Năm 2012, Ủy ban MTTQ tỉnh đã chỉ đạo thành lập Ban giám sát đầu tư cộng đồng (GSĐTCĐ) tại 96 xã, thị trấn trong toàn tỉnh thực hiện xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015. Ngoài ra tại các huyện Trực Ninh, Giao Thủy, Xuân Trường, Nam Trực, Ý Yên, Nghĩa Hưng và Thành phố Nam Định cũng đã thành lập thêm 90 Ban GSĐTCĐ, nâng tổng số Ban GSĐTCĐ toàn tỉnh là 186 ban, với 1.876 thành viên. Qua một năm hoạt động, các Ban GSĐTCĐ đã góp phần nâng cao chất lượng các công trình được đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Xã Hải Phúc (Hải Hậu) là một trong số các địa phương trong tỉnh sớm thành lập được Ban GSĐTCĐ gồm 9 thành viên là những người có phẩm chất đạo đức, năng lực, kinh nghiệm công tác và có uy tín trong cộng đồng. Từ năm 2012 đến nay, Ban GSĐTCĐ của xã đã tham gia giám sát 18 công trình xây dựng trên địa bàn bao gồm công trình xây rãnh thoát nước tỉnh lộ 486B, công trình nhà vệ sinh trường mầm non, các công trình kiên cố hóa đường nội đồng, đường dong ngõ xóm… với tổng kinh phí đầu tư 11 tỷ 200 triệu đồng. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các thành viên trong Ban GSĐTCĐ xã đã thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở đơn vị thi công đảm bảo chất lượng vật liệu, vật tư theo đúng dự toán thiết kế, thực hiện đúng yêu cầu kỹ thuật, đảm bảo chất lượng và tiến độ thi công các công trình. Sự hợp tác chặt chẽ giữa Ban GSĐTCĐ, chủ đầu tư và đơn vị thi công trong việc cung cấp đầy đủ các thông tin về dự toán, thiết kế, chủng loại vật tư, vật liệu xây dựng, yêu cầu kỹ thuật, nội dung giám sát đã tạo điều kiện thuận lợi nâng cao chất lượng các công trình. Đồng chí Vũ Trường Thu, Phó Chủ tịch MTTQ, Trưởng Ban GSĐTCĐ xã Hải Phúc cho biết, trong quá trình giám sát, khi phát hiện có sai sót Ban GSĐTCĐ đã kịp thời nhắc nhở đơn vị thi công điều chỉnh. Sau mỗi công trình có họp bàn, đánh giá, trao đổi rút kinh nghiệm, qua đó nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ giám sát của mỗi thành viên. Đơn cử như trong quá trình giám sát thi công hệ thống giao thông nội đồng của xã, Ban GSĐTCĐ đã phát hiện nhà thầu sử dụng cát và đá không đúng như thiết kế. Cụ thể, theo thiết kế ban đầu, đá sử dụng trong quá trình thi công là loại đá 1x2 được xay bằng máy nhưng khi thi công nhà thầu lại sử dụng loại đá đập thủ công; cát là cát vàng chi-nê nhưng khi thi công đã sử dụng cát sỏi Thanh Hóa không đảm bảo chất lượng. Khi phát hiện vụ việc trên, Ban GSĐTCĐ đã yêu cầu nhà thầu dừng thi công công trình, lập biên bản báo cáo với chính quyền. Nhờ đó các chủ đầu tư và đơn vị thi công đã khẩn trương khắc phục sửa chữa để đảm bảo chất lượng công trình. Không chỉ giám sát và phát hiện các sai phạm, Ban GSĐTCĐ còn tích cực khảo sát thực tế, đôn đốc các đơn vị thi công, đảm bảo tiến độ công trình để bàn giao và đưa công trình vào sử dụng đúng theo kế hoạch.
Ban GSĐTCĐ xã Xuân Tiến (Xuân Trường) giám sát thi công công trình trụ sở UBND xã. |
Để nâng cao trình độ, kiến thức và kỹ năng cho các Ban GSĐTCĐ, Ủy ban MTTQ tỉnh đã tổ chức 9 lớp tập huấn nghiệp vụ cho 435 thành viên Ban GSĐTCĐ, biên soạn và in ấn 950 bộ tài liệu cung cấp kiến thức về nguyên tắc, phạm vi, quy trình và hình thức giám sát cũng như yêu cầu, nhiệm vụ của Ban GSĐTCĐ; trách nhiệm các bên liên quan đến hoạt động giám sát. Nội dung giám sát tập trung vào các dự án đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước, kinh phí đóng góp của cộng đồng để xây dựng trụ sở cấp xã, làm đường giao thông nông thôn, cứng hoá kênh mương, xây dựng Nhà Văn hoá, trường học và các công trình phúc lợi phục vụ hoạt động của cộng đồng. Bám sát quy chế hoạt động, các Ban GSĐTCĐ đã chủ động lập kế hoạch giám sát và thực hiện phân công trách nhiệm cho từng thành viên, tổng hợp ý kiến phản ánh, kiến nghị của nhân dân với cấp uỷ Đảng, chính quyền. Nhờ hoạt động của Ban GSĐTCĐ, tình trạng thất thoát trong đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh đã giảm hơn so với trước, chất lượng các công trình được nâng cao… Từ đầu năm 2012 đến nay, Ban GSĐTCĐ các địa phương trong tỉnh đã thực hiện giám sát 1.298 công trình xây dựng tại các địa phương, trong đó đã giám sát xây dựng mới và cải tạo nâng cấp 1.183km đường giao thông nông thôn; 4.887km đường giao thông thủy lợi nội đồng; 373 nhà văn hóa thôn, xóm, tổ dân phố; 1.120 phòng học từ bậc học mầm non đến THCS và nhiều dự án cấp nước sạch nông thôn, bãi xử lý rác thải với tổng giá trị hàng trăm tỷ đồng. Tiêu biểu như các Ban GSĐTCĐ của huyện Trực Ninh đã giám sát 13 công trình, trị giá đầu tư 34 tỷ đồng; các Ban GSĐTCĐ ở huyện Nam Trực giám sát 62 công trình trị giá 66 tỷ 649 triệu đồng; các Ban GSĐTCĐ ở huyện Hải Hậu giám sát 73 công trình trị giá 40 tỷ 960 triệu đồng; các Ban GSĐTCĐ ở huyện Nghĩa Hưng giám sát 17 công trình trị giá 25 tỷ 300 triệu đồng; các Ban GSĐTCĐ ở huyện Giao Thủy đã giám sát 86 công trình với trị giá 15 tỷ 978 triệu đồng… Công tác giám sát đảm bảo nguyên tắc, quy trình đã góp phần nâng cao chất lượng các công trình, hạn chế tối đa các hiện tượng vi phạm, thất thoát, lãng phí và ngăn chặn kịp thời những sai phạm trong quá trình thi công công trình xây dựng, kịp thời khắc phục sửa chữa những sai phạm, thiếu sót, bảo đảm tiến độ, tránh lãng phí, thất thoát, tạo niềm tin và sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, các tổ chức, cá nhân và con em quê hương cùng chung sức xây dựng NTM.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của các Ban GSĐTCĐ còn hạn chế do năng lực, trình độ của một số Ban GSĐTCĐ còn yếu, nghiệp vụ giám sát chưa đáp ứng yêu cầu. Để hoạt động GSĐTCĐ phát huy hiệu quả, thời gian tới cần có sự quan tâm chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền trong việc tập huấn nâng cao trình độ giám sát cho đội ngũ cán bộ các Ban GSĐTCĐ. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, sự phối hợp của chủ đầu tư, nhà thầu và các cơ quan liên quan để các Ban GSĐTCĐ thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, góp phần phát huy dân chủ, nâng cao trách nhiệm của người dân trong việc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tham gia xây dựng chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh./.
Bài và ảnh: Văn Thứ