Nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng

07:01, 10/01/2013

Thực hiện Bộ luật Tố tụng hình sự (TTHS) năm 2003, có hiệu lực thi hành từ 1-7-2004, những năm qua các cơ quan tiến hành tố tụng trong tỉnh đã tập trung nâng cao chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử, góp phần tích cực vào việc đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện các quy định của Bộ luật TTHS, Viện KSND tỉnh đã phối hợp với các ngành trong Khối Nội chính làm tốt công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử và kiểm sát giam giữ cải tạo. Viện KSND hai cấp phối hợp với ngành Tòa án tổ chức xét xử hàng trăm vụ án theo tinh thần cải cách tư pháp để rút kinh nghiệm. Do vậy, chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa được cải thiện rõ rệt. Kiểm sát viên thực hành quyền công tố tại phiên tòa chủ động tham gia xét hỏi và thẩm tra tài liệu, chứng cứ để buộc tội và bảo vệ cáo trạng, tham gia tranh luận với người tham gia tố tụng, góp phần nâng cao chất lượng xét xử, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của những người tham gia tố tụng. Hoạt động của kiểm sát viên tại phiên tòa thực sự đóng vai trò quan trọng, góp phần làm sáng tỏ nội dung vụ án để tòa án xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra trường hợp oan sai. Các vụ án truy tố, xét xử đảm bảo đúng pháp luật, không có vụ án làm oan sai hoặc VKS truy tố mà tòa tuyên không phạm tội. Đối với những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, Viện KSND đã phối hợp với các cơ quan điều tra ngay từ đầu, tránh được những sai sót khi khởi tố vụ án, bị can và phê chuẩn bắt giữ tạm giam bị can. VKS còn theo dõi chặt chẽ những đối tượng có bản án phải thi hành án phạt tù; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các cơ quan thi hành án để đảm bảo bản án có hiệu lực.

Trong quá trình thực thi nhiệm vụ, cơ quan điều tra Công an 2 cấp trong tỉnh luôn thực hiện tốt các quy định của Bộ luật TTHS và các văn bản hướng dẫn thi hành. Việc nắm và xử lý tin báo tố giác tội phạm cũng như việc khởi tố điều tra và xử lý tội phạm, công tác thi hành án hình sự, công tác chuẩn bị để thực hiện việc tăng thẩm quyền cho cơ quan điều tra cấp huyện nói riêng và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung đã được Công an tỉnh thường xuyên chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, đúng pháp luật. Qua việc thực hiện các quy định của Bộ luật TTHS đã giúp hoạt động điều tra được tổ chức theo hướng tập trung thống nhất, gắn với từng loại tội phạm cụ thể; tạo cơ chế huy động được đầy đủ và nhanh nhất lực lượng, phương tiện khi có yêu cầu điều tra vụ án, đồng thời rút ngắn thời hạn điều tra, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa hoạt động trinh sát và hoạt động điều tra. Nhờ đó chất lượng, hiệu quả hoạt động điều tra hình sự đã được nâng cao, khắc phục được tình trạng gói gọn hồ sơ, không mở rộng án. Công tác bắt giam giữ, khởi tố vụ án, khởi tố bị can được xem xét thận trọng, khắc phục được tình trạng bắt khẩn cấp biến tướng (lấy bắt thay cho công tác điều tra) hoặc tình trạng hình sự hoá các quan hệ dân sự, quan hệ kinh tế. Cơ quan điều tra chuyên trách đã nhận được nhiều sự hỗ trợ từ phía cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra. Mối quan hệ phối hợp giữa cơ quan điều tra với VKS, TAND được tăng cường, tranh thủ được sự chỉ đạo theo ngành dọc từ Trung ương đến địa phương. Đội ngũ cán bộ điều tra được củng cố, kiện toàn, giữ vững bản chất chính trị, phẩm chất đạo đức; trình độ, nghiệp vụ không ngừng được hoàn thiện, đảm đương được các nhiệm vụ điều tra xử lý tội phạm theo quy định của pháp luật nên số lượng án khởi tố điều tra và khởi tố bị can năm sau cao hơn năm trước. Những khó khăn, vướng mắc đã kịp thời được hướng dẫn tháo gỡ; điều tra viên được tham gia ngay từ giai đoạn đầu để thu thập tài liệu vụ án do đó chất lượng điều tra các vụ án được nâng lên rõ rệt; án điều tra bổ sung, điều tra lại giảm hẳn, không có vụ án nào khi xét xử bị tuyên là vô tội, phải bồi thường oan sai. Từ năm 2004 đến nay, cơ quan An ninh điều tra và Cảnh sát điều tra đã thụ lý 8.317 vụ án, với 10.535 bị can. Trong công tác khởi tố, điều tra, đề nghị truy tố, đình chỉ điều tra của cả cơ quan An ninh điều tra và Cảnh sát điều tra đều không có trường hợp oan, sai.

Kiểm sát viên Viện KSND tỉnh thực hành quyền công tố tại một phiên tòa.
Kiểm sát viên Viện KSND tỉnh thực hành quyền công tố tại một phiên tòa.

Việc thực hiện Bộ luật TTHS cũng đã phát huy hiệu quả trong toàn bộ quá trình tố tụng và hoạt động xét xử của ngành Tòa án. Các quy phạm về pháp luật tố tụng là cơ sở pháp lý cơ bản để công tác xét xử án hình sự được thực hiện đồng bộ, thống nhất trong toàn ngành trên tinh thần thượng tôn pháp luật, đúng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực hình sự; là một trong các yếu tố đảm bảo cho việc nâng cao chất lượng xét xử của ngành Tòa án. TAND tỉnh đã tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Công an, VKS đưa ra xét xử kịp thời các vụ án hình sự, án trọng điểm; xử phạt nghiêm minh các hình vi tham nhũng, xâm phạm nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm của công dân, các tội phạm về ma tuý và các TNXH, các tội phạm kinh tế, trật tự công cộng và các quy định về an toàn giao thông; xét xử lưu động các vụ án điểm nhằm tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, răn đe trấn áp và phòng ngừa tội phạm. Trung bình mỗi năm, ngành TAND tỉnh giải quyết gần 3.000 vụ án các loại, trong đó gần 1.000 vụ án hình sự theo thủ tục sơ thẩm, trên 100 vụ án theo trình tự phúc thẩm, chiếm 43% tổng số các loại án đã được giải quyết. Các vụ hình sự đã được giải quyết đều bảo đảm đường lối, đúng pháp luật; số vụ án bị hủy hoặc cải sửa đều nằm trong tỷ lệ quy định; không có vụ án xử oan người không có tội. Kể từ khi Bộ luật TTHS có hiệu lực, TAND 2 cấp của tỉnh đã thực hiện nhiều biện pháp để triển khai thi hành Bộ luật TTHS, trong đó công tác tập huấn để tăng cường nhận thức về các quy định của pháp luật tố tụng, nâng cao trình độ nghiệp vụ giải quyết các vụ án hình sự cho cán bộ tòa án được chú trọng. Các đơn vị tòa án trong tỉnh thường xuyên cử cán bộ đi dự các lớp tập huấn do TAND tối cao tổ chức, phối hợp với Trường cán bộ Tòa án, mời giảng viên mở các lớp tập huấn tại địa phương cho đội ngũ thẩm phán, thư ký, Hội thẩm nhân dân của TAND 2 cấp; chủ trì và phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức nhiều cuộc hội thảo khoa học về pháp luật TTHS... Hoạt động xét xử án hình sự trong toàn ngành được quán triệt, thực hiện nghiêm túc theo phương châm chú trọng nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa trên tinh thần Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị và yêu cầu của TAND tối cao. Hình phạt của tòa án áp dụng đối với các bị cáo đúng pháp luật, được dư luận đồng tình ủng hộ, phục vụ kịp thời tình hình chính trị địa phương. Thực hiện Bộ luật TTHS, việc xét hỏi và tranh luận tại phiên tòa tuân thủ theo đúng trình tự, thủ tục do pháp luật quy định. Ngoài ra, thông qua công tác xét xử lưu động, tòa án đã phối hợp với Báo Nam Định, Đài PT-TH tỉnh… làm tốt công tác tuyên truyền pháp luật trong cán bộ và nhân dân.

Sau 8 năm thi hành, mặc dù vẫn còn những hạn chế, bất cập phát sinh trong thực tiễn của quá trình điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án nhưng Bộ luật TTHS năm 2003 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng để các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng thống nhất, nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh./.

Bài và ảnh: Trần Văn Trọng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com