Tết Quý Tỵ đã cận kề! Trong không khí ấm áp của mùa Xuân mới, mỗi người chúng ta không bao giờ quên, trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, biết bao thế hệ người Việt Nam đã không tiếc máu xương, không ngại gian khó, sẵn sàng hy sinh, cống hiến sức người, sức của đấu tranh giành độc lập dân tộc, bảo vệ quê hương, đất nước để đất nước ta mãi mãi trường tồn. Chiến tranh đã lùi xa gần 40 năm, song với truyền thống đạo lý “Uống nước, nhớ nguồn” của dân tộc, những đóng góp đó của các gia đình, các cá nhân luôn được Đảng, Nhà nước và toàn thể dân tộc Việt Nam ghi nhớ, tri ân.
Tỉnh ta là một trong những địa phương có số đối tượng chính sách, người có công đông nhất so với các tỉnh ở khu vực phía Bắc, với hơn 600 cán bộ lão thành cách mạng và cán bộ tiền khởi nghĩa; gần 1.500 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tù đày; 1.240 bà mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng”; trên 36 nghìn liệt sỹ; trên 39 nghìn thương binh, người hưởng chính sách như thương binh và bệnh binh (trong đó số người còn sống 25.500 người); hơn 12 nghìn người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học trong số gần 40 nghìn người bị phơi nhiễm chất độc hóa học, trong đó có 3.259 trẻ em bị dị dạng dị tật.
Các cán bộ lão thành cách mạng trong hội nghị gặp mặt nhân kỷ niệm 83 năm ngày thành lập Đảng do Thành ủy Nam Định tổ chức. |
Mặc dù kinh tế địa phương còn nhiều khó khăn, song trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, công tác thực hiện chính sách ưu đãi người có công, “Đền ơn đáp nghĩa” được các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh luôn quan tâm thực hiện, một mặt tập trung lãnh đạo giải quyết tốt các chính sách ưu đãi đối với người có công theo quy định của Nhà nước, một mặt vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia thực hiện tốt phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa”, tập trung mọi nguồn lực ưu tiên hỗ trợ người có công khắc phục khó khăn, phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống. Đặc biệt những năm gần đây, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các hoạt động đền ơn đáp nghĩa sâu rộng trong toàn tỉnh với nhiều hình thức hoạt động phong phú, thiết thực, tác động tích cực, hiệu quả đến các gia đình, người có công, thu hút sự tham gia hưởng ứng của đông đảo các ban, ngành, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân. Do các đối tượng trong diện chính sách, người có công đều đã cao tuổi, sức khỏe yếu nên các quy định về chế độ chính sách ưu đãi đối với người có công, gia đình chính sách được hướng dẫn, triển khai đến cơ sở để bảo đảm các đối tượng trong diện được thụ hưởng kịp thời. Từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh đã xét duyệt, giải quyết cho trên 88.800 lượt người có công và thân nhân được hưởng chính sách theo quy định. Hiện nay, Sở LĐ-TB và XH đang quản lý và chi trả trợ cấp thường xuyên hằng tháng cho gần 53 nghìn đối tượng với kinh phí 57,5 tỷ đồng/tháng. Quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa” được xây dựng từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn, bảo đảm huy động mọi nguồn lực xã hội, nhằm kịp thời giúp đỡ các đối tượng người có công. Từ năm 2010 đến nay, mỗi năm, quỹ cấp tỉnh huy động được 400 triệu đồng, quỹ cấp huyện 700 triệu đồng, là những nguồn lực quan trọng cùng với nguồn lực của Nhà nước để chăm lo, giúp đỡ cho những gia đình người có công. Cùng với các chính sách giúp đỡ giảm bớt khó khăn, tạo cơ hội vươn lên như trợ cấp hằng tháng, hỗ trợ ưu đãi chi phí học văn hóa, học nghề, giải quyết việc làm… cho con em gia đình người có công, công tác hỗ trợ cải thiện điều kiện nhà ở cho người có công cũng được coi trọng. Từ năm 2010 đến nay, mỗi năm có gần 100 ngôi nhà được hỗ trợ kinh phí để xây mới và sửa chữa, chưa kể các ngôi nhà được các tổ chức xã hội, từ thiện, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh hỗ trợ xây sửa. Những ngôi nhà của các gia đình chính sách đã khang trang, kiên cố và ấm cúng hơn. Riêng năm 2012, kỷ niệm 65 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ, toàn tỉnh đã hỗ trợ xây dựng 160 ngôi nhà tình nghĩa (tăng 127 nhà so với năm 2011), hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp 88 nhà với tổng số tiền 7 tỷ 741 triệu đồng từ quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa” của tỉnh và nguồn huy động xã hội hóa. Công tác mộ liệt sỹ cũng được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm. Sở LĐ-TB và XH đã phối hợp với Sở LĐ-TB và XH các tỉnh, thành phố trên cả nước rà soát kiểm tra mộ liệt sỹ trong các nghĩa trang để cập nhật thông tin cung cấp cho thân nhân, giới thiệu, hướng dẫn việc đi thăm viếng nghĩa trang, di chuyển hài cốt liệt sỹ được thuận tiện. Các cấp chính quyền đều quan tâm dành kinh phí cho công tác tu sửa nghĩa trang liệt sỹ, bảo đảm luôn khang trang, sạch đẹp. Trong năm 2012, mặc dù kinh tế còn nhiều khó khăn song tổng kinh phí hỗ trợ xây dựng, sửa chữa các công trình ghi công liệt sỹ đã thực hiện trên 23 tỷ đồng, trong đó cấp tỉnh hỗ trợ 6,8 tỷ đồng; trên 10 nghìn người có công được thực hiện chính sách điều dưỡng tại gia đình với tổng kinh phí 8,241 tỷ đồng. Đối với các gia đình người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, những trường hợp đầy đủ thủ tục theo quy định được xem xét giải quyết chế độ kịp thời.
Tết đến, trong niềm vui đón xuân, những hoạt động thể hiện đạo lý “Uống nước, nhớ nguồn”, tri ân công ơn của những anh hùng, liệt sỹ, thương bệnh binh, gia đình có công với đất nước được tổ chức sôi nổi, rộng khắp. Các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã tổ chức các đoàn đi thăm hỏi, tặng quà động viên các gia đình chính sách tiêu biểu, các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức hội nghị gặp mặt, chúc tết các cán bộ lão thành cách mạng, gia đình chính sách tiêu biểu của địa phương; tổ chức đi thăm, tặng quà, chúc tết thương, bệnh binh đang được điều dưỡng, chăm sóc tại các Trung tâm điều dưỡng thương binh nặng ở các tỉnh Hà Nam, Bắc Ninh, Ninh Bình… Những việc làm đầy ý nghĩa đó mang đến cho mọi người, mọi nhà một mùa Xuân ấm áp, đậm nghĩa tình./.
Bài và ảnh: Vân Anh