Công tác cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng ở Ý Yên

08:07, 22/07/2013

Huyện Ý Yên tiếp giáp với các huyện Vụ Bản, Nghĩa Hưng và các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình, nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn về an ninh - trật tự, đặc biệt hoạt động ma túy diễn biến phức tạp. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 92 người nghiện ma túy, 51 đối tượng nghi nghiện. Năm 2012, Công an huyện đấu tranh, khởi tố 20 vụ với 24 bị can liên quan đến ma túy; riêng 6 tháng năm 2013, đã khởi tố 19 vụ với 21 bị can liên quan đến ma túy.

BCĐ phòng chống tệ nạn xã hội xã Yên Bằng triển khai kế hoạch cai nghiện ma tuý tại gia đình và cộng đồng.
BCĐ phòng chống tệ nạn xã hội xã Yên Bằng triển khai kế hoạch cai nghiện ma tuý tại gia đình và cộng đồng.

Thời gian qua huyện đã triển khai thực hiện nhiều chương trình hành động, giải pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội liên quan đến ma túy, ngăn ngừa, kiềm chế gia tăng số người nghiện mới, tạo cơ hội cho những người nghiện cai nghiện, tái hòa nhập cộng đồng. Một trong những chương trình bước đầu cho thấy hiệu quả xã hội thiết thực, đồng thời cũng đặt ra những vấn đề cần được quan tâm giải quyết để đạt hiệu quả hơn là tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng theo Nghị định số 94/NĐ-CP của Chính phủ. Để triển khai thực hiện, huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ), xây dựng kế hoạch về cai nghiện và quản lý người sau cai tại gia đình và cộng đồng giai đoạn 2009-2014 ở tất cả các xã, thị trấn. Tổ cai nghiện ở các xã, thị trấn được thành lập do đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã (thị trấn) làm tổ trưởng; các thành viên gồm: cán bộ phụ trách LĐ-TB và XH, công an, cán bộ y tế; đại diện khu dân cư (trưởng thôn, xóm), đại diện MTTQ, các tổ chức thành viên của Mặt trận. Xác định công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng nhằm quản lý số người nghiện hiện tại, từng bước kìm chế số lượng người nghiện ma túy trên địa bàn, huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng, vận động đối tượng nghiện ma túy tự giác cai nghiện. Khó khăn trong thực hiện đề án là tâm lý của nhiều gia đình có người nghiện e ngại dư luận cộng đồng nên che giấu người nghiện; bản thân người nghiện bị cộng đồng xa lánh nên nảy sinh tư tưởng tiêu cực. Bởi vậy, công tác rà soát, lên danh sách và lập hồ sơ đưa đối tượng nghiện ma túy vào diện cai nghiện tại gia đình và cộng đồng không dễ dàng. Các xã, thị trấn đã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể xã hội “vào cuộc”, tìm giải pháp phù hợp để động viên, vận động người nghiện và gia đình. Kinh nghiệm cũng cho thấy, những người cai nghiện tại gia đình đều nhanh chóng cắt cơn, song để chống tái nghiện còn phụ thuộc vào thái độ quyết tâm của chính các đối tượng. Quán triệt tinh thần trên, lực lượng công an, các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền thôn, xóm đã tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng các đối tượng nghiện, nghi nghiện (mức độ sử dụng ma tuý, tình hình sức khỏe, điều kiện gia đình...) trên địa bàn, qua đó lập danh sách, phân loại đối tượng và tiến hành vận động người nghiện tham gia cai nghiện. Lực lượng công an các xã, thị trấn phối hợp với cán bộ cơ sở, cán bộ y tế, các ngành chức năng tiến hành lập hồ sơ, trình Chủ tịch UBND xã, thị trấn ra quyết định thực hiện cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng, giao cho Tổ công tác cai nghiện các xã, thị trấn triển khai thực hiện. Trong thời gian cai nghiện, Tổ công tác cai nghiện tổ chức xét nghiệm chất ma túy đột xuất hoặc định kỳ; phối hợp với chính quyền thôn, xóm và gia đình, người giám hộ đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch cai nghiện. Việc điều trị cắt cơn, giải độc cho người nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng do y, bác sỹ được đào tạo, tập huấn về điều trị hỗ trợ cắt cơn nghiện ma túy và được Sở Y tế cấp chứng chỉ; áp dụng đúng bài thuốc, phác đồ điều trị cắt cơn cai nghiện ma túy do Bộ Y tế ban hành. Các trường hợp sau khi cắt cơn nghiện được lập sổ theo dõi, đưa trở về gia đình quản lý, giám sát, hỗ trợ phục hồi sức khỏe, cộng đồng tiếp tục theo dõi giúp đỡ giáo dục hành vi... BCĐ các xã, thị trấn lên kế hoạch phân công các thành viên Tổ công tác cai nghiện ở cơ sở kết hợp với gia đình và các đoàn thể giúp đỡ người cai nghiện phục hồi hành vi, nhân cách: vận động tham gia các hoạt động xã hội của địa phương, tổ chức giáo dục về pháp luật... giúp họ tham gia các lớp học nghề, định hướng việc làm phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế của người nghiện và gia đình, đồng thời ngăn chặn nguy cơ tiếp xúc với đối tượng xấu cố tình lôi kéo tái nghiện. Năm 2012, huyện đưa 11 người nghiện vào diện cai nghiện cộng đồng. Đến nay một số người sau khi cai nghiện đã có việc làm, đảm bảo cuộc sống. Tuy nhiên, thực tế cho thấy số người nghiện ma túy trên địa bàn huyện chưa có dấu hiệu giảm, nhiều trường hợp đối tượng cai nghiện tại gia đình và cộng đồng đã cắt cơn, song do không có việc làm nên đã tái nghiện. Nguyên nhân lớn là do tâm lý nhiều người trong cộng đồng vẫn còn nặng nề định kiến, thiếu tin tưởng nên không tiếp nhận những người này vào làm việc; thị trường lao động việc làm đang cạnh tranh gay gắt khiến những người cai nghiện càng khó tìm kiếm việc làm; bản thân người nghiện được cai nghiện vẫn chưa thoát được mặc cảm lỗi lầm quá khứ nên dễ tổn thương trước kỳ thị của cộng đồng dẫn đến hành vi lệch lạc.

Để công tác cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng đạt hiệu quả, huyện Ý Yên đang tiếp tục tập trung huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức tự giác của người nghiện. BCĐ huyện đã đề nghị BCĐ thực hiện Đề án cai nghiện tại gia đình và cộng đồng tỉnh quan tâm hỗ trợ kinh phí cho công tác phòng, chống và cai nghiện ma túy, nhất là kinh phí chống tái nghiện, đồng thời vận động các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tạo điều kiện cho người cai nghiện có việc làm, thu nhập ổn định, tạo thuận lợi cho những gia đình có người nghiện được vay vốn sản xuất, kinh doanh. Giải quyết dứt điểm các tụ điểm buôn bán lẻ ma túy, phân loại người nghiện để có hình thức, biện pháp hỗ trợ cai nghiện phù hợp, tiếp tục nâng cao công tác cai nghiện ma túy tại cộng đồng và gia đình, từng bước giảm dần số người nghiện, ngăn chặn số người nghiện mới phát sinh. Các cấp, các ngành, đoàn thể huyện, xã, thị trấn đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và các phong trào quần chúng khác nhằm xây dựng môi trường sống lành mạnh, không có tội phạm, tệ nạn xã hội, ngăn chặn các nguy cơ lôi kéo người cai nghiện sa ngã, tái nghiện./.

Bài và ảnh: Viết Dư
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com