếu. Đồng thời, khuyến khích, động viên, tạo điều kiện thuận lợi cho các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương, phát triển kinh tế gia đình, cải thiện đời sống./.
Minh Tân