Nam Trực tập trung nâng cao chất lượng các Trung tâm Học tập cộng đồng

08:02, 04/02/2013

Nhằm tạo điều kiện cho nhân dân trong huyện tiếp cận các kiến thức mới phục vụ sản xuất và đời sống, từ năm 2002 Huyện ủy Nam Trực đã ban hành Chỉ thị 06/CT-HU/2002 về việc xây dựng xã hội học tập trên cơ sở tập trung phát triển nhanh các Trung tâm Học tập cộng đồng (TTHTCĐ) các xã, thị trấn. Đến nay, cả 20 xã, thị trấn trong huyện đều thành lập TTHTCĐ. Các TTHTCĐ các xã, thị trấn đã tổ chức nhiều hình thức học phù hợp với các nhóm đối tượng, bố trí thời gian linh hoạt, tạo thuận lợi cho người dân vừa lao động, vừa học tập nhưng vẫn bảo đảm chất lượng giáo dục. Các lớp học đa phần được tổ chức tại hội trường UBND xã, nhà văn hóa các thôn để thuận tiện cho các đối tượng tham dự với nguồn kinh phí từ các dự án phổ cập giáo dục, tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, các chương trình khuyến công, khuyến nông... Để việc truyền đạt kiến thức đạt kết quả cao, các Trung tâm phối hợp với các đoàn thể như: Hội Phụ nữ, Hội Khuyến học, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên… tổ chức điều tra nhu cầu học tập, tìm hiểu kiến thức của từng nhóm đối tượng, từ đó vận động các hội viên và gia đình tham gia. Với phương châm “cần gì học nấy, học những điều cần thiết, học mọi nơi, mọi lúc” đã đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội từ cơ sở. Giáo viên của các Trung tâm là những người có tri thức, sự hiểu biết, có quá trình gắn bó chặt chẽ với nhân dân đã giúp người học cập nhật kiến thức, nâng cao dân trí, phát triển ngành nghề, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho gia đình. Năm học 2011-2012, các TTHTCĐ trong huyện thu hút gần 17 nghìn lượt người tham gia với trên 170 lớp học với các chuyên đề thuộc lĩnh vực nông nghiệp, văn hóa, pháp luật, chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ, trẻ em, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phòng chống tệ nạn xã hội… Nhờ được học tập, nhiều nông dân đã có thêm kiến thức trong việc lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi cho hiệu quả kinh tế cao, chấp hành đúng pháp luật, chăm sóc sức khỏe, phòng chống tệ nạn xã hội…, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, bảo đảm ANTT thôn, xóm. Theo đánh giá của Phòng GD và ĐT huyện, năm học 2011-2012, toàn huyện có 13 trung tâm hoạt động hiệu quả, 6 trung tâm hoạt động khá, chỉ có 1 trung tâm còn ít tổ chức các hoạt động. TTHTCĐ xã Nam Cường được thành lập từ năm 2003. Hằng năm, Trung tâm đều tổ chức 15 lớp chuyên đề về gieo mạ, chăm sóc, bảo vệ, phòng trừ sâu bệnh, bảo vệ chăm sóc trẻ em… cho gần 1.000 lượt người. Đặc biệt, trong 2 năm gần đây, thực hiện Đề án 1956 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Trung tâm đã tổ chức 3 lớp may công nghiệp cho 140 phụ nữ trong xã. Đồng chí Mai Văn Uyên, Phó Chủ tịch UBND kiêm Giám đốc TTHTCĐ xã Nam Cường cho biết: Với sự hướng dẫn nhiệt tình của đội ngũ giáo viên các trường tiểu học, THCS trong xã, Trung tâm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ thực vật huyện…, bà con nông dân trong xã đã chăm bón lúa đúng kỹ thuật, mở rộng diện tích trồng các giống cây màu vụ đông, tăng thu nhập. Năng suất lúa của xã năm sau cao hơn năm trước, năm 2012 đạt 120,5 tạ/ha. Nhiều người nhờ học may tại Trung tâm đã tìm được việc làm, có thu nhập ổn định tại các doanh nghiệp may trong huyện. Hoạt động hiệu quả còn phải kể đến TTHTCĐ xã Nam Hồng. Năm học 2011-2012, TTHTCĐ xã Nam Hồng đã mở 25 lớp với gần 1.200 học viên tham gia các chuyên đề áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển CN-TTCN, bài trừ các tệ nạn xã hội, tích cực dồn điền, đổi thửa góp phần xây dựng nông thôn mới, cập nhật tình hình thời sự trong nước, quốc tế… Trên cơ sở truyền thống phát triển CN-TTCN, đến nay CCN xã đã thu hút trên 10 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho gần 2.500 lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động của xã. Hiện, tỷ lệ lao động của xã là 50% lao động CN-TTCN, 27% lao động nông nghiệp, 23% lao động dịch vụ.

Nhờ học lớp may tại TTHTCĐ xã Nam Cường (Nam Trực) nhiều lao động đã tìm việc làm ổn định trong các cơ sở sản xuất may mặc (Trong ảnh: Lao động may trong cơ sở may Việt Hoàng, thôn Thanh Khê, xã Nam Cường).
Nhờ học lớp may tại TTHTCĐ xã Nam Cường (Nam Trực) nhiều lao động đã tìm việc làm ổn định trong các cơ sở sản xuất may mặc (Trong ảnh: Lao động may trong cơ sở may Việt Hoàng, thôn Thanh Khê, xã Nam Cường).

Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay hoạt động của các TTHTCĐ các xã, thị trấn trong huyện gặp nhiều khó khăn. Nhiều Trung tâm thiếu kinh phí hoạt động do chưa nhận được sự hỗ trợ từ các dự án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của các TTHTCĐ còn nghèo nàn, có nơi dạy và học tại trụ sở HTX nông nghiệp, nhà trẻ đình làng đã xuống cấp, không bảo đảm âm thanh, ánh sáng. Tài liệu dạy học cũ, lạc hậu. Một số xã chưa tổ chức khảo sát, điều tra để nắm bắt được đầy đủ nhu cầu học tập của người dân… với các yếu tố này đã ảnh hưởng đến chất lượng học tập tại các TTHTCĐ, chưa cuốn hút được người học. Ngoài ra, nhiều địa phương chưa triển khai việc hỗ trợ kinh phí hằng tháng cho thành viên Ban giám đốc TTHTCĐ theo Quyết định số 1644/QĐ-UBND ngày 13-8-2010 của UBND tỉnh nên nhiệt huyết của đội ngũ này bị giảm sút; đội ngũ giáo viên ít được tập huấn phương pháp giảng dạy chuyên đề cho nông dân… Thời gian tới, Phòng GD và ĐT, Hội Khuyến học huyện chỉ đạo tập trung củng cố mô hình hoạt động TTHTCĐ theo hướng đa dạng hóa các hoạt động bảo đảm hiệu quả, thiết thực dạy những gì người dân còn thiếu, những gì người dân cần. Các xã, thị trấn tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, giáo viên Trung tâm để thực hiện nhiệm vụ đa dạng hóa nội dung, chương trình và hình thức học tập. Đổi mới công tác quản lý, tăng cường nền nếp, kỷ cương trong các hoạt động học tập các chuyên đề, chú trọng ứng dụng CNTT trong quản lý, dạy học nhằm nâng cao chất lượng học tập để nâng cao chất lượng hoạt động của các TTHTCĐ, góp phần xây dựng xã hội học tập./.

Bài và ảnh: Thanh Ngọc



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com