Gần 60.000 lao động nông thôn được đào tạo nghề

08:01, 01/01/2013

Là một trong 11 địa phương được lựa chọn thí điểm triển khai Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, với những kết quả xuất sắc đã đạt được sau gần 3 năm triển khai, Nam Định xứng đáng là “điểm sáng” trong công tác đào tạo nghề của cả nước.

Theo số liệu thống kê của Sở LĐ-TB và XH tỉnh, chỉ tính riêng 8 tháng đầu năm 2012, tỉnh ta đã đào tạo nghề cho 4.550 lao động khu vực nông thôn, đạt 85% kế hoạch năm, trong đó, nghề phi nông nghiệp chiếm đa số với 3.500 học viên và nghề nông nghiệp là 1.050 học viên. Cùng với đó, Nam Định cũng tổ chức đào tạo nghiệp vụ cho 1.000 cán bộ cấp xã. Như vậy, tính từ thời điểm bắt đầu (2010) triển khai đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 (Đề án 1956) tới nay, tỉnh ta đã đào tạo nghề cho gần 60.000 lao động nông thôn ở cả 3 cấp trình độ, trong đó có khoảng 24.000 lao động được học nghề miễn phí.

Không chỉ gây ấn tượng bằng số lượng, chất lượng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn của tỉnh cũng là một “đỉnh cao” không dễ vượt khi kết quả kiểm tra cho thấy các cơ sở dạy nghề cơ bản đúng đối tượng, số lượng. Đặc biệt số lao động tìm được việc làm sau đào tạo đạt trên 85% với mức thu nhập bình quân từ 1,5-1,8 triệu đồng/người/tháng…

Lớp dạy nghề dát đồng mỹ nghệ cho lao động nữ ở xã Yên Phong (Ý Yên) theo Đề án 1956 do Trường Trung cấp nghề Thủ công mỹ nghệ truyền thống Nam Định tổ chức.  Ảnh: Vân Anh
Lớp dạy nghề dát đồng mỹ nghệ cho lao động nữ ở xã Yên Phong (Ý Yên) theo Đề án 1956 do Trường Trung cấp nghề Thủ công mỹ nghệ truyền thống Nam Định tổ chức. Ảnh: Vân Anh

Sở dĩ công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn của tỉnh đạt kết quả cao là do tỉnh đã lựa chọn và huy động những cơ sở đáp ứng đầy đủ những tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, cơ sở thực hành… tham gia vào công tác đào tạo. Tỉnh cũng rất chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết bị dạy nghề… cho những cơ sở dạy nghề thuộc tỉnh quản lý nhằm tăng năng lực đào tạo, qua đó nâng cao chất lượng dạy nghề và coi đây là những hạt nhân trong công tác đào tạo.

Bên cạnh đó, việc đào tạo đặc biệt là đào tạo ngắn hạn được triển khai trên cơ sở khảo sát nhu cầu học nghề, nhu cầu lao động của các DN, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh nhằm đảm bảo đầu ra cho người học nghề. Hơn nữa, với việc áp dụng triệt để mô hình liên kết cơ sở dạy nghề - DN - người lao động, công tác đào tạo nghề của Nam Định không chỉ đạt hiệu quả cao trong việc giải quyết việc làm cho người lao động sau học nghề mà còn đào tạo được đội ngũ lao động có trình độ thực hành cao và đáp ứng được yêu cầu của DN.

Công tác đào tạo nghề đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập qua đó góp phần đem lại cuộc sống ấm no cho người lao động khu vực nông thôn. Thông qua các lớp đào tạo, nhiều nghề, làng nghề truyền thống của tỉnh như: Mây tre đan, mộc mỹ nghệ, đúc đồng… đã phát triển và được nhân rộng. Ngoài ra, công tác đào tạo nghề còn giữ vai trò then chốt trong quá trình xây dựng nông thôn mới khi đáp ứng các tiêu chí về: Cơ cấu lao động, thu nhập, hộ nghèo...

Mục tiêu Đề án 1956 của tỉnh là đào tạo nghề cho 271.000 lao động ở cả 3 cấp trình độ, trong đó giai đoạn 2011-2015 sẽ đào tạo nghề cho 120.000 lao động khu vực nông thôn và lao động nữ trong tỉnh, bình quân mỗi năm đào tạo khoảng 24.000 lao động. Số lao động được hỗ trợ chi phí học nghề gồm trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng là 13.000 người/năm. Để thực hiện được mục tiêu này, trong thời gian tới tỉnh ta sẽ đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, tạo chuyển biến trong nhận thức của các tầng lớp xã hội, đặc biệt là người lao động khu vực nông thôn về công tác dạy nghề. Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên nhằm nâng cao năng lực đào tạo và nâng cao chất lượng dạy nghề. Triệt để tận dụng mô hình cơ sở dạy nghề - DN - người lao động nhằm đảm bảo đầu ra cho lao động học nghề. Tích cực triển khai hình thức đào tạo theo đặt hàng của DN nhằm tìm cách thu hẹp khoảng cách giữa đào tạo nghề với DN./.

Theo: Báo Kinh tế Việt Nam
 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com