Đã thành lệ, chiều mùng 4 hằng tháng giáo viên và hơn 200 học sinh các khối lớp 3, 4, 5 Trường Tiểu học Giao Tiến A, xã Giao Tiến (Giao Thủy) lại tham gia chăm sóc, quét dọn vệ sinh trong khuôn viên, khu vực nội tự đền, chùa Hưng An - Di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia. Sau khi hoàn thành công việc quét dọn, các em tập trung tại khu vực nội tự, được nghe giáo viên kể về các giá trị lịch sử, nghệ thuật của di tích, về các nhân vật được thờ tại đền, chùa, giới thiệu về lịch sử quê hương…
Học sinh Trường THCS Quang Trung (TP Nam Định) tham quan, tìm hiểu về lịch sử truyền thống quê hương tại Bảo tàng Nam Định. |
Thời gian qua, phong trào học sinh tham gia chăm sóc, bảo vệ di tích được triển khai sâu rộng trong các trường học của xã Giao Tiến. Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Đảng bộ xã cho biết: Để triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, xã đã thành lập ban chỉ đạo, xây dựng kế hoạch cụ thể, mỗi trường đảm nhận công việc chăm sóc, bảo vệ 1 di tích. Hiện nay, toàn xã có hơn 3.000 học sinh và 5 trường học, trong đó, có 3 trường tiểu học được phân công chăm sóc 3 di tích và một trường THCS đảm nhận việc chăm sóc nghĩa trang liệt sỹ. Ngoài ra, các trường học còn nhận chăm sóc, phụng dưỡng và giúp đỡ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách, gia đình thương binh - liệt sỹ. Phong trào học sinh tham gia chăm sóc, bảo vệ di tích ở xã Giao Tiến (Giao Thủy) là một mô hình hiệu quả trong thực hiện phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” của ngành GD và ĐT tỉnh gắn với giáo dục ý thức bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa cho học sinh. Sau 3 năm thực hiện, phong trào đã được các trường học trong tỉnh hưởng ứng tích cực. Các trường đã tổ chức đưa các trò chơi dân gian, các loại hình văn nghệ dân gian vào trường học, thành lập các CLB văn hoá văn nghệ, TDTT, tổ chức thi "Tìm hiểu về di tích lịch sử, văn hoá và danh lam thắng cảnh của địa phương"... Việc mỗi trường nhận chăm sóc một di tích lịch sử, văn hóa hoặc di tích cách mạng ở địa phương góp phần làm cho di tích ngày càng sạch, đẹp, khang trang hơn, đồng thời đây cũng là phương thức tuyên truyền, giới thiệu các di tích của địa phương với bạn bè, cộng đồng và khách du lịch. Đến nay, các trường học trong tỉnh đã đảm nhận chăm sóc 490 di tích lịch sử văn hóa (trong đó có 74 di tích cấp quốc gia, 119 di tích cấp tỉnh và 299 nghĩa trang liệt sỹ, đền thờ, đài tưởng niệm), 68 gia đình thương binh, liệt sỹ, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Để các em có điều kiện tốt hơn trong học tập và rèn luyện, các trường chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, thường xuyên tổ chức các hoạt động giáo dục về bảo vệ, xây dựng trường lớp xanh, sạch đẹp và an toàn; tổ chức các hoạt động rèn luyện kỹ năng sống, lồng ghép vào các bộ môn theo hướng dẫn của Bộ GD và ĐT. Vào tháng 7, tháng 8 hằng năm, các trường ở một số huyện còn phối hợp với các ngành tổ chức các trại hè kỹ năng, trại hè học từ thiên nhiên, trại sáng tác thơ, văn tuổi học trò; tổ chức Đại hội “Cháu ngoan Bác Hồ”, “Liên hoan đàn và hát dân ca”, “Liên hoan các trò chơi dân gian”... Hiện mỗi trường trong tỉnh đều có 1 đội văn nghệ học sinh; 100% số trường đã đưa trò chơi dân gian vào trường học, tổ chức thường xuyên các hoạt động tập thể cho học sinh. Đặc biệt trong thời gian qua, tỉnh ta được chọn làm điểm để triển khai “Dự án sân khấu học đường” do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH, TT và DL) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc tổ chức nhằm giáo dục đạo đức, lối sống, truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong quá trình hình thành nhân cách đối với các em học sinh thông qua các hình tượng nghệ thuật sân khấu. Qua đó, phát hiện những mầm non có năng khiếu nghệ thuật truyền thống để bồi dưỡng, đào tạo, phát triển lớp diễn viên kế cận, góp phần bảo tồn và phát triển sân khấu truyền thống dân tộc, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc trong thời kỳ hội nhập quốc tế./.
Bài và ảnh: Việt Thắng