Hiệu quả hoạt động của đội ngũ cộng tác viên, tuyên truyền viên đồng đẳng trong phòng, chống HIV/AIDS

07:06, 15/06/2013

Hoạt động tiếp cận cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong việc tiếp cận với nhóm người có hành vi nguy cơ cao như người nghiện chất ma tuý (NCMT), phụ nữ bán dâm, người có quan hệ tình dục đồng giới, người di biến động... để thực hiện các biện pháp can thiệp, giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV. Hoạt động tiếp cận cộng đồng được thực hiện chủ yếu qua đội ngũ tuyên truyền viên đồng đẳng (TTVĐĐ) và cộng tác viên (CTV). Chính đội ngũ này tại các địa phương đã tiếp cận với những nhóm người có hành vi nguy cơ cao để truyền thông thay đổi hành vi; phân phát những dụng cụ dự phòng lây nhiễm HIV như: bơm kim tiêm sạch, thu gom bơm kim tiêm đã qua sử dụng, phân phát và hướng dẫn sử dụng bao cao su (BCS); giới thiệu các dịch vụ hỗ trợ (tư vấn xét nghiệm tự nguyện, điều trị HIV/AIDS bằng thuốc kháng virut (ARV), khám và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục khi cần thiết và hỗ trợ người bệnh tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone), qua đó giúp họ tiếp cận được nhiều hơn với các dịch vụ và các biện pháp can thiệp, giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV.

Giao ban giữa cán bộ y tế xã với các TTVĐĐ tại một xã thuộc huyện Nam Trực. Ảnh: Do cơ sở cung cấp
Giao ban giữa cán bộ y tế xã với các TTVĐĐ tại một xã thuộc huyện Nam Trực. Ảnh: Do cơ sở cung cấp

Thông qua Dự án phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam do Ngân hàng Thế giới tài trợ, đến nay, toàn tỉnh đã hình thành được các nhóm CTV, TTVĐĐ với 79 thành viên tại 130 xã ở 7 huyện, thành phố. Các TTVĐĐ được đào tạo kiến thức và kỹ năng thực hành phòng, chống HIV/AIDS, được cung cấp công cụ hoạt động. Từ khi thành lập đến nay, dự án đã tổ chức được 35 lớp tập huấn kiến thức và kỹ năng thực hành phòng, chống HIV/AIDS cho trên 1.000 lượt CTV, TTVĐĐ về ma túy và mại dâm, mỗi năm tổ chức 1 buổi giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa các TTVĐĐ và CTV của dự án; riêng năm 2012, đã tổ chức được 3 lớp tập huấn cho 87 TTVĐĐ, 2 lớp tập huấn cho 99 CTV. Từ đầu năm đến nay đã tổ chức được 1 đợt tập huấn cho 87 TTVĐĐ, trong đó 79 TTVĐĐ về ma túy, 8 TTVĐĐ về mại dâm và 99 CTV. Trong năm 2012, lực lượng này đã phát miễn phí trên 1,13 triệu bơm kim tiêm sạch, trên 254.700 BCS. Trong quý I-2013, đã phát miễn phí hơn 191.500 bơm kim tiêm sạch, 91.524 lượt người nhận bơm kim tiêm. Qua 7 năm triển khai thực hiện chương trình can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV trong nhóm NCMT và phụ nữ mại dâm (PNMD), các TTVĐĐ đã can thiệp hỗ trợ cho gần 4.600 người NCMT, 450 PNMD và các đối tượng có hành vi nguy cơ. Mạng lưới TTVĐĐ trở thành một kênh chính trong hoạt động phân phát bơm kim tiêm và BCS cho nhóm đối tượng nguy cơ cao. Theo số liệu thống kê, trên 85% số lượng bơm kim tiêm và BCS phân phát cho các đối tượng đích của dự án là do TTVĐĐ thực hiện. Do vậy, duy trì mạng lưới TTVĐĐ có số lượng ổn định là yếu tố quyết định cho sự thành công của chương trình can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV trong cộng đồng. Cũng nhờ hoạt động của đội ngũ TTVĐĐ, đa số người NCMT đã có kiến thức về HIV/AIDS và được tiếp cận các dịch vụ về phòng chống HIV/AIDS, góp phần giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm người NCMT. Theo kết quả điều tra giám sát trọng điểm của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, năm 2006, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm người NCMT là 24,1%, đến năm 2012 giảm xuống chỉ còn 8%; trong nhóm PNMD năm 2006 là 2,2%, đến năm 2012 giảm xuống còn 1,3%. Theo kết quả điều tra của Dự án phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam tại tỉnh ta, tỷ lệ dùng bơm kim tiêm sạch ở nhóm người NCMT trong 1 tháng của năm 2007 là 70,4%, năm 2009 là 86,5%, năm 2011 là 90,3%. Cùng với các hoạt động truyền thông tại cộng đồng dân cư, đội ngũ CTV, TTVĐĐ còn tích cực tham gia giám sát các đối tượng liên quan đến ma túy và những người bị lây nhiễm HIV, nâng cao hiệu quả của các hoạt động tư vấn, giáo dục, giúp đỡ người có HIV, đối tượng có nguy cơ cao, để họ ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của đội ngũ CTV, TTVĐĐ cũng gặp một số khó khăn. Nhận thức của người dân về HIV/AIDS tuy đã được nâng cao song vẫn còn tâm lý kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và gia đình của họ, với người NCMT và PNMD. Tình trạng này càng khiến cho những người nhiễm HIV tự ti, mặc cảm nên thường giấu bệnh, ngại tiếp xúc xã hội, ảnh hưởng tới hoạt động của đội ngũ CTV, TTVĐĐ. Các đối tượng nguy cơ cao thường xuyên di biến động nên khó khăn trong quá trình tiếp cận. Do địa bàn rộng nên việc đi lại để tiếp cận, giám sát đối tượng... của đội ngũ CTV, TTVĐĐ gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, CTV tuyến xã không có phụ cấp hằng tháng nên cũng ảnh hưởng đến chất lượng hiệu quả hoạt động của dự án tại các xã, phường. Cán bộ chuyên trách về AIDS ở các cơ sở y tế kiêm nhiệm nhiều, năng lực phòng, chống HIV/AIDS còn hạn chế. Chất lượng mạng lưới CTV, TTVĐĐ chưa đồng đều, trình độ văn hóa hạn chế, thường xuyên thay đổi trong khi hoạt động ma tuý, mại dâm là bất hợp pháp nên di biến động nhiều... Để khắc phục những tồn tại trên, cần tăng cường hoạt động thông tin - giáo dục - truyền thông cho cộng đồng dân cư; tổ chức đào tạo nâng cao năng lực và cập nhật thông tin thường xuyên cho đội ngũ CTV, TTVĐĐ hằng năm. Tiếp tục duy trì, củng cố mạng lưới TTVĐĐ hiện có cùng với việc tăng cường tiếp cận truyền thông, phân phát bơm kim tiêm, BCS. Hoạt động này phải được coi là chiến lược ưu tiên của chương trình can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV trong những năm tiếp theo./.

Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com