Năm 2012, công tác bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến mạnh mẽ. So với năm 2011, TNGT năm 2012 giảm cả ba tiêu chí: số vụ (giảm 20,6%), số người chết (giảm 6,9%) và số người bị thương (giảm 25%); trong đó đặc biệt giảm mạnh trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Đạt được kết quả trên, năm 2012, công tác tuyên truyền về ATGT đã được Ban ATGT tỉnh đặc biệt quan tâm chỉ đạo, triển khai với nhiều biện pháp hữu hiệu. Các ngành thành viên Ban ATGT tỉnh đã trực tiếp xuống các địa phương kiểm tra, nắm bắt tình hình bảo đảm ATGT, cập nhật các điểm hạn chế vướng mắc để chỉ đạo cụ thể biện pháp tháo gỡ. Ban ATGT tỉnh tăng cường thực hiện công tác tuyên truyền thông qua các hoạt động: Phối hợp với Ban chỉ đạo Dự án Tăng cường ATGT trên các quốc lộ phía Bắc Việt Nam tập huấn bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ cán bộ, lãnh đạo các địa phương; phát động chương trình “Tuần An toàn giao thông”; sử dụng xe lưu động tuyên truyền pháp luật về trật tự ATGT từ 8 đến 10 buổi mỗi tháng theo Hợp phần giáo dục thuộc dự án Tăng cường ATGT trên các quốc lộ phía Bắc Việt Nam tại các điểm đen về TNGT và tại các khu vực đông dân cư có tuyến quốc lộ đi qua. Trong chuỗi hoạt động hưởng ứng “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân vì TNGT” Ban ATGT tỉnh và các huyện, thành phố đã tạo cho người dân nâng cao nhận thức trách nhiệm, tích cực tham gia tuyên truyền, kêu gọi cộng đồng cùng chủ động thực hiện tốt các quy định của pháp luật về ATGT.
Ban ATGT tỉnh tuyên truyền lưu động pháp luật về trật tự ATGT tại địa phận huyện Ý Yên. |
Được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể từ tỉnh xuống cơ sở như: Hội CCB, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên chung sức vào cuộc, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia giữ gìn trật tự ATGT. Nhiều địa phương đã tạo lập được các phong trào, các mô hình bảo đảm ATGT hiệu quả. Tiêu biểu như mô hình điểm "Bến phà văn hóa an toàn" tại bến phà Sa Cao của huyện Xuân Trường; mô hình “Tổ an ninh giao thông” của huyện Trực Ninh; mô hình đoàn viên thanh niên cảnh báo giao thông tại các điểm đen giao thông đường sắt huyện Ý Yên. Ngành GD và ĐT đã chủ động đưa chương trình giáo dục về ATGT vào tất cả các khối học với nhiều chương trình mới lạ, sáng tạo, có sức thu hút sự vào cuộc, tiếp cận thông tin của học sinh như: Cuộc vận động “HSSV gương mẫu thực hiện và vận động gia đình chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ”; xây dựng các mô hình “Cổng trường ATGT”, cuộc thi “Giao thông thông minh” trên internet, hoạt động ngoại khoá tìm hiểu kiến thức pháp luật về trật tự ATGT... Hiệu quả của việc đẩy mạnh tuyên truyền đã tạo sự quan tâm của toàn xã hội, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác bảo đảm trật tự ATGT. Công tác quản lý, đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe được thực hiện ngày càng chặt chẽ theo hướng tăng cường trách nhiệm, không chỉ coi trọng việc đào tạo về chuyên môn kỹ thuật, kỹ năng cho học viên mà còn quan tâm giáo dục về văn hóa ứng xử, đạo đức nghề nghiệp và ý thức chấp hành pháp luật giao thông. Công tác đầu tư cho phát triển, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông cũng được tăng cường. Trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, những năm qua, hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ với các dự án thuộc các tuyến giao thông huyết mạch vẫn được Trung ương và tỉnh quan tâm đầu tư như: Tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, quốc lộ 10, tuyến đường Lê Đức Thọ tránh Thành phố Nam Định nối quốc lộ 10 - quốc lộ 21 có cầu vượt đường sắt và sông Đào, đường tỉnh lộ 486B nối Thị trấn Gôi với quốc lộ 21, quốc lộ 21.1 và 21.2 đoạn Nam Định - Thịnh Long… đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Một số dự án khác đang khẩn trương thi công, sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng như: tuyến đường bộ mới Mỹ Lộc - Phủ Lý, tỉnh lộ 486B đoạn từ Thị trấn Liễu Đề đến cầu Hà Lạn. Hiện tại, dự án đường Đông Nam nối quốc lộ 10 - quốc lộ 21 có cầu Tân Phong qua sông Đào đã xong bước chuẩn bị đầu tư, chờ vốn để khởi công; dự án cầu Thịnh Long thuộc tuyến đường bộ ven biển đã được Chính phủ và Bộ GTVT cho phép đầu tư hiện đang triển khai bước chuẩn bị đầu tư. Phong trào làm đường GTNT những năm qua vẫn được duy trì và phát triển. Bằng nguồn vốn từ ngân sách địa phương, vốn của nhân dân đóng góp, nguồn vốn của các chương trình WB2, WB3, đã làm mới, cải tạo, nâng cấp dần hệ thống đường GTNT trong tỉnh. Bên cạnh đó, công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự ATGT đã được đẩy mạnh. Công an các huyện, thành phố đều tăng cường phối hợp lực lượng, thành lập tổ công tác đặc biệt, tổ chức tuần tra liên tục 24/24 giờ trên tuyến được phân công phụ trách để xử lý vi phạm. Trong đó, đã tập trung xử lý các hành vi vi phạm theo chuyên đề đối với ô tô chở khách, xe tải và xe mô tô vi phạm; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT, vi phạm về tốc độ, chở quá tải, quá số người quy định, đi không đúng làn đường, người ngồi trên xe máy không đội mũ bảo hiểm, học sinh, sinh viên chưa đủ tuổi hoặc không có giấy phép lái xe điều khiển mô tô, xe máy, lái xe vi phạm về nồng độ cồn khi tham gia giao thông… Nhờ sự tham gia tích cực của các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội nên đến nay đã bước đầu thiết lập được trật tự, kỷ cương trong công tác bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn toàn tỉnh. Ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông tại các huyện, thành phố đã được nâng cao.
Phát huy những kết quả đã đạt được, Ban ATGT tỉnh tiếp tục bám sát chương trình, mục tiêu bảo đảm ATGT của các bộ, ngành Trung ương để chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, các tổ chức, đoàn thể và nhân dân trong tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả chủ đề Năm ATGT 2013: “Nâng cao tinh thần trách nhiệm của người thực thi công vụ và ý thức tự giác của người tham gia giao thông”./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy