Xã Nghĩa Minh (Nghĩa Hưng) hiện có 5.200 khẩu, thu nhập của các hộ dân chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp nên đời sống còn nhiều khó khăn. Để mở hướng phát triển kinh tế, những năm qua, Đảng ủy, UBND xã đã chỉ đạo các ngành, đoàn thể đẩy mạnh các hoạt động dạy nghề, đưa nghề mới về xã, đồng thời duy trì và phát triển nghề làm nón truyền thống, tạo thêm việc làm, thu nhập cho người lao động. Đặc biệt là sau khi có Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch chỉ đạo của UBND tỉnh, xã Nghĩa Minh đã chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo tiêu chí xây dựng NTM.
Cty CP Liên Minh, xã Nghĩa Minh, chuyên sản xuất gạch Tuynel có quy mô 40 triệu viên/năm và xây dựng công trình dân dụng, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 150 lao động. |
Để triển khai hiệu quả công tác dạy nghề cho người lao động, xã Nghĩa Minh đã tiến hành khảo sát nhu cầu việc làm, điều kiện, khả năng của người lao động, từ đó xây dựng kế hoạch và tổ chức đào tạo nghề phù hợp cho người lao động nông thôn. Theo đó, xã tổ chức các lớp đào tạo các nghề trong lĩnh vực nông nghiệp gồm: kỹ thuật thâm canh cây vụ đông, trồng nấm rơm, chăn nuôi gia súc, nuôi thủy sản; các ngành nghề: may công nghiệp, móc sợi… Từ năm 2012 đến nay, xã đã mở 2 lớp đào tạo nghề trồng nấm rơm cho gần 70 lao động và bồi dưỡng kỹ thuật sản xuất nông nghiệp cho hàng nghìn lượt nông dân; mở 2 lớp dạy nghề may công nghiệp cho 60 lao động. Trong quá trình đào tạo nghề, xã tăng cường kiểm tra, giám sát, đảm bảo dạy và học thực chất, hiệu quả. Sau khi kết thúc khóa học, hầu hết lao động đều tìm được việc làm phù hợp; tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, hiệu quả sản phẩm cũng như nguồn thu nhập. Năm 2012, xã đã mở rộng diện tích trồng cây vụ đông trên đất 2 vụ lúa lên 47ha, chủ yếu trồng cây đỗ tương, thu nhập đạt 2 triệu đồng/sào/vụ. Vụ đông 2013, xã phấn đấu tiếp tục mở rộng diện tích trồng cây vụ đông trên chân đất 2 vụ lúa lên 100ha. Bên cạnh đó, xã khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở mở rộng quy mô sản xuất vật liệu xây dựng, dịch vụ và phát triển nghề làm nón truyền thống có ưu thế tận dụng được lao động, nhất là thời gian nông nhàn. Hiện nay, trong xã có khoảng 400 hộ tham gia làm nón. Riêng năm 2012, doanh thu từ nghề làm nón của xã đạt 2,6 tỷ đồng. Để thực hiện tiêu chí về cơ cấu lao động trong xây dựng NTM, cùng với việc đẩy mạnh hoạt động dạy nghề, xã kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp về đầu tư phát triển sản xuất, tạo việc làm cho người lao động địa phương. Đến nay, Cty CP Dệt may Nam Định đã đầu tư xây dựng nhà máy may công nghiệp trên diện tích 9.000m2, dự kiến đến cuối năm 2013 sẽ chính thức đi vào hoạt động, tạo việc làm cho 500 lao động.
Với những hoạt động thiết thực, hiệu quả, xã Nghĩa Minh đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của địa phương, góp phần giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp từ 70% (năm 2011) xuống còn trên 60%. Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề ở xã Nghĩa Minh vẫn còn những khó khăn như: một bộ phận người dân chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc học để trang bị cho mình một nghề vững chắc để có việc làm ổn định, lâu dài; thời gian qua, các sản phẩm từ nghề trồng nấm khó tiêu thụ đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý người nông dân… Năm 2013, với mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp xuống còn 46%, xã tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tham gia công tác đào tạo nghề, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân học nghề. Tổ chức các khóa đào tạo nghề bảo đảm linh hoạt về chương trình, hình thức và phương pháp truyền đạt. Tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp để tổ chức đào tạo nghề theo địa chỉ, nhằm giải quyết việc làm cho người lao động sau đào tạo. Gắn đào tạo nghề với phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động của địa phương, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM./.
Bài và ảnh: Minh Tân