Chúng tôi đến Trường Tiểu học Vĩnh Hào (Vụ Bản) đúng giờ ra chơi. Lúc này học sinh của trường đang sôi nổi tham gia các trò chơi, sinh hoạt tập thể. Cô Phạm Thị Len, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trường hiện có 14 lớp với 423 học sinh. Đối với khối tiểu học, học sinh có 25 phút mỗi ngày dành cho sinh hoạt giữa giờ với các hình thức như múa hát, sinh hoạt tập thể… Nhà trường luôn lồng ghép các hoạt động ngoại khóa vào trong giờ học để giúp học sinh phát triển toàn diện và rèn luyện thêm kỹ năng”.
Từ 2 năm nay, Trường Tiểu học Vĩnh Hào đã đổi mới hoạt động Đội cho học sinh. Thay vì cách làm “truyền thống” giáo viên chủ nhiệm lớp trực tuần nhận xét các hoạt động trong tuần của các lớp, hiện nay các em học sinh lớp trực tuần sẽ tự theo dõi mọi việc trong trường; sau đó cô, trò sẽ cùng bàn bạc xây dựng tiểu phẩm, hoạt cảnh; trong đó đưa ra chủ đề, tình huống để các lớp, học sinh khác tham gia trả lời tình huống vào sáng thứ 2 mỗi tuần. Tình huống được xây dựng trong hoạt cảnh thường gần gũi với đời sống sinh hoạt thường ngày của các em học sinh, được các em nhìn, cảm nhận, xử lý qua ý thức, sự hiểu biết của mình. Đó có thể là tình huống một bạn học sinh đang vẽ bậy lên tường, lên bàn trong giờ ra chơi bị một bạn khác nhắc nhở liền phản ứng. Hoặc tình huống một nhóm bạn mang quà vặt đến trường ăn rồi vứt rác trong sân trường; thấy người già đi qua đường có nên giúp đỡ, bài tập không làm được, bạn bên cạnh cho chép bài, có nên chép... Cô, trò lớp 2A, vừa xây dựng hoạt cảnh với nội dung trong giờ ra chơi, có một bạn ngồi lại trong lớp tranh thủ làm bài tập về nhà để tối được xem ti vi sớm hơn. Từ tình huống lớp 2A đưa ra, rất nhiều ý kiến tranh luận sôi nổi của các em, có bạn cho rằng làm bài tập ngay khi cô giáo vừa giảng bài xong sẽ giúp hiểu bài ngay tại lớp, tiếp thu kiến thức nhanh hơn, tốt hơn. Làm bài ngay tại lớp, nếu không hiểu bài có thể hỏi cô giáo. Nhưng cũng có bạn cho rằng, giờ ra chơi là để vui chơi, thư giãn sau giờ học căng thẳng, không nên làm bài tập trong giờ ra chơi để tối xem ti vi sớm… Qua các hoạt cảnh, học sinh trong trường đưa ra cách giải quyết, từ đó giúp các em có nhận thức đúng về một sự việc. Đặc biệt, trong tình huống mà học sinh đề xuất, giáo viên chỉ là người định hướng, hướng dẫn và là trọng tài; phần việc chính, cơ bản vẫn là của học sinh, do chính các em “tự điều hành”. Hiện nay, buổi sinh hoạt đầu tuần của trường chỉ dành khoảng 5 phút để hiệu trưởng khen thưởng, định hướng công tác trong tuần, thời gian còn lại dành cho tổng phụ trách Đội và đội viên sinh hoạt.
Đội nghi thức của Trường Tiểu học Vĩnh Hào (Vụ Bản) tham gia luyện tập trình diễn các nghi thức Đội. |
Thông qua việc xây dựng các tình huống, hoạt cảnh không những ý thức học sinh tốt lên mà nhiều kỹ năng khác của học sinh cũng dần hình thành. Em Nguyễn Thị Hương, học sinh lớp 3B mắc nhiều lỗi trong phát âm. Để được chọn làm người thuyết trình trước lớp, trước toàn trường về hoạt cảnh lớp mình, em đã cố gắng tự rèn luyện phát âm. Hiện nay em đã có thể dẫn chương trình một cách tự tin, phát âm chuẩn và thường xuyên được cử làm người dẫn chương trình của lớp. Cô Nguyễn Thị Thanh Mai, Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học Vĩnh Hào cho biết “Có nhiều học sinh lớp 2 đã dẫn chương trình trước lớp, trước toàn trường, các em tự tin, nói năng lưu loát".
Xây dựng hoạt cảnh chỉ là một trong số nhiều hoạt động Đội mà tập thể giáo viên, học sinh Trường Tiểu học Vĩnh Hào linh hoạt áp dụng trong giảng dạy. Hiện nay, các bồn hoa, cây cối trong sân trường đều được các em chăm sóc cẩn thận. Các lớp học, khối học thi đua trang trí không gian lớp học như xanh hóa lớp học, vệ sinh môi trường lớp học. Nghĩa trang liệt sĩ của xã, một số đoạn đường làng cũng được các em thường xuyên quét dọn, vệ sinh sạch sẽ. Ngoài ra, các em còn đến động viên, thăm hỏi những người già neo đơn trong xã. Các phong trào “Đôi bạn cùng tiến”, thi vở sạch chữ đẹp, thi giải toán, tiếng Anh, thi giải câu đố, các trò chơi dân gian… được từng chi đội, chòm sao phát động, tích cực thực hiện, đem lại kết quả tốt. Vì vậy, trong các cuộc thi giải toán, tiếng Anh, trò chơi dân gian… của huyện, của tỉnh, nhà trường đều giành được thành tích cao.
Qua các hoạt động Đội thiết thực, “học mà chơi, chơi mà học” học sinh Trường Tiểu học Vĩnh Hào được rèn luyện khả năng quan sát, tìm hiểu về cuộc sống trong và ngoài nhà trường, giúp các em phát huy tính tự quản trong mọi hoạt động; ý thức tổ chức kỷ luật, kỹ năng làm việc tập thể, tự tin trước đám đông… và tạo cho các em có ý thức phấn đấu hơn trong học tập./.
Bài và ảnh: Hoa Xuân