Thực hiện chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ và của UBND tỉnh, năm 2012, Thanh tra tỉnh đã tổ chức triển khai thanh tra diện rộng việc thực hiện Đề án "Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008-2012" trên địa bàn tỉnh.
Để công tác thanh tra đạt hiệu quả cao, Thanh tra tỉnh đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ, cung cấp tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra và triển khai kế hoạch thanh tra cho thanh tra 10 huyện, thành phố. Toàn tỉnh đã thành lập 13 đoàn thanh tra (trong đó Thanh tra tỉnh 3 đoàn, thanh tra các huyện, thành phố 10 đoàn) tiến hành kiểm tra, rà soát việc thực hiện đề án trên địa bàn toàn tỉnh. Các đoàn thanh tra đã thanh tra 29/495 dự án đã triển khai với số vốn được thanh tra 81.917,622 triệu đồng, bằng 14,5% số vốn đã triển khai. Kết quả thanh tra cho thấy: Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án "Kiên cố hoá trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008-2012" của tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thành phố thành lập các Ban chỉ đạo để chỉ đạo việc thực hiện đề án ở địa phương đạt kết quả cao. Trong quá trình thực hiện đề án, Ban Chỉ đạo của tỉnh và các cơ quan chức năng như Sở GD và ĐT, Sở KH và ĐT, Sở Xây dựng, Ban chỉ đạo các huyện, thành phố đã làm tốt công tác tham mưu với UBND tỉnh về xác định danh mục các phòng học cần được kiên cố hóa và xây dựng kế hoạch phân bổ, bố trí vốn, hướng dẫn về trình tự thủ tục cho Ban chỉ đạo các huyện, thành phố và các chủ đầu tư triển khai thực hiện đề án tại địa phương. UBND tỉnh đã thực hiện nghiêm hướng dẫn về mức hỗ trợ vốn cho mỗi phòng học nên cùng với nguồn vốn trái phiếu Chính phủ đã huy động thêm được nhiều nguồn kinh phí khác để thực hiện đề án. Do đó nguồn vốn trái phiếu Chính phủ được sử dụng đúng mục đích, cơ bản đã kiên cố hóa được số phòng học tương ứng theo kế hoạch được giao. Tổng số phòng học đã triển khai xây dựng trong giai đoạn 2008-2011 là 2.596 phòng đạt tỷ lệ 82,5% so với kế hoạch 2008-2012 với tổng số vốn đã triển khai là 563.352 triệu đồng (trong đó vốn trái phiếu Chính phủ hỗ trợ là 225.753 triệu đồng). Kết quả trên là sự nỗ lực lớn của các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh khi triển khai thực hiện chủ trương kiên cố hóa trường, lớp học của Chính phủ. Các phòng học được xây dựng đều được sử dụng đúng mục đích, phù hợp quy hoạch phát triển giáo dục của các địa phương; tạo thuận lợi cho việc giảng dạy, học tập của giáo viên và học sinh.
Cán bộ Thanh tra Thành phố Nam Định triển khai nghiệp vụ công tác. |
Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện đề án trên địa bàn tỉnh còn những tồn tại như: Công tác kiểm tra, đôn đốc của Ban chỉ đạo các huyện, thành phố và các cơ quan chức năng chưa thường xuyên. Một số Ban chỉ đạo huyện được thành lập nhưng không tiến hành giao ban, đánh giá kết quả định kỳ; hằng năm chưa lập kế hoạch vốn đầu tư và dự kiến phân bổ cho từng dự án theo quy định tại Thông tư 46/TT-BTC của Bộ Tài chính. Việc kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện dự án của Ban chỉ đạo từ tỉnh đến các huyện, thành phố còn hạn chế nên 18 phòng học với số vốn trái phiếu Chính phủ 1.566 triệu đồng không giải ngân được do quá hạn thanh toán. Đó là Trường Mầm non Thị trấn Mỹ Lộc 7 phòng, Trường Mầm non Mỹ Tân (Mỹ Lộc) 6 phòng, Trường Mầm non Mỹ Xá (TP Nam Định) 4 phòng, Trường Tiểu học Nam Bình (Nghĩa Hưng) 1 phòng. Các huyện, thành phố khi triển khai thực hiện đề án chỉ vận dụng một số chỉ tiêu cơ bản về trường, lớp học chứ không áp dụng thiết kế mẫu, do đó làm tăng chi phí thiết kế. Công tác theo dõi, đôn đốc các chủ đầu tư trong việc quyết toán vốn đầu tư chưa thường xuyên do vậy việc quyết toán vốn đầu tư đối với các dự án hoàn thành còn chậm so với quy định. Số dự án được phê duyệt quyết toán vốn đầu tư chỉ đạt 26-68% các dự án đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng; trong đó huyện Giao Thủy 26%; huyện Mỹ Lộc và huyện Vụ Bản đạt 27%; huyện Hải Hậu 30,3%; huyện Ý Yên 51%; huyện Nghĩa Hưng 50%; Thành phố Nam Định 68%… Bên cạnh đó, ngoài nguồn vốn hỗ trợ từ trái phiếu Chính phủ, ngân sách tỉnh và huyện thấp, nguồn vốn huy động ở các xã gặp khó khăn nên số nợ đọng vốn xây dựng đã hoàn thành với các nhà thầu còn lớn. Trong quá trình tổ chức thực hiện các dự án, một số chủ đầu tư; nhà thầu tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công xây dựng công trình thực hiện chưa nghiêm các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản nên tổng số tiền sai phạm phát hiện qua thanh tra 29 dự án là: 2 tỷ 058,5 triệu đồng, chiếm 2,51% số vốn được thanh tra. Trong đó, các đoàn thanh tra đã kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 1 tỷ 951,1 triệu đồng; giảm trừ quyết toán 107,4 triệu đồng (9 dự án do Thanh tra tỉnh tiến hành số tiền sai phạm kiến nghị thu hồi vào ngân sách là 1 tỷ 540,42 triệu đồng, chiếm 4,07% số vốn được thanh tra; 20 dự án do Thanh tra các huyện, thành phố tiến hành số tiền sai phạm phát hiện là 518 triệu đồng). Các sai phạm chủ yếu gồm: dự toán lập không chính xác dẫn đến chi phí xây lắp tăng không đúng ở 12 trong số 29 dự án, với số tiền 882,2 triệu đồng, chiếm 42,86% giá trị sai phạm; các nhà thầu thi công xây lắp làm thiếu khối lượng, làm không đúng dự toán thiết kế và quyết toán không đúng thực tế thi công tại 24 trong số 29 dự án với số tiền 1 tỷ 077 triệu đồng, chiếm 52,3% giá trị sai phạm, các sai phạm khác là 99,3 triệu đồng.
Qua kết quả công tác thanh tra Đề án "Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008-2012", ngành Thanh tra tỉnh đã rút ra kinh nghiệm: Đối với việc triển khai các cuộc thanh tra diện rộng, cần có sự chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh, sự phối hợp giữa Thanh tra tỉnh và UBND các huyện, thành phố trong tổ chức triển khai cuộc thanh tra. Các điều kiện phục vụ cho việc triển khai cuộc thanh tra cần phải được chuẩn bị chu đáo, kịp thời từ nội dung thanh tra đến các văn bản liên quan đến nội dung thanh tra; đặc biệt là công tác tổ chức tập huấn về nghiệp vụ cho các đoàn trước khi triển khai cuộc thanh tra. Trong quá trình triển khai thanh tra, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đoàn thanh tra của tỉnh và các đoàn thanh tra của các huyện, thành phố trong việc trao đổi kinh nghiệm về chuyên môn nghiệp vụ cũng như việc cung cấp tài liệu liên quan đến các nội dung thanh tra. Đặc biệt cần có sự cố gắng của các đoàn thanh tra nhất là thanh tra các huyện, thành phố trong việc khắc phục khó khăn về lực lượng cũng như về chuyên môn nghiệp vụ trong lĩnh vực thanh tra chuyên ngành./.
Bài và ảnh: Trần Văn Trọng