Ở Thành phố Nam Định, cứ đến mùa tuyển sinh đầu cấp lại “nóng” lên chuyện lo cho con vào “trường tốt, lớp tốt”, nhất là tuyển sinh vào lớp 1. Để hoàn thành “mục tiêu” ấy, các bậc phụ huynh không “ngại khó, ngại khổ”, tốn tiền để “chạy” cho con. Từ “chạy” hộ khẩu, rồi tìm kiếm, gửi gắm người quen, chạy tiền thông qua “cò mồi”… đều được các bậc phụ huynh tính toán kỹ càng.
Bố mẹ Nam đã chọn cho con vào trường tiểu học A, một trường “điểm” nhưng trái tuyến. Có kế hoạch sớm nên từ năm trước, gia đình Nam đã tìm mọi cách để em nhập khẩu vào nhà bà nội, cùng phường với nơi trường đóng. Trong 5 năm học tiểu học, Nam “cắt khẩu” tại gia đình dù vẫn hằng ngày sinh sống, thường trú ở nhà cũ. Không biết từ nay đến lúc vào đại học, Nam có phải chuyển khẩu thêm lần nào nữa không trước những “tính toán” của người lớn (?!). Còn bé Lan, năm học này sẽ được vào học tại trường tiểu học B, mặc dù nếu theo đúng tuyến bé sẽ vào học tại một trường cách nhà có mấy trăm mét, cũng là ngôi trường tiên tiến của thành phố, nhiều học sinh ở mái trường này đã trở thành những học sinh giỏi của thành phố, của tỉnh. Từ khi gia đình có ý định xin cho con vào trường B, nhiều phụ huynh ở gần nhà đã khuyên nên cho bé học cùng trường với các bạn trong khu phố, vừa để bé có bạn bè thân quen, không ngỡ ngàng khi mới chập chững vào lớp 1; vả lại bé Lan từ bé sức khỏe đã yếu ớt, khả năng tiếp thu không được tốt, học ở trường “điểm” với “đầu vào” học sinh khá sẽ gây khó khăn cho em để theo kịp bạn bè. Nhưng với nhiều lý do, bố mẹ Lan vẫn nhất quyết “chạy” cho con. Qua hai “cầu” giới thiệu để vào trường, bố mẹ bé đã phải chi đến khoảng 20 triệu đồng, chưa kể mấy triệu đồng tiền đóng trái tuyến cho con. Chẳng biết rồi bé Lan sẽ học giỏi đến đâu và bố mẹ bé sẽ “oai” thế nào khi có con học tại trường B.
Học sinh Trường Tiểu học Phạm Hồng Thái (TP Nam Định) trong giờ học ngoại ngữ. |
Qua tìm hiểu được biết, vào mỗi dịp tuyển sinh đầu cấp, không chỉ những trường có tiếng chất lượng giáo dục tốt “nóng” với việc “chạy trường, chạy lớp”, mà còn phổ biến ở một số trường có điều kiện cơ sở vật chất và chất lượng giáo dục khá trong thành phố. Kênh “chạy” trái tuyến khá phong phú, từ “chạy” hộ khẩu cho con, gia đình có điều kiện kinh tế khá thì thực hiện “phương châm” “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”, trở thành “Mạnh Thường Quân”, tài trợ cho trường bàn ghế, lát sân, bồn hoa, cây cảnh, lắp điều hòa, sắm ti vi, vi tính... để có tên trong “sổ vàng” của nhà trường và nghiễm nhiên được ưu tiên trái tuyến. Tất cả các mối quan hệ thân quen được phụ huynh huy động, tranh thủ để xin học cho con. Một số trường có chính sách ưu tiên nội bộ, mỗi năm mỗi cán bộ, giáo viên được ít nhất một suất “ưu tiên” dành cho người nhà. Đây cũng chính là mục tiêu mà phụ huynh “nhắm” tới. Ngoài khoản nộp chính thức 5 triệu đồng/học sinh trái tuyến, chi phí thực tế để xin học trái tuyến cho con, cha mẹ học sinh có thể chi từ 5 đến 15 triệu đồng, thậm chí cao hơn phụ thuộc vào mức độ quan hệ và số “cầu” nhờ vả. Không chỉ “chạy trường”, các gia đình còn lo “chạy” lớp. Có thể thấy, vào mùa tuyển sinh số điện thoại của nhiều hiệu trưởng, giáo viên dạy giỏi ở các trường luôn trong tình trạng không liên lạc được.
Vẫn biết, chọn trường, chọn lớp cho con là một nhu cầu chính đáng của các bậc làm cha, làm mẹ với mong muốn con em mình có một môi trường phát triển tốt. Tuy nhiên, những bất cập trong tuyển “trái tuyến” đang làm nảy sinh những vấn đề bức xúc trong xã hội cần được ngành chức năng quan tâm. Thứ nhất là tình trạng mất cân đối, nhiều trường quá tải so với số lượng điều tra phổ cập của các phường, trong khi một số trường lại khó khăn không tuyển đủ số lượng được giao như các trường tiểu học: Nguyễn Văn Cừ, Trần Phú, Trần Tế Xương, Lộc Vượng, Lộc Hạ… Thứ hai là theo quy định hằng năm, số tiền thu được từ “trái tuyến” được địa phương và ngành GD và ĐT chi tới 95% để đầu tư cho việc đối ứng trái phiếu Chính phủ trong chương trình xây dựng kiên cố hóa trường lớp học và chi cho các trường khó khăn để sửa chữa thường xuyên, xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp. Như vậy, nếu số tiền thực tế các phụ huynh đầu tư cho cuộc đua “trái tuyến” được nộp vào ngân sách để tái đầu tư cho nâng cấp cơ sở vật chất nhà trường, đào tạo bồi dưỡng cán bộ, giáo viên nhằm nâng cao chất lượng, bảo đảm chất lượng đồng đều giữa các trường thì sẽ sớm khắc phục được “cuộc đua” “chạy trường, chạy lớp” đầu cấp, bảo đảm công bằng trong xã hội. Hơn nữa, việc tuyển sinh, trong đó có tuyển sinh trái tuyến cũng cần được các trường có biện pháp phù hợp tuyên truyền công khai, minh bạch để phụ huynh nắm rõ. Trên thực tế, có trường thông báo bán hồ sơ tuyển sinh từ 8h đến 16h trong ngày, nhưng có phụ huynh đến mua hồ sơ lúc 10h, nhà trường đã thông báo hết số hồ sơ cần bán ra, dẫn đến tâm lý nghi ngờ sự thiếu minh bạch, rõ ràng của trường… Một giáo viên dạy giỏi bậc tiểu học cho biết: Việc tìm cho con một môi trường tốt là nguyện vọng chính đáng của mỗi phụ huynh, nhưng việc đặt ra những mục tiêu học tập cao và “gò” con theo mong muốn của mình, cứ nghĩ cho con vào học trường tốt thì sẽ học giỏi là hoàn toàn không đúng. Học sinh khi vào lớp 1 ở thành thị cũng như nông thôn không cần thiết phải biết trước bất cứ một kiến thức nào trong sách giáo khoa. Sau ngày khai trường, việc dạy và học sẽ bắt đầu và các cháu sẽ được học các kiến thức theo yêu cầu, quy định, phù hợp với lứa tuổi. Chương trình lớp 1 hiện tại cũng không quá nặng với các cháu và chương trình dạy ở các trường tiểu học đều thống nhất theo quy định của Bộ GD và ĐT. Ngoài buổi học sáng ra, trong giờ học buổi chiều, các cô có thể cho các cháu làm bài tập tại lớp. Như thế, buổi tối về nhà các cháu chỉ phải học nhẹ nhàng theo yêu cầu “nhắc lại” cho khỏi quên bài và chuẩn bị bài cho buổi học ngày mai. Với học sinh lớp 1, tình cảm và phương pháp dạy của các thầy, cô giáo đối với học sinh là rất quan trọng. Vì vậy, bên cạnh việc để các cháu tin yêu, coi thầy, cô giáo như người cha, người mẹ, mỗi giáo viên phải có sự đổi mới trong giảng dạy, lấy học sinh làm trung tâm và luôn có sáng kiến trong việc tự làm đồ dùng dạy học, tự làm những phiếu bài tập sao cho phù hợp với sức học của từng học sinh. Những đồ dùng dạy học, cử chỉ, lời nói và phương pháp truyền thụ của giáo viên sẽ khơi gợi hứng thú học tập của học sinh, giúp các cháu thấy “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.
Như vậy, việc “chọn trường, chọn lớp, chọn cô” một cách cứng nhắc, cực đoan của một số phụ huynh cho học sinh đầu cấp tiểu học là không cần thiết và không khoa học. Chưa kể tình trạng này gây hiệu ứng tâm lý không tốt ngay đầu năm học với các giáo viên ở các lớp không có nhiều phụ huynh “nhắm” chọn, và ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng công tác dạy dỗ các cháu. Điều cơ bản là ở phương pháp dạy dỗ trẻ của mỗi gia đình, sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong phát hiện đúng năng lực, điểm mạnh, điểm yếu ở từng cháu để có phương pháp giáo dục thích hợp. Vẫn là chuyện “xưa cũ”, nói mãi mà vẫn “không thể” thay đổi./.
Bài và ảnh: Thảo Linh