Trước đây, công tác đăng ký và quản lý hộ tịch trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng còn nhiều bất cập: tình trạng đăng ký khai sinh, khai tử quá hạn; việc giải quyết cấp giấy tờ hộ tịch của UBND các xã, thị trấn không đúng thẩm quyền; trình tự thủ tục giải quyết công việc còn nhiều sai sót, nhất là ở các lĩnh vực: thủ tục giao nhận nuôi con nuôi, thủ tục đăng ký lại việc sinh tuỳ tiện…
Cán bộ tư pháp - hộ tịch Thị trấn Liễu Đề làm thủ tục đăng ký hộ tịch cho nhân dân. |
Để tăng cường công tác đăng ký và quản lý hộ tịch, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành, đoàn thể, UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các văn bản pháp luật trong lĩnh vực hộ tịch, Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27-12-2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch và các văn bản hướng dẫn về công tác hộ tịch cho cán bộ công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân. Phòng Tư pháp huyện đã xây dựng, triển khai kế hoạch tuyên truyền với phương châm hướng về cơ sở, thiết thực và phù hợp với nhận thức của nhân dân trên địa bàn huyện. Mỗi năm, Phòng Tư pháp huyện tổ chức trên 10 buổi tuyên truyền pháp luật về công tác hộ tịch tại các thôn, xóm, tổ dân phố; biên soạn, cấp phát hàng nghìn tờ gấp tuyên truyền có nội dung về khai sinh, khai tử, kết hôn; giải đáp những thủ tục khi cấp lại giấy tờ tùy thân; phối hợp với các ngành, đoàn thể lồng ghép tuyên truyền các văn bản liên quan đến công tác hộ tịch trong các hội nghị; phối hợp với Đài Phát thanh huyện mở chuyên mục “Hỏi đáp pháp luật” phổ biến các văn bản pháp luật về hộ tịch đến cán bộ và nhân dân. Ngoài ra, Phòng Tư pháp huyện thường xuyên cấp phát bổ sung các đầu sách pháp luật, văn bản pháp luật mới về hộ tịch cho các tủ sách pháp luật các xã, thị trấn để cán bộ tư pháp, hộ tịch cơ sở có điều kiện nghiên cứu, áp dụng trong thực thi công việc. Phòng Tư pháp huyện phối hợp với các xã, thị trấn thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về đăng ký và quản lý hộ tịch theo thẩm quyền, tập trung kiểm tra, đôn đốc, tập huấn kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ tư pháp hộ tịch thông qua các hội nghị chuyên đề, tổ chức hội nghị giao ban hằng quý đối với cán bộ tư pháp hộ tịch nhằm giải đáp, hướng dẫn, thống nhất cách giải quyết về công tác đăng ký và quản lý hộ tịch trên địa bàn toàn huyện. Bên cạnh đó, UBND các xã, thị trấn duy trì kiểm tra, giám sát cán bộ công chức trong việc thực hiện các nhiệm vụ đăng ký hộ tịch tại địa phương để chấn chỉnh kịp thời các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật về đăng ký và quản lý hộ tịch; thực hiện việc niêm yết công khai Bộ thủ tục hành chính về lĩnh vực đăng ký hộ tịch tại trung tâm giao dịch hành chính một cửa... do đó, đã hạn chế được những sai sót trong quá trình tác nghiệp. Ngoài ra, UBND các xã, thị trấn quan tâm đầu tư cơ sở vật chất; sắp xếp, bố trí cán bộ có năng lực, trình độ chuyên môn trong lĩnh vực quản lý đăng ký hộ tịch. Đến nay, hầu hết đội ngũ cán bộ tư pháp hộ tịch xã, thị trấn của huyện có trình độ đại học và trung cấp luật, trên 90% sử dụng thành thạo máy vi tính trong giải quyết công việc.
Nhờ thực hiện tích cực và đồng bộ các giải pháp, đến nay công tác đăng ký và quản lý hộ tịch trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng đã có những chuyển biến tích cực. Nhiều xã: Nghĩa Sơn, Nghĩa Hồng, Nghĩa Hùng, Thị trấn Quỹ Nhất trước đây công tác đăng ký và quản lý hộ tịch còn yếu nhưng năm 2012 đã được xếp loại tốt. Trong năm 2012, toàn huyện đã đăng ký khai sinh 3.148 trường hợp (đúng hạn 2.984 trường hợp, quá hạn 164 trường hợp), đăng ký khai tử 849 trường hợp, đăng ký kết hôn 1.605 đôi. Việc đưa công tác đăng ký hộ tịch của công dân vào nền nếp; trình tự thủ tục giải quyết đảm bảo đúng quy định pháp luật, các sự việc hộ tịch phát sinh tại cơ sở được đăng ký đầy đủ, chính xác; hồ sơ lưu trữ đầy đủ, khoa học đã góp phần tích cực trong công tác quản lý nhà nước về hộ tịch trên địa bàn toàn huyện./.
Bài và ảnh: Văn Trọng