Mô hình trường học mới ở Trường Tiểu học A Yên Đồng

07:01, 17/01/2013

Tiết học môn Tự nhiên và Xã hội của lớp 3A Trường Tiểu học A Yên Đồng (Ý Yên) theo mô hình trường học mới Việt Nam là học sinh được chia theo nhóm để tự học, tự trao đổi, tự tìm ra lời giải đáp dưới sự điều hành của nhóm trưởng và được giáo viên cho biết ngay kết quả đúng, sai nên giúp các em nhớ lâu kiến thức đã học. Lớp học được bố trí tạo sự thân thiện, gần gũi với các em. Trong quá trình học tập, giáo viên bố trí thời gian hợp lý để hướng dẫn học sinh hoàn thành nội dung môn học tại lớp, không giao bài tập về nhà cho học sinh. Cô Hoa, giáo viên chủ nhiệm lớp 3A cho biết: "Mỗi tiết học theo mô hình mới, học sinh phải làm việc nhiều, song diễn ra nhẹ nhàng, không căng thẳng. Phương pháp học tập mới giúp học sinh chủ động, tự tin, sáng tạo và mạnh dạn trong việc tiếp thu kiến thức cũng như chủ động tổ chức, điều khiển các hoạt động tập thể và hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp”.

Tiết học theo mô hình trường học mới tại Trường Tiểu học A Yên Đồng.
Tiết học theo mô hình trường học mới tại Trường Tiểu học A Yên Đồng.

Thầy giáo Hoàng Văn Thủy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học A Yên Đồng cho biết: Nhà trường đang thử nghiệm dạy học theo mô hình mới cho khối lớp 2 và khối lớp 3, mỗi khối 3 lớp. Trong 2 tháng đầu, cả giáo viên và học sinh đều rất vất vả để thực hiện phương pháp học tập mới do khả năng tiếng Việt của học sinh còn hạn chế trong khi yêu cầu của chương trình học là học sinh phải tự học, tự nghiên cứu, giáo viên chỉ đóng vai trò hướng dẫn, giúp đỡ học sinh. Bên cạnh đó, trong mỗi tiết học, giáo viên phải chuẩn bị nhiều đồ dùng, thiết bị dạy học và phải nghiên cứu kỹ bài giảng. Tuy nhiên, đến nay các lớp thử nghiệm dạy học theo mô hình mới đã đi vào nề nếp, giúp các em phát huy khả năng tự học và rèn luyện cho các em kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp...

Trường Tiểu học A Yên Đồng là 1 trong 1.447 trường tiểu học thuộc 63 tỉnh, thành phố trong cả nước triển khai thí điểm mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN) do Bộ GD và ĐT phát động với tinh thần tự nguyện, ưu tiên những vùng khó khăn. Trường có số lớp vừa phải (13 lớp), số học sinh mỗi lớp hợp lý (22-24 học sinh/lớp), là điều kiện thuận lợi cho việc triển khai mô hình trường học mới. Mô hình VNEN triển khai tại Trường Tiểu học A Yên Đồng từ tháng 8-2012 đến tháng 6-2015. Trước khi triển khai, nhà trường đã cử cán bộ quản lý và giáo viên tham gia lớp tập huấn về mô hình trường học mới. Các môn học được triển khai trong đợt tập huấn là: Tiếng Việt, Toán, Tự nhiên và Xã hội, Mỹ thuật, Thể dục, Hát nhạc, Thủ công, Đạo đức ở khối lớp 2 và lớp 3. Mỗi môn, mỗi bài học được xây dựng đáp ứng các yêu cầu: nội dung cơ bản (tự trải nghiệm, khám phá để hình thành kiến thức mới), phần thực hành (áp dụng kiến thức đã học vào bài tập) và phần ứng dụng (vận dụng kiến thức vào cuộc sống). Phương pháp tự học, tự đánh giá, tự quản lý thời gian... Qua tập huấn, giáo viên nắm vững 5 bước giảng dạy: Tạo hứng thú cho học sinh, tổ chức cho học sinh trải nghiệm, phân tích - khám phá - rút ra kiến thức, thực hành - củng cố bài học, ứng dụng. Phương pháp giảng dạy mới cũng đòi hỏi có sự tham gia tích cực của gia đình trong việc phối hợp giảng dạy cho học sinh. Bộ tài liệu hướng dẫn học tập các môn Tiếng Việt, Toán, Tự nhiên và Xã hội cho học sinh lớp 2, lớp 3 được xây dựng trên cơ sở giữ nguyên chương trình, nội dung sách giáo khoa hiện hành, chỉ thay đổi cách tổ chức lớp học và phương pháp dạy học là dạy cho học sinh tự học. Việc thí điểm phương pháp dạy học theo mô hình mới cho thấy tính ưu việt so với phương pháp dạy truyền thống, tuy nhiên, để việc thí điểm mô hình VNEN đạt hiệu quả, các trường cần chỉ đạo tốt công tác bồi dưỡng giáo viên theo hướng tự học, tự bồi dưỡng, tự làm đồ dùng dạy học, chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm đồng nghiệp qua sinh hoạt chuyên môn tại tổ, tại trường. Giáo viên hướng dẫn học sinh sử dụng tài liệu tự học, tự đánh giá và tổ chức cho học sinh các hoạt động khám phá, phát hiện kiến thức, kỹ năng mới thông qua quá trình học tập mang tính hợp tác, giáo viên chỉ hỗ trợ và hướng dẫn học sinh khi cần thiết. Bên cạnh đó, cần tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường với phụ huynh nhằm phát huy vai trò của phụ huynh trong hoạt động giáo dục học sinh với các hình thức phù hợp. Nhà trường cần trang bị thêm cho trường một số trang thiết bị tối thiểu để phục vụ yêu cầu theo mô hình mới./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com