Hòa giải cơ sở ở Nam Thắng

07:07, 18/07/2013

Xã Nam Thắng (Nam Trực) có 8.375 khẩu, là vùng đất bãi ven sông, ngành nghề chậm phát triển nên nhiều lao động trong xã phải đi làm ăn xa, trong đó có trên 2.000 lao động nữ tham gia làm việc tại các Cty, doanh nghiệp trên địa bàn huyện. Ngoài nâng cao thu nhập cho gia đình, việc nhiều lao động trong xã đi làm ăn xa đã tác động đến tập quán, lối sống của người dân nơi đây, làm nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp trong đời sống gia đình và xã hội.

Ban hòa giải xã Nam Thắng bàn bạc nội dung hòa giải các vụ việc.
Ban hòa giải xã Nam Thắng bàn bạc nội dung hòa giải các vụ việc.

Trước thực trạng trên, Đảng ủy, UBND xã Nam Thắng đã tập trung chỉ đạo, kiện toàn Ban hòa giải xã gồm 12 thành viên và 16 tổ hòa giải tại khu dân cư với thành phần nòng cốt là đại diện cán bộ Tư pháp, Công an, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên... UBND xã cũng thành lập Ban an ninh hòa giải gồm 9 thành viên; khi có vụ việc xô xát xảy ra, các lực lượng tư pháp, công an đều có mặt kịp thời để ngăn chặn vụ việc, tránh để xảy ra phức tạp, sau đó xem xét đối tượng có mâu thuẫn thuộc hội viên của đoàn thể nào thì cử cán bộ của đoàn thể đó đến làm công tác hòa giải. Đối với những mâu thuẫn nhỏ thì các tổ hòa giải xóm phân công nhiệm vụ cho từng thành viên và lựa chọn thời điểm thích hợp đến tìm hiểu nguyên nhân, lý do gây mâu thuẫn và tâm tư, nguyện vọng của các bên để cùng tìm hướng giải quyết cũng như tuyên truyền quy định của pháp luật liên quan giúp người dân hiểu và giải quyết mâu thuẫn ngay từ khi mới phát sinh. Hằng năm, UBND xã đều tổ chức tập huấn nội dung Pháp lệnh về Tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở và Nghị định 160/1999/NĐ-CP của Chính phủ; hướng dẫn xử lý các tình huống nhằm nâng cao kiến thức kinh nghiệm cho trên 135 hòa giải viên của các tổ hòa giải cơ sở. UBND xã cũng chỉ đạo các ngành, đoàn thể thành lập các CLB pháp luật như CLB Trợ giúp pháp lý, CLB Phụ nữ với pháp luật, CLB Thanh niên với pháp luật..., tổ chức sinh hoạt hằng tháng; thông qua các hình thức nói chuyện chuyên đề, tọa đàm, trao đổi để tuyên truyền, phổ biến, nâng cao kiến thức pháp luật cho các thành viên tổ hòa giải và hỗ trợ hội viên trong việc giải quyết các mâu thuẫn nảy sinh trong quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt hằng ngày. Qua sinh hoạt CLB, các hội viên đã được giới thiệu, tư vấn về quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới... để hội viên áp dụng vào công tác hòa giải và điều chỉnh hành vi của mình. Trong quá trình hòa giải, các tổ hòa giải đưa ra quy ước cố gắng giải quyết vụ việc trong thời gian không quá 15 ngày và vụ phức tạp tối đa không quá 30 ngày; phương châm hòa giải lấy thương lượng, thuyết phục, giải thích và vận động người dân chấp hành pháp luật làm đầu. Đơn cử như ở xóm 9 có 150 hộ dân thì gần 80 hộ có lao động nữ đang làm công nhân tại các đơn vị như: Cty May Sông Hồng, Xí nghiệp gạch tuynel, Cty TNHH Yamany... trên địa bàn huyện. Do thường xuyên phải làm tăng ca, thời gian vắng nhà kéo dài, mọi công việc đồng áng, gia đình, con cái đều do người chồng đảm nhiệm nên đã nảy sinh mâu thuẫn giữa các thành viên trong gia đình. Do đặc thù công việc ở doanh nghiệp khiến lao động nữ không có nhiều thời gian tham gia công việc gia đình, họ mạc, xóm làng như khi còn làm nông nghiệp, dẫn đến tâm lý không hài lòng của người thân; nhiều khi mâu thuẫn còn bắt nguồn từ việc người chồng ghen tuông và mất tự tin khi mình "chân lấm, tay bùn" lo việc con cái, bếp núc, còn vợ lại tham gia vào các hoạt động xã hội tại nơi công tác... Vì vậy, trong xóm thường xuyên xảy ra các vụ việc xô xát mâu thuẫn gia đình và hàng xóm. Để giải quyết vấn đề này, Ban hòa giải xóm 9 đã huy động các đoàn thể và những người có uy tín trong xóm, làng, dòng họ tham gia hoạt động hòa giải. Nhiều vụ việc đã hòa giải thành công ngay khi phát hiện mâu thuẫn mới nhen nhóm. Gia đình anh K và chị G đã có 2 con nhỏ, năm 2010, chị xin vào làm công nhân tại CCN Nam Hồng. Điều kiện sinh hoạt gia đình được đảm bảo hơn, tuy nhiên thời gian chị dành cho gia đình cũng không nhiều và không được chu đáo như trước. Dồn nén bực bội lâu ngày, lại gặp hôm chị đi làm về muộn, anh đã đánh mắng vợ và không cho vợ đi làm. Ngay khi phát hiện mâu thuẫn, tổ hòa giải xóm đã kịp thời có mặt, can ngăn, khuyên giải và phân tích điều hơn, lẽ phải bằng cả tình cảm và căn cứ pháp luật. Bên cạnh đó, chi đoàn Thanh niên xóm gặp gỡ, khuyên can anh K không nên nóng giận, chia sẻ những áp lực công việc khi tham gia vào môi trường sản xuất công nghiệp; chi hội Phụ nữ xóm cũng thuyết phục chị G hiểu tâm lý chồng và thu xếp công việc gia đình hợp lý để giảm bớt gánh nặng việc nhà cho anh. Sau một thời gian giải thích, thuyết phục, cả hai vợ chồng đều nhận ra sai trái của mình và cùng nỗ lực, giúp đỡ lẫn nhau trong công việc. Từ đầu năm đến nay, tổ hòa giải xóm 9 đã giải quyết thành công 7 vụ việc liên quan tới hôn nhân gia đình, anh em bất hòa, xích mích hàng xóm... Khi tham gia hòa giải, các thành viên trong ban hòa giải luôn lấy tình cảm để thuyết phục những người trong cuộc. Nhờ vậy, các thành viên dễ tiếp cận với người trong cuộc, hiệu quả hòa giải cao, góp phần giữ gìn "tổ ấm" cho các gia đình và tinh thần đoàn kết trong xóm, ngoài làng. Từ năm 2012 đến nay, Ban hòa giải xã đã tiếp nhận được và tham gia hòa giải thành cả 16 vụ, đạt 100%; các tổ hòa giải của xóm đã tham gia hòa giải 40 vụ việc; tỷ lệ hòa giải thành công đạt từ 90-95%.

Nhờ phát huy thế mạnh và nỗ lực trong công tác hòa giải cơ sở, xã Nam Thắng đã giải quyết được những mâu thuẫn nhỏ trong cộng đồng dân cư, góp phần giữ gìn an ninh trật tự, gắn kết hạnh phúc trong mỗi gia đình, củng cố tình làng, nghĩa xóm. Nhiều năm nay, trên địa bàn xã không có đơn thư khiếu nại, tố cáo./.

Bài và ảnh: Trần Văn Trọng
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com