Hiện nay toàn tỉnh có 304 HTX dịch vụ nông nghiệp (DVNN). Hầu hết các HTXDVNN đều tổ chức được các dịch vụ chủ yếu trong sản xuất cho nông dân như: tưới, tiêu nước, cung ứng thuốc bảo vệ thực vật, thú y, khuyến nông. Nhiều HTX đã nỗ lực phát triển quy mô, tăng năng lực cung cấp dịch vụ cho sản xuất trên cánh đồng mẫu lớn và tiêu thụ nông sản, mở rộng các dịch vụ như hỗ trợ phát triển ngành nghề, cung cấp nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường, bảo quản nông sản bằng kho lạnh, tín dụng nội bộ. Năng động đổi mới, thích nghi với cơ chế quản lý mới, thời gian qua, các HTXDVNN đã từng bước khẳng định vai trò trong việc tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho xã viên, thúc đẩy ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng cường liên doanh, liên kết, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Tiêu biểu như HTX Cốc Thành, xã Thành Lợi (Vụ Bản) đã tổ chức thu mua, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho các hộ xã viên trên địa bàn xã. HTX đã đầu tư xây dựng kho lạnh bảo quản giống cây trồng cho xã viên, giúp xã viên chủ động, ổn định sản xuất, góp phần nâng cao năng suất và giá trị kinh tế trên từng đơn vị diện tích canh tác. HTXDVNN Hùng Tiến, xã Giao Tiến (Giao Thủy) và HTXDVNN Minh Tân (Vụ Bản) thường xuyên phối hợp với Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh tổ chức cấy khảo nghiệm các giống lúa mới để dần thay thế các giống lúa cũ hiệu quả thấp, đồng thời định hướng cho xã viên áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác. Để hỗ trợ các HTXDVNN thành viên, thời gian qua Liên minh HTX tỉnh đã ưu tiên các dự án từ các nguồn của Liên minh HTX Việt Nam, các tổ chức quốc tế (phi Chính phủ) giúp đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, trình độ, nghiệp vụ quản lý cho cán bộ HTXDVNN trong tỉnh.
HTXDVNN Đại Thắng, xã Nghĩa Thịnh (Nghĩa Hưng) kiên cố hóa kênh mương thủy lợi bằng kinh phí của HTX và xã viên đóng góp. |
Tuy nhiên trên thực tế hoạt động của các HTXDVNN trên địa bàn tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh sản xuất nông nghiệp. Chuyển biến của các HTX còn chậm và chưa đồng đều. Sau khi thực hiện chuyển đổi hoạt động, nhiều HTX thiếu vốn sản xuất kinh doanh, chậm đổi mới, năng lực nội tại của các HTX còn yếu, chưa đáp ứng được với yêu cầu phát triển kinh tế hàng hoá. Một số HTX cung cách hoạt động còn mang tính bao cấp, trong khi nguồn vốn ít nên khó mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Bộ máy quản lý HTX chưa đồng bộ, còn kiêm nhiệm; yếu về năng lực quản lý điều hành, do chính sách đãi ngộ hạn chế nên kém nhiệt tình trong công tác. Các HTX vẫn hoạt động theo kiểu hành chính đơn thuần, chưa chủ động chuyển hẳn sang hạch toán kinh doanh. Hiện mới chỉ có 20% cán bộ HTX có trình độ cao đẳng, 59% có trình độ trung cấp, số cán bộ chưa qua đào tạo chiếm 21%. Nguồn vốn hoạt động của các HTX còn thiếu trong khi tài sản ít, không thể thế chấp để vay vốn, dẫn đến tình trạng "lực bất tòng tâm", nhiều HTX hoạt động cầm chừng, hiệu quả thấp. Đồng chí Nguyễn Xuân Điến, Chủ nhiệm HTXDVNN Đại Thắng, xã Nghĩa Thịnh (Nghĩa Hưng) cho biết: “Là một trong 4 HTX của xã Nghĩa Thịnh với diện tích canh tác trên 133ha, HTX gặp nhiều khó khăn trong việc mở rộng các hoạt động dịch vụ cho xã viên. Nếu có thể hợp nhất các HTX trên địa bàn theo tinh thần chỉ đạo của Đảng ủy, UBND xã, các HTX mới tăng năng lực tài chính, quản lý, kỹ thuật… để có thể làm tốt hơn các dịch vụ phục vụ sản xuất. Hiện nay, HTX đã vận động, hướng dẫn xã viên xây dựng được 2 cánh đồng mẫu lớn, với quy mô mỗi cánh đồng 50ha”.
Để các HTXDVNN hoạt động hiệu quả, cần có sự hỗ trợ đắc lực của Nhà nước thông qua việc cụ thể hóa các chính sách ưu tiên, khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác, HTX như: Tạo điều kiện để các HTX tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi, thủ tục phù hợp, thuận lợi. Tăng cường đào tạo, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ quản lý HTX; có chính sách đãi ngộ thỏa đáng cán bộ HTX (cần tính đến yếu tố đặc thù để thu hút người có năng lực về tham gia quản lý HTX). Nghiên cứu sắp xếp các HTXDVNN cho phù hợp về quy mô, năng lực tổ chức sản xuất với địa bàn hành chính./.
Bài và ảnh: Thanh Tuấn