Thực hiện Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008-2012 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là cơ hội để huy động các nguồn lực trong xã hội đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, tạo điều kiện cho giáo viên yên tâm công tác, góp phần nâng cao chất lượng GD và ĐT.
Bằng nhiều nguồn vốn, Trường THCS xã Hải Hà (Hải Hậu) xây dựng mới 6 phòng học, đưa vào sử dụng trong năm học mới 2013-2014. Ảnh: Thanh Tuấn |
Thực hiện Đề án của Chính phủ, UBND tỉnh đã xây dựng Đề án của tỉnh với mục tiêu xây dựng mới 3.149 phòng học nhằm xóa phòng học tạm, phòng học cấp 4 xuống cấp, phòng học nhờ nhà dân. Căn cứ hướng dẫn của Ban chỉ đạo (BCĐ) thực hiện Đề án của tỉnh, Sở GD và ĐT cùng các ngành hữu quan và các địa phương đã xây dựng kế hoạch và lộ trình chi tiết để tổ chức thực hiện. Do Đề án triển khai đồng thời trên phạm vi rộng, quy mô lớn, lại trong thời điểm giá nguyên vật liệu xây dựng biến động liên tục, nên khó khăn trong việc lập dự toán, phải bổ sung, điều chỉnh với nhiều thủ tục, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện… Để bảo đảm tiến độ UBND tỉnh phân cấp cho các địa phương trong quản lý đầu tư xây dựng theo hướng đơn vị thụ hưởng dự án làm chủ đầu tư. UBND các xã, phường, thị trấn làm chủ đầu tư các công trình thuộc các trường mầm non, tiểu học, THCS. Đối với công trình thuộc các trường THPT, giao cho hiệu trưởng nhà trường làm chủ đầu tư. Việc phân cấp này đã góp phần tăng tính chủ động và trách nhiệm của các xã, phường, thị trấn nỗ lực huy động các nguồn lực để thực hiện kế hoạch. Trong quá trình thực hiện, BCĐ của tỉnh và các cơ quan chức năng như Sở GD và ĐT, Sở KH và ĐT, Sở Xây dựng, BCĐ các huyện, thành phố đã làm tốt công tác tham mưu với UBND tỉnh về xác định danh mục các phòng học cần được kiên cố hóa và xây dựng kế hoạch phân bổ, bố trí vốn; hướng dẫn trình tự thủ tục cho BCĐ các huyện, thành phố và các chủ đầu tư triển khai thực hiện Đề án tại địa phương. Ngoài ra, tỉnh, các huyện, thành phố cũng xây dựng cơ chế hỗ trợ hợp lý cho các xã, phường, thị trấn để huy động tối đa các nguồn vốn. Cơ chế hỗ trợ của tỉnh và huyện bảo đảm nguyên tắc hỗ trợ đúng đối tượng, ưu tiên hỗ trợ các xã có nhiều khó khăn. Ngoài nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và ngân sách tỉnh hỗ trợ, các huyện, thành phố đã tích cực huy động các nguồn lực để hoàn thành kế hoạch được giao. Do đó đã cơ bản kiên cố hóa được số phòng học theo kế hoạch được giao. Tổng số phòng học đã triển khai xây dựng trong giai đoạn 2008-2011 là 2.596 phòng, đạt 82,5% so với kế hoạch; tổng số vốn đã triển khai là 563 tỷ 352 triệu đồng (vốn trái phiếu Chính phủ hỗ trợ là 225 tỷ 753 triệu đồng). Năm 2012, tổng số phòng được phân bổ là 553 phòng, tổng số vốn trái phiếu Chính phủ phân bổ là 20 tỷ 645 triệu đồng, tổng số vốn trái phiếu Chính phủ đã thanh toán là 20 tỷ 417 triệu đồng, đạt 99,2%; đến nay đã hoàn thành 112 phòng, 338 phòng đang xây dựng, 91 phòng đang làm thủ tục đầu tư. Kết quả thực hiện Đề án góp phần tích cực vào việc giáo dục toàn diện trong các nhà trường. Nhiều trường học được xây dựng mới, khang trang, thoáng mát, cảnh quan nhà trường xanh, sạch, đẹp, thân thiện với học sinh, phù hợp với các tiêu chuẩn mới về xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia; tạo cơ hội bình đẳng về quyền hưởng lợi trong giáo dục cho học sinh, đồng thời là điều kiện quan trọng để giáo viên yên tâm, tích cực công tác, góp phần nâng cao chất lượng GD và ĐT.
Tuy nhiên, qua 4 năm thực hiện, Đề án kiên cố hóa trường, lớp học chưa thực hiện được 100% chỉ tiêu; một số nơi, việc xây dựng, hoạt động giám sát đạt kết quả chưa cao. Nguyên nhân do Đề án được thực hiện bằng nhiều nguồn vốn, trong đó vốn trái phiếu Chính phủ là chủ lực, ngân sách địa phương phải đối ứng một phần, nhưng một số địa phương được đầu tư dự án lại khó khăn, không có vốn đối ứng, cũng như không huy động được các nguồn khác. Tình trạng biến động giá cả thị trường vật liệu xây dựng, nên kinh phí để thực hiện đề án cũng tăng lên so với dự kiến trong khi vốn thực hiện Đề án áp dụng định mức cũ nên địa phương gặp khó khăn trong triển khai. Mặt khác, khi các huyện, thành phố triển khai thực hiện đề án chỉ vận dụng một số chỉ tiêu cơ bản về trường, lớp học chứ không áp dụng thiết kế mẫu, do đó làm tăng chi phí thiết kế. Công tác kiểm tra, đôn đốc của BCĐ các huyện, thành phố và các cơ quan chức năng chưa thường xuyên. Việc kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện dự án của BCĐ từ tỉnh đến các huyện, thành phố còn hạn chế nên 18 phòng học ở các trường: Mầm non Thị trấn Mỹ Lộc, Mầm non Mỹ Tân (Mỹ Lộc), Mầm non Mỹ Xá (TP Nam Định), Tiểu học Nam Bình (Nghĩa Hưng) từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ là 1 tỷ 566 triệu đồng không giải ngân được do quá hạn thanh toán. Công tác theo dõi, đôn đốc các chủ đầu tư trong việc quyết toán vốn chưa thường xuyên dẫn đến việc quyết toán vốn còn chậm so với quy định. Tuy nhiên, việc hỗ trợ từ nguồn trái phiếu Chính phủ đầu tư cho các công trình thuộc đề án cùng với ngân sách của tỉnh và các địa phương đã thực sự tạo “đòn bẩy” để huy động các nguồn lực đầu tư cải thiện cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng GD và ĐT của tỉnh./.
Hồng Minh