Đầu tháng 1-2013, Trường THPT Nguyễn Huệ (TP Nam Định) đã tổ chức cho hơn 300 học sinh đến tham quan Bảo tàng tỉnh. Em Trần Mạnh Tú, học sinh lớp 11A1 Trường THPT Nguyễn Huệ cho biết: “Qua tham quan Bảo tàng tỉnh đã giúp chúng em được tận mắt thấy các di sản văn hoá của đất nước nói chung, của quê hương Nam Định nói riêng; hiểu thêm về truyền thống cách mạng của quê hương Nam Định”. Đây là một trong những hoạt động nhằm đa dạng hóa hình thức giáo dục truyền thống cho học sinh trong giai đoạn hiện nay. Nhiều trường học trên địa bàn thành phố đã tổ chức cho học sinh đến tham quan học tập tại Bảo tàng tỉnh và di tích lịch sử văn hóa Cột Cờ Nam Định để học sinh có được những bài học lịch sử sinh động từ thực tiễn. Đây cũng là hoạt động trong kế hoạch công tác phối hợp, phát huy giá trị các di sản văn hóa, tuyên truyền giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng của quê hương cho thế hệ trẻ giữa Sở VH, TT và DL với Sở GD và ĐT trong năm học 2012-2013.
Thực hiện kế hoạch phối hợp, từ đầu năm học đến nay đã có nhiều trường học tổ chức cho hàng ngàn lượt học sinh đến tham quan, học tập tại Bảo tàng tỉnh. Tại đây, các em học sinh được cán bộ Bảo tàng tỉnh hướng dẫn tìm hiểu các sự kiện lịch sử, văn hóa thông qua các tài liệu, hiện vật trưng bày tại bảo tàng. Sau khi tham quan, học sinh làm bài thu hoạch và trình bày trước lớp. Qua đó khuyến khích sự sáng tạo, tích cực chủ động học tập cũng như rèn luyện kỹ năng thuyết trình của học sinh trước tập thể.
Học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ (TP Nam Định) tham quan Bảo tàng tỉnh. |
Ngoài ra, các trường còn tổ chức lễ tri ân và trưởng thành cho học sinh lớp 5, lớp 9, lớp 12 kết hợp với các hoạt động vui chơi, chăm sóc cây xanh, trồng hoa tại di tích lịch sử, văn hóa Cột Cờ Nam Định. Bảo tàng tỉnh còn phối hợp với các nhà trường tổ chức thi kể chuyện, thi về kiến thức lịch sử, tìm hiểu về các danh nhân văn hóa, các phong tục tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo... để bồi dưỡng tinh thần yêu nước, kế thừa truyền thống cách mạng của các bậc cha anh, vun đắp lòng yêu lịch sử, văn hóa và khoa học, yêu thiên nhiên cho học sinh. Nhân Ngày di sản văn hóa - ngày về nguồn (23-11) hằng năm, Bảo tàng tỉnh phối hợp với các cơ sở giáo dục tổ chức cho học sinh sưu tầm các tư liệu, hình ảnh về các nhân vật lịch sử, danh nhân văn hóa, nhà văn, nhà thơ của tỉnh. Ngoài ra, Sở GD và ĐT và Sở VH, TT và DL còn phối hợp tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ về giáo dục kỹ năng sống, đạo đức, lối sống, tinh thần tương thân tương ái và tính chủ động, sáng tạo trong học tập và rèn luyện cho học sinh thông qua các môn học và hoạt động ngoại khóa, nâng cao vai trò của giáo viên trong thực hiện phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực". Các cơ sở giáo dục khuyến khích giáo viên tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học, nhất là môn lịch sử, không chỉ có lý thuyết trên sách vở mà còn hướng dẫn học sinh tham gia các hoạt động thực tiễn tại bảo tàng và một số di tích tiêu biểu, qua đó nâng cao chất lượng dạy và học môn lịch sử, đồng thời rèn luyện phương pháp tự học tích cực cho học sinh; Bảo tàng tỉnh sẽ trao đổi kiến thức, chương trình giảng dạy, cung cấp một số tiêu bản, di vật lịch sử (công cụ đá cũ, đá mới, mảnh sứ hoặc các đồ phục chế di vật văn hóa hữu quan...), hỗ trợ giảng dạy giúp học sinh có thể nâng cao nhận thức các sự kiện lịch sử thông qua hiện vật. Ngoài ra, các trường còn tổ chức các lớp học tại bảo tàng và một số di tích tiêu biểu, cho học sinh xem phim tư liệu lịch sử tại các cơ sở chiếu phim của ngành VH, TT và DL. Các phòng GD và ĐT, các cơ sở giáo dục chủ động phối hợp với Bảo tàng tỉnh tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, đưa các bài hát dân ca, trò chơi dân gian vào trường học, tổ chức liên hoan "Hát dưới mái trường thân thiện".
Việc tham quan, học tập tại Bảo tàng tỉnh đã và đang góp phần xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, hiệu quả, phù hợp với điều kiện của địa phương, phát huy tính chủ động, sáng tạo, tích cực của học sinh trong học tập thông qua các hoạt động xã hội kết hợp học tập, vui chơi và giao lưu văn hóa./.
Bài và ảnh: Minh Thuận