Huyện Nghĩa Hưng có 101,6km đê, bao gồm 67,4km đê sông, 34,15km đê biển, trên đó có 19 kè lát mái, 7 cửa khẩu, 60 cống qua đê. Toàn huyện có 5 bối, trong đó 4 bối có dân sinh sống gồm: bối Đại Hải xã Nghĩa Thịnh; bối Phù Sa Thượng xã Hoàng Nam; bối nam Quần Liêu xã Nghĩa Sơn; bối Ngọc Lâm xã Nghĩa Hải. Với sự quan tâm đầu tư của Trung ương, của tỉnh, các tuyến đê của huyện đã từng bước được nâng cấp hoàn thiện. Tuy nhiên, hiện nay nhiều đoạn mặt đê đã bị hư hại. Tuyến đê tả Đào, tuyến đê hữu Ninh, tuyến đê nam Quần Liêu và tuyến đê biển một số đoạn không có cơ đê, tuyến đê tả Đáy hầu hết không có cơ đê, tuyến đê Cồn Xanh vẫn đang thi công hoàn thiện mặt đê, tuyến đê bắc Quần Liêu hiện tại đang thi công tường chắn sóng.
Thi công tường chắn sóng trên tuyến đê bắc kênh Quần Liêu, xã Nghĩa Sơn. |
Để chủ động ứng phó với mọi tình huống khi bão, lũ xảy ra, Ban chỉ huy (BCH) PCLB huyện và các địa phương, đơn vị chức năng đã xây dựng các phương án bảo vệ trọng điểm, quy trình vận hành bối theo phương châm “4 tại chỗ” nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Huyện đã tổ chức kiểm tra, rà soát lại công tác chuẩn bị của các địa phương, tăng cường thêm vật tư dự trữ tại chỗ ở các trọng điểm; lập đoàn kiểm tra 25 bến và phương tiện chở khách ngang sông, tổ chức tập huấn kỹ thuật hộ đê cho lực lượng tuần tra canh gác, xung kích, quản lý đê nhân dân, cán bộ phụ trách giao thông, thủy lợi; tổ chức diễn tập PCLB-TKCN nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân; vận hành cơ chế phối hợp xử lý nhuần nhuyễn các tình huống khi có sự cố xảy ra và hoàn thiện các phương án PCLB... BCH PCLB-TKCN huyện đã phê duyệt phương án hộ đê toàn tuyến; phương án bảo vệ 6 trọng điểm gồm: đê kè 16 trên đê tả Đáy, xã Nghĩa Lạc; đê hữu Ninh đoạn thuộc các xã Nghĩa Sơn, Nghĩa Lạc, Nghĩa Phong; đê Cồn Xanh, xã Nam Điền; đê biển xã Nghĩa Thắng. BCH PCLB-TKCN huyện cũng chỉ đạo các địa phương xây dựng quy trình vận hành các bối: Hải Lạng xã Nghĩa Thịnh, Phù Sa Thượng xã Hoàng Nam, nam Quần Liêu xã Nghĩa Sơn, Ngọc Lâm xã Nghĩa Hải; phương án bảo vệ các cống xung yếu như: Cốc Thành, Chi Tây, Thanh Hương, Phú Giáo, Quần Khu. Để đảm bảo "vật tư tại chỗ" ngoài số lượng vật tư của tỉnh, huyện chủ động tập kết các loại vật tư PCLB và phương tiện TKCN gồm: đá hộc 11 nghìn m3, nhà bạt 19 bộ, đá dăm 85m3, phao cứu sinh 540 chiếc, đất dự trữ 1.962m3, phao bè 6 chiếc, 39 nghìn bao nilon, 90 áo phao cứu sinh, 680 rọ thép, 3 máy phát điện, 3.200m2 vải lọc, 42,5m2 bạt chống tràn. Ban CHQS huyện chuẩn bị 1 xuồng máy, 320 áo phao, 100 phao tròn; Đồn Biên phòng Ngọc Lâm chuẩn bị 1 xuồng máy, 50 áo phao, 20 phao tròn; Hải đội 2 chuẩn bị 5 tàu và 1 xuồng, 50 áo phao, 20 phao tròn; điều động thêm 2 tàu tham gia TKCN của ông Trần Ngọc Tuyên (số hiệu NĐ 2618 TS), công suất 110CV, địa điểm bố trí cứu hộ tại cống Quần Vinh II và tàu của ông Trần Văn Lý (số hiệu NĐ 3090 TS) công suất 48CV, địa điểm bố trí cứu hộ tại cống tiêu Nam Điền. Theo phương án đã được duyệt, khi có bão đổ bộ vào khu vực tỉnh, BCH PCLB-TKCN huyện chủ động phối hợp với Đồn Biên phòng Ngọc Lâm, Hải đội 2 tiến hành bắn pháo hiệu báo bão, tổ chức lực lượng cơ động để ứng cứu hộ đê và TKCN khi cần thiết. Phối hợp với các xã, thị trấn ven biển và phòng NN và PTNT quản lý chặt chẽ tàu cá, tổ chức thông tin báo bão, gọi tàu thuyền và ngư dân vào nơi tránh, trú bão an toàn. Ngoài ra, mỗi hộ gia đình trong huyện chuẩn bị 2 bao tải, 2 cây hoặc cọc tre dài từ 2,5m trở lên; các hộ ven đê chuẩn bị thêm 2 bao đất, quang gánh, cuốc, xẻng, mai, móng sẵn sàng ứng cứu khi có lệnh. Các địa phương chủ động phương án điều động các phương tiện vận tải như: xe ô tô bán tải, xe thồ… để vận chuyển vật tư; tổ chức lực lượng xung kích và nhân lực dự bị để chủ động vận hành các phương án kế hoạch PCLB khi có sự cố xảy ra về phương án huy động vật tư dự trữ hộ đê cho từng tuyến đê: đối với tuyến đê tả Đào, ngoài số lượng vật tư dự trữ tại cống Cốc Thành, Hải Lạng, Bình A, khi cần thiết huy động đá dự trữ của xã Hoàng Nam tại điếm Chương Nghĩa, kè Triều; trên tuyến đê tả Đáy vật tư dự trữ tập kết tại các kè: Triều, Chương Nghĩa, Hưng Thịnh, Tam Toà, Tiền Đồng, 16 và cống Chi Tây; đá hộc, rọ thép hộ đê biển dự trữ tại xã Nghĩa Phúc. Khi có tình huống liên quan đến các cống dưới đê, dùng ô tô tải chở vật tư dự phòng từ các nhà quản lý cống của Cty KTCTTL huyện để ứng cứu. Khi có sự cố sạt mái đê phía sông hoặc nước tràn mặt đê, dùng bao tải, đất dự trữ tại các trọng điểm, bao tải của các hộ gia đình và bao tải dự trữ của huyện… để ứng cứu xử lý. Nhân lực ứng cứu giờ đầu là lực lượng xung kích của các địa phương và lực lượng bổ sung của các xã, thị trấn khác khi cần. Đối với các tình huống thẩm lậu, rò rỉ thân đê… nếu trong phạm vi nhỏ thì sẽ huy động vật tư tại chỗ và có thể huy động thêm nhân lực của địa phương lân cận. Sự cố gây sạt lở đê biển thì chủ yếu dùng vật tư dự trữ tại chỗ: rọ thép, bao tải, vải lọc, đá hộc có trong phương án để ứng cứu. Các xã, thị trấn chịu trách nhiệm cung cấp hậu cần cho các lực lượng hộ đê, trường hợp đặc biệt sẽ do BCH PCLB huyện điều hành cụ thể. Huyện Nghĩa Hưng phấn đấu, đối với tuyến đê sông Đào, sông Ninh Cơ chống được mức nước lũ tương ứng mực nước thiết kế tại Hà Nội (+13,1m). Tuyến đê sông Đáy, đảm bảo chống được mức nước tương ứng với mực nước thiết kế tại Ninh Bình +4,6m. Đối với tuyến đê biển chống được bão cấp 9, gặp triều tần suất p=5%, mực nước tại Văn Lý +2,29m. Đoạn đê kè Nghĩa Phúc; đoạn Nghĩa Phúc - Đông Nam Điền đã được nâng cấp theo hướng vững chắc chống được bão cấp 10 gặp triều tần suất p=5%; trong trường hợp mưa liên tục 3 ngày, lượng mưa nhỏ hơn 200mm, phấn đấu đảm bảo an toàn 100% diện tích lúa mùa. Trường hợp mưa liên tục 3 ngày, lượng mưa trên 250mm, phấn đấu đảm bảo an toàn 80% diện tích lúa mùa. Khi xảy ra lũ, bão vượt mức lịch sử và tần suất thiết kế, huy động tối đa nhân lực, vật tư, chủ động vận hành các phương án PCLB bảo đảm tính mạng, tài sản của nhân dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra./.
Bài và ảnh: Thành Trung