Ở tỉnh ta, hằng năm tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học THPT chiếm trên 70%, học bổ túc THPT chiếm khoảng 8%, học nghề chiếm trên 2%, học TCCN chiếm chưa tới 1%. Như vậy, còn gần 20% học sinh sau khi tốt nghiệp THCS không tiếp tục theo bất cứ chương trình đào tạo nào. Trong khi các trường TCCN, trường dạy nghề đào tạo theo hình thức vừa học văn hóa, vừa học nghề, sau 2 năm, các em vừa được cấp bằng tốt nghiệp văn hóa, vừa được cấp bằng nghề, không chỉ giảm được chi phí đào tạo mà còn đáp ứng cơ cấu nhân lực cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hiện nay. Nếu thực hiện không tốt việc phân luồng học sinh sau THCS sẽ có một bộ phận đông đảo học sinh không được học nghề sớm, lãng phí một nguồn nhân lực trẻ. Bên cạnh đó, mỗi năm, số học sinh học hết THPT nhưng không vào được đại học, cao đẳng mà theo học các trường TCCN, đào tạo nghề hoặc lao động phổ thông còn rất lớn. Nếu phân luồng tốt học sinh sau THPT thì nguồn cung cấp nhân lực cho xã hội sớm được ít nhất 3 năm, thì bản thân học sinh và gia đình không lãng phí công sức, tiền của.
Mặc dù đã làm tốt công tác hướng nghiệp cho học sinh lớp 9, nhưng nhiều năm qua ở xã Trực Cường (Trực Ninh) vẫn có khoảng 30% học sinh không thi đỗ vào THPT không muốn đi học tại các trường TCCN, trường nghề (Trong ảnh: Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn, giáo viên Trường THCS Trực Cường đang hướng dẫn học sinh khối lớp 9 ôn tập). |
Từ nhiều năm nay, ngành GD và ĐT tỉnh đã chỉ đạo các trường, các trung tâm GDTX về công tác giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS và THPT. Trong đó, nhiệm vụ của các trường cao đẳng, TCCN là khẩn trương xây dựng chương trình và hoàn thiện việc biên soạn giáo trình đào tạo TCCN cho đối tượng tuyển sinh là học sinh tốt nghiệp THCS; tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật, đội ngũ giảng viên, giáo viên và cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu học tập của học sinh tốt nghiệp THCS vào học TCCN. Đối với các phòng GD và ĐT, thành lập ban chỉ đạo công tác giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS; giao cho hiệu trưởng các trường THCS tổ chức tuyên truyền trong phụ huynh và học sinh cuối cấp về công tác hướng nghiệp, phân luồng sau THCS. Tuy nhiên, đến nay công tác phân luồng học sinh sau THCS vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Đến mùa tuyển sinh, các trường THPT phải chịu áp lực lớn, trong khi các trường nghề tuy có chỉ tiêu nhưng không có thí sinh để tuyển. Những bất cập dẫn đến hạn chế trong công tác phân luồng học sinh trước hết là tâm lý phụ huynh. Nhiều bậc phụ huynh cho rằng con ở độ tuổi 14, 15 còn nhỏ để học nghề và đi làm nên ai cũng muốn con em mình học hết THCS sẽ vào học THPT và tiếp tục học đại học dẫn đến chính học sinh cũng có tâm lý này, kể cả những em có học lực yếu, trung bình. Một lý do khiến học sinh chưa tha thiết theo hướng phân luồng cũng bởi thực tế “luồng” chưa hấp dẫn. Nhiều trường nghề, dạy nghề, trung tâm dạy nghề… nội dung chương trình đào tạo chưa phù hợp, không sát thực tế nên nhiều em sau khi học nghề khó tìm việc làm hoặc tay nghề không đáp ứng yêu cầu của việc làm. Những đơn vị làm tốt công tác dạy nghề phục vụ cho công tác phân luồng, nhất là phân luồng sau THCS còn ít, công tác tuyên truyền để học sinh và gia đình hiểu được ý nghĩa của việc phân luồng còn hạn chế. Trường Trung cấp nghề Kỹ thuật công nghiệp Nam Định là một trong số các trường nghề của tỉnh tuyển được số lượng lớn học sinh sau THCS vào học, 85 đến 90% học sinh của trường tốt nghiệp tìm được việc làm ổn định, có thu nhập cao. Để đạt được kết quả đó, nhà trường đã phối hợp với các phòng GD và ĐT các huyện: Trực Ninh, Xuân Trường, Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng làm tốt công tác phân luồng; phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn, các tổ chức chính trị xã hội thực hiện tốt công tác tư vấn tuyển sinh, nắm bắt nhu cầu của thanh niên, học sinh trong việc học nghề; phối hợp với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, nắm bắt nhu cầu nguồn nhân lực và tuyển dụng lao động sau đào tạo, học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, bảo đảm mục tiêu giáo dục toàn diện, lấy thực hành kỹ năng nghề là chính, phù hợp với từng cấp độ đào tạo, kết hợp giữa đào tạo trong nhà trường với việc thực tập tại các cơ sở sản xuất để giúp học sinh có điều kiện rèn luyện kỹ năng tiếp cận với môi trường lao động thực tế và giảm chi phí đầu tư xưởng thực hành tại các trường. Với các nghề đào tạo: cơ khí, điện, may, chạm khắc gỗ, tin học, mỗi năm nhà trường có khoảng 1.200 học sinh, trong đó có 90% học sinh đã tốt nghiệp THCS. Học sinh sau khi ra trường được các doanh nghiệp tuyển dụng, nhiều em được ký hợp đồng làm việc ngay tại các xưởng sản xuất của trường, nhiều em đi làm tay nghề vững được nhận mức lương 6-7 triệu đồng/người/tháng… Tuy nhiên, nhiều trường TCCN và trường dạy nghề trong tỉnh chưa quan tâm đúng mức đến đối tượng học sinh tốt nghiệp THCS này do thời gian đào tạo dài và phức tạp trong khâu quản lý học sinh. Nhiều trường tư vấn hướng nghiệp chủ yếu dựa vào lý thuyết, dựa trên cơ sở sức học, năng khiếu của học sinh mà chưa cập nhật những thông tin xã hội. Công tác hướng nghiệp - dạy nghề trong các trường phổ thông do thiếu đội ngũ cán bộ giáo viên am hiểu tâm lý học nghề nghiệp, cũng như nhu cầu lao động các ngành nghề cũng gây trở ngại cho việc phân luồng học sinh. Nhiều trường chưa quan tâm chất lượng công tác giáo dục hướng nghiệp, thiếu sự phối hợp với doanh nghiệp trên địa bàn để đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp. Bên cạnh đó, quy mô và điều kiện của các cơ sở dạy nghề, TCCN chưa đáp ứng nhu cầu phân luồng học sinh. Chất lượng lao động có trình độ trung cấp nghề chưa đáp ứng được yêu cầu lao động trong xã hội, nhiều ngành học ở các trường TCCN chưa có vị trí rõ ràng trong dây chuyền sản xuất hiện đại.
Ở các trường, tuy đội ngũ giáo viên tăng cả về số lượng, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ được nâng lên nhưng trình độ tay nghề, am hiểu về công nghệ tiên tiến, hiện đại và các thiết bị mới còn hạn chế do không thường xuyên cập nhật kiến thức, trang thiết bị dạy học còn thiếu và lạc hậu. Điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phân luồng học sinh.
Mới đây, Bộ GD và ĐT đã có công văn gửi các Sở GD và ĐT yêu cầu thực hiện việc phối hợp giữa cơ sở đào tạo TCCN với trung tâm GDTX trong tổ chức đào tạo trung cấp chuyên nghiệp nhằm tăng tỷ lệ học sinh vào học TCCN, đồng thời hỗ trợ các trung tâm GDTX dạy bổ túc văn hóa phổ thông gắn với giáo dục nghề nghiệp. Để thực hiện tốt khâu này, Bộ GD và ĐT yêu cầu các Sở GD và ĐT chỉ đạo các trường TCCN, cao đẳng, đại học và các cơ sở giáo dục khác được giao nhiệm vụ đào tạo TCCN phối hợp với các trung tâm GDTX tổ chức tuyển sinh học sinh tốt nghiệp THCS để đào tạo TCCN, đồng thời dạy văn hóa theo chương trình GDTX cấp THPT trên cơ sở các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục, đào tạo và chuẩn đầu ra nhằm thực hiện hiệu quả giải pháp phân luồng học sinh sau THCS, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực trong giai đoạn hiện nay./.
Bài và ảnh: Hồng Minh