Đổi mới hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp ở bậc tiểu học

07:12, 22/12/2012

Trên địa bàn tỉnh hiện có 290 trường tiểu học, 100% các trường tiểu học đều tổ chức học 2 buổi/ngày. Ngoài các hoạt động học tập, các em được tăng cường các hoạt động ngoại khóa để giảm bớt áp lực học tập căng thẳng trên lớp và kích thích khả năng sáng tạo, niềm say mê học tập. 5 năm trở lại đây, Bộ GD và ĐT phát động phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực", phong trào đã thúc đẩy việc đầu tư cho hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp (HĐGDNGLL) nhiều hơn. Tuy nhiên so với yêu cầu thực tế, nội dung của HĐGDNGLL trong các trường tiểu học hiện nay chưa thực sự đáp ứng yêu cầu thực tế, hình thức tổ chức đơn điệu, chưa lôi cuốn học sinh. Bên cạnh đó, nhiều trường chưa chú ý đầu tư thời gian cho HĐGDNGLL, do các hoạt động đó mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến việc dạy và học trên lớp, một số trường còn cho rằng đây là hoạt động vui chơi nên không chú trọng tổ chức thực hiện. Ở một số trường tiểu học, giáo viên dành thời gian của HĐGDNGLL để ôn kiến thức, kỹ năng cho các em, gây sự mệt mỏi, nhàm chán. Do đó, HĐGDNGLL ở bậc tiểu học vẫn chưa phát huy hết ý nghĩa đối với việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

"Đêm hội trăng rằm" - một hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp thu hút sự quan tâm tham gia của đông đảo phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Phạm Hồng Thái (TP Nam Định). Ảnh: Do cơ sở cung cấp

Trước thực tế trên, cuối năm 2011, Sở GD và ĐT đã có văn bản hướng dẫn tổ chức các HĐGDNGLL cấp tiểu học tới phòng GD và ĐT các huyện, thành phố trong tỉnh; yêu cầu các nhà trường lập kế hoạch HĐGDNGLL; khuyến khích học sinh tự nguyện tham gia hoạt động do nhà trường phát động. Từ khi triển khai đến nay, HĐGDNGLL bước đầu đã có hiệu quả. Nhiều nhà trường đã sáng tạo ra các hình thức tổ chức HĐGDNGLL hấp dẫn, phù hợp với điều kiện của nhà trường và học sinh. Nội dung HĐGDNGLL tập trung vào các hoạt động văn hóa nghệ thuật, vui chơi giải trí, thể dục thể thao, đặc biệt là các trò chơi dân gian nhằm góp phần tăng cường sức khỏe, rèn luyện khả năng tập trung, phản xạ nhanh, tinh thần đoàn kết, sự khéo léo, nhanh nhẹn cho các em; các hoạt động xã hội như tham gia công tác từ thiện, quỹ nhi đồng, đóng góp ủng hộ nạn nhân chất độc da cam, làm vệ sinh môi trường, tham quan các làng quê, các di tích lịch sử văn hóa, qua đó giúp các em nâng cao hiểu biết về đời sống xã hội, giáo dục tinh thần trách nhiệm với cộng đồng. Ngoài ra, nội dung của HĐGDNGLL còn là hoạt động lao động công ích (trực nhật, vệ sinh lớp học, sân trường, làm đẹp trường lớp...) giúp các em có ý thức lao động, hoặc hoạt động tiếp cận khoa học như sưu tầm những bài toán vui, tham gia các cuộc thi tìm hiểu khoa học, tìm hiểu các danh nhân, các nhà khoa học..., giúp các em có sự say mê tìm tòi, có tác dụng kích thích các em học tập tốt hơn... Hình thức chủ yếu của HĐGDNGLL qua các tiết chào cờ, qua giờ sinh hoạt lớp, qua các hoạt động tự chọn, qua hình thức sinh hoạt theo chủ điểm… Thực hiện đổi mới giáo dục ở bậc tiểu học, thời gian tới, Bộ GD và ĐT có chủ trương giảm dần việc học trong lớp theo kiểu truyền thống, thay vào đó, sẽ tăng cường các hoạt động học ngoài lớp với nội dung và hình thức phong phú tại sân trường, thư viện hoặc các phòng chức năng trong trường... để tạo cho các tiết học sinh động hơn, gắn liền với thực tế, có liên hệ với thực tế và tăng cường kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử trong cuộc sống cho các em. Ngoài ra, khuyến khích phụ huynh học sinh tham gia vào các hoạt động ngoài giờ cùng với con cái nhằm tạo ra mối quan hệ khăng khít giữa phụ huynh với nhà trường, giữa phụ huynh với phụ huynh và phụ huynh với con cái. Hiện tại, nhiều trường đã sáng tạo ra các hình thức tổ chức hoạt động ngoài giờ hấp dẫn, phù hợp tâm lý của trẻ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và đẩy mạnh phong trào xây dựng trường học thân thiện - học sinh tích cực, tiêu biểu như các trường tiểu học: Phạm Hồng Thái, Trần Quốc Toản, Hồ Tùng Mậu (TP Nam Định)... Trong dịp Tết Trung thu 2012, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản tổ chức "Đêm hội trăng rằm" có sự tham gia tích cực của phụ huynh học sinh cùng tham gia hoạt động thi trại giữa các lớp. Các trại được sắp xếp, trang trí theo hình thức dân gian. Cùng với thi cắm trại là các hoạt động thi vẽ tranh, biểu diễn văn nghệ, quyên góp ủng hộ Hoàng Sa... Mới đây Trường Tiểu học Hồ Tùng Mậu tổ chức cuộc thi giáo viên tài năng duyên dáng và hội chợ bán đồ trang trí do học sinh tự làm để ủng hộ học sinh nghèo. Cuộc thi tạo cơ hội cho giáo viên bộc lộ khả năng, hoàn thiện phong cách ứng xử, giúp các em học sinh biết quan tâm chia sẻ với cộng đồng. Trường Tiểu học Trần Quốc Toản cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ, các trò chơi dân gian và thi vẽ tranh cho học sinh theo chủ điểm.  

Để làm tốt HĐGDNGLL, cần phải có cơ sở vật chất cho hoạt động như hệ thống âm thanh, ánh sáng, loa đài, phòng đa năng… Đây là những khó khăn của các trường tiểu học. Bên cạnh đó, cần có cơ chế chính sách cho cán bộ phụ trách HĐGDNGLL tạo được sự đồng thuận của xã hội và lôi cuốn học sinh tham gia. Mỗi cán bộ quản lý, giáo viên các trường cần nhận thức HĐGDNGLL không đóng khung cố định mà là những nội dung sinh hoạt theo hướng mở đa dạng về nội dung, phong phú về hình thức và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương để có thể khắc phục khó khăn và tổ chức hoạt động một cách hiệu quả./.

Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com