Những năm gần đây, hoạt động quảng cáo trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh. Số lượng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo ngày càng gia tăng, mở rộng hình thức, quy mô và công nghệ mới như quảng cáo trên các phương tiện điện tử, thiết bị viễn thông… Theo thống kê của Sở VH, TT và DL, toàn tỉnh hiện có 25 doanh nghiệp, tổ chức đăng ký kinh doanh hoạt động quảng cáo và hàng trăm cá nhân hoạt động quảng cáo.
Người dân phải thường xuyên xóa quảng cáo bừa bãi trên tường nhà (Ảnh chụp tại đường Minh Khai, TP Nam Định). |
Để đưa hoạt động quảng cáo vào nền nếp, đúng quy định của pháp luật, hằng năm, Sở VH, TT và DL phối hợp với các cơ quan báo chí tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về quảng cáo đến các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động quảng cáo trên địa bàn. Công tác tiếp nhận hồ sơ, cấp giấy phép quảng cáo trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo Thông tư liên tịch số 06/2007 của Bộ VH-TT (nay là Bộ VH, TT và DL), Bộ Y tế, Bộ NN và PTNT, Bộ Xây dựng. Thủ tục, hồ sơ xin cấp giấy phép thực hiện quảng cáo, mức thu nộp lệ phí, khâu tiếp nhận và trả hồ sơ cấp phép, thời gian giải quyết hồ sơ xin cấp phép… được niêm yết công khai tại bộ phận giao dịch hành chính “một cửa”. Từ năm 2006 đến nay, trung bình mỗi năm Sở VH, TT và DL cấp từ 180-250 giấy phép thực hiện quảng cáo các loại, trong đó có một số biển quảng cáo tấm lớn ngoài trời dọc quốc lộ 10 và quốc lộ 21 thuộc địa phận các huyện Mỹ Lộc, Ý Yên và Thành phố Nam Định; biển quảng cáo tại các cửa hàng, cửa hiệu; băng rôn, phướn... trên các tuyến đường. Cùng với việc cấp giấy phép, ngành đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm các quy định pháp luật về quảng cáo, rà soát, tổng hợp các biển quảng cáo hết hạn, yêu cầu các tổ chức, cá nhân thực hiện quảng cáo xin gia hạn cấp phép thực hiện quảng cáo theo quy định. Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở VH, TT và DL, tình trạng vi phạm pháp luật về quảng cáo trên địa bàn tỉnh những năm qua vẫn xuất hiện, chủ yếu ở lĩnh vực quảng cáo ngoài trời. Trên nhiều tuyến phố của Thành phố Nam Định, việc quảng cáo bằng băng rôn, áp phích còn tuỳ tiện, lộn xộn gây mất mỹ quan đô thị. Quảng cáo dưới hình thức tờ rơi, tờ gấp, quảng cáo rao vặt trên tường, cột điện còn diễn ra nhiều, gây bức xúc trong nhân dân. Sau cơn bão số 8 cuối tháng 10-2012, một số biển quảng cáo tấm lớn trên quốc lộ 10 khu vực đầu cầu Tân Đệ bị đổ, nghiêng đến nay vẫn chưa được doanh nghiệp, đơn vị sở hữu khắc phục, gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của người dân sống trong khu vực và ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Bên cạnh đó, tình trạng biến tướng, lách luật trong hoạt động quảng cáo có chiều hướng gia tăng. Tại nhiều nhà hàng, cửa hiệu, biển quảng cáo, biển hiệu làm sai quy định pháp luật như tên cửa hàng, cửa hiệu chữ viết nhỏ, trong khi tên, nhãn hiệu sản phẩm chữ viết to. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh hoạt động quảng cáo chưa thực hiện đủ các quy định quản lý nhà nước về quảng cáo…
Để phát huy hiệu quả trong hoạt động quảng cáo, ngày 21-6-2012, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XIII đã thông qua Luật Quảng cáo và chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2013 gồm 5 chương, 43 điều. So với Pháp lệnh Quảng cáo số 39/2001, Luật Quảng cáo có nhiều điểm mới. Trong đó, quy định Bộ VH, TT và DL chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về quảng cáo. Các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ bị cấm quảng cáo gồm: thuốc lá, rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên, sữa dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi... Hoạt động quảng cáo sẽ bị cấm nếu thiếu tính thẩm mỹ, xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo, định kiến giới, người khuyết tật, dùng phương pháp so sánh trực tiếp, dùng các từ nhất, số một hoặc các từ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh, vi phạm sở hữu trí tuệ, ảnh hưởng đến quá trình hình thành nhân cách của trẻ em… Luật Quảng cáo còn quy định cụ thể về nội dung về phương tiện quảng cáo; điều chỉnh diện tích quảng cáo trên báo chí; quy định về công tác xây dựng quy hoạch và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương trong việc xây dựng quy hoạch quảng cáo để đảm bảo cảnh quan môi trường, mỹ quan đô thị và trật tự an toàn xã hội… Từ cuối năm 2012, Sở VH, TT và DL đã tổ chức tập huấn Luật Quảng cáo cho cán bộ làm công tác văn hóa các huyện, thành phố; qua đó tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các doanh nghiệp, cá nhân hoạt động kinh doanh quảng cáo. Trong quý I-2013, Sở VH, TT và DL sẽ trình UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch quảng cáo ngoài trời, chỉ đạo các huyện, thành phố, các ngành chức năng tăng cường trách nhiệm trong công tác quản lý hoạt động quảng cáo. Thanh tra Sở VH, TT và DL, Phòng Nghiệp vụ văn hóa phối hợp với lực lượng chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quảng cáo, để từng bước đưa hoạt động quảng cáo vào nền nếp, góp phần thúc đẩy quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hàng hoá, dịch vụ, kích thích sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh./.
Bài và ảnh: Đức Thiện