Trong đời sống hằng ngày, những mâu thuẫn, xích mích, tranh chấp về quyền lợi luôn nảy sinh ở cộng đồng dân cư, nếu không được xử lý, giải quyết sớm có thể dẫn đến hậu quả phức tạp, nhất là khi hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế. Bởi vậy, việc phổ biến, hướng dẫn, giải thích các quy định pháp luật trong quá trình hòa giải ở cơ sở là "kênh" quan trọng, đem lại hiệu quả thiết thực trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL).
Cán bộ hòa giải xã Yên Trị (Ý Yên) phát tài liệu tuyên truyền pháp luật cho nhân dân. |
Để phát huy vai trò của công tác PBGDPL thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở, các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh đã tập trung củng cố tổ chức, nâng cao năng lực hoạt động của đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở. Các tổ hòa giải được thành lập theo mô hình thôn, xóm, tổ dân phố, thành viên tổ hòa giải là những người có phẩm chất đạo đức, nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và có uy tín trong nhân dân, trong đó phần đông là hội viên của các tổ chức MTTQ, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội CCB, Hội Nông dân ở cơ sở. Đến nay, toàn tỉnh có 3.773 tổ hòa giải với 22.676 hòa giải viên. Hằng năm, ngành Tư pháp đều tổ chức tập huấn, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải và trang bị các loại tài liệu, văn bản pháp luật cần thiết như: Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Hôn nhân và Gia đình, các thông tin pháp luật được trình bày dưới hình thức tờ gấp hỏi - đáp, bản tin tư pháp… cho các hòa giải viên nghiên cứu, vận dụng trong quá trình hoạt động. Định kỳ, các xã, phường, thị trấn đều tổ chức các buổi nói chuyện tọa đàm chuyên đề pháp luật, tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải giúp các hòa giải viên giao lưu, trao đổi kinh nghiệm... Tại Thị trấn Liễu Đề (Nghĩa Hưng), do thực hiện tốt công tác PBGDPL trong hòa giải nên tỷ lệ hòa giải thành tại khu dân cư luôn đạt từ 80-85%. Trong nhiều năm trở lại đây, trên địa bàn thị trấn không có đơn thư khiếu nại tố cáo. Đồng chí Đồng Văn Luận, cán bộ hòa giải xã cho biết, để công tác hoà giải đạt hiệu quả, hòa giải viên cơ sở phải nắm chắc những quy định của pháp luật trong từng lĩnh vực để vận dụng vào mỗi vụ việc cụ thể làm căn cứ thuyết phục các bên tranh chấp. Nhiều vụ việc nếu không đưa ra các điều luật cụ thể để hòa giải thì rất khó thuyết phục vì các bên tranh chấp đều nhất quyết đòi quyền lợi cho mình, không ai chịu ai. Chẳng hạn vụ việc mâu thuẫn giữa gia đình ông Nguyễn Văn M và Phạm Văn T ở tổ 11 Thị trấn Liễu Đề. Để phát triển kinh tế gia đình, ông M xây dựng gia trại nuôi lợn thịt trong phần đất của gia đình nhưng nằm sát nhà ông T. Hằng ngày, phế thải chăn nuôi đã ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống và sinh hoạt của gia đình ông T. Ông T đã nhiều lần nhắc nhở ông M khắc phục nhưng ông M không những không nghe mà còn lớn tiếng cho rằng ông T gây khó khăn, cản trở việc phát triển kinh tế của gia đình ông. Lời qua tiếng lại, hai bên xảy ra xô xát. Được tin, tổ hòa giải của thôn đã có mặt kịp thời. Cùng với việc phân tích tình cảm xóm làng “tắt lửa, tối đèn” có nhau, tổ hòa giải của thôn dẫn chứng Luật Bảo vệ môi trường, chỉ cho ông M thấy việc chăn nuôi của gia đình chưa đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường; nếu ông M không thực hiện đầy đủ là vi phạm pháp luật. Qua phân tích “thấu tình, đạt lý” của tổ hoà giải, ông M đã hiểu rõ vấn đề, xin lỗi ông T và cam kết sẽ thực hiện xử lý chất thải chăn nuôi, bảo đảm vệ sinh môi trường theo quy định của pháp luật. Không chỉ hoà giải được mâu thuẫn, tổ hoà giải còn phổ biến kiến thức pháp luật cho người dân, ngăn chặn nguy cơ xảy ra những vụ việc tương tự. Các bên tranh chấp và những người có liên quan đã nâng cao hiểu biết và ý thức tôn trọng pháp luật, từ đó hạn chế những vi phạm pháp luật. Trong nhiều năm qua, nhiều tranh chấp, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân đã được các hòa giải viên hòa giải thành công ngay từ cơ sở, không để phát sinh thành các vụ việc lớn. Hằng năm tỷ lệ hòa giải thành toàn tỉnh luôn đạt 82%; trong đó nhiều huyện đạt tỷ lệ cao như Vụ Bản, Xuân Trường, Trực Ninh, Nghĩa Hưng trung bình đạt 87%.
Tuy nhiên, công tác PBGDPL thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở vẫn gặp khó khăn. Ở một số địa phương, cấp ủy, chính quyền chưa thấy hết hiệu quả của công tác PBGDPL trong công tác hòa giải nên chưa quan tâm chỉ đạo, đầu tư mua sách và tài liệu pháp luật cung cấp cho các tổ hòa giải. Kinh phí cho hoạt động của tổ hòa giải và hòa giải viên đối với những vụ hòa giải thành ở các địa phương theo quy định đều chưa thực hiện. Sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công tác hòa giải có nơi còn thiếu chặt chẽ, còn hình thức, chưa huy động được đông đảo các thành viên tham gia. Để nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và ngành Tư pháp cần tăng cường các nguồn lực cho công tác hòa giải; củng cố, kiện toàn đội ngũ hòa giải viên cơ sở; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, trang bị tài liệu pháp luật để nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ chất lượng hoạt động hòa giải, nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL thông qua hoạt động hoà giải ở cơ sở. Đẩy mạnh công tác xây dựng, quản lý tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn để có nguồn văn bản cho các hoà giải viên, bảo đảm kinh phí hoạt động cho công tác hòa giải ở cơ sở./.
Bài và ảnh: Trần Văn Trọng