Đào tạo nghề cho nông dân ở Trung tâm Dạy nghề Nghĩa Hưng

08:12, 31/12/2012

Những năm qua, Trung tâm Dạy nghề công lập huyện Nghĩa Hưng đã phối hợp với các xã, thị trấn mở các lớp tập huấn, kết hợp đào tạo lý thuyết với thực hành sản xuất nấm ngay tại gia đình học viên. Theo tính toán, với 1 tấn rơm nguyên liệu, trong thời gian từ 35-40 ngày, trừ vốn và chi phí, người nông dân có thể thu lãi tới 5 triệu đồng nếu tuân thủ các quy trình kỹ thuật do Trung tâm hướng dẫn. Trung tâm hiện đã có cơ sở vật chất khá đồng bộ với các lớp học, trang thiết bị dạy học, phân xưởng thực hành, hệ thống nhà lạnh để bảo quản, nuôi trồng một số loại nấm cao cấp theo quy trình công nghệ hiện đại. Đặc biệt, Trung tâm đã nghiên cứu chế tạo thành công máy cắt rơm rạ phục vụ việc sản xuất nấm. Trung tâm cũng đã có nhiều cải tiến trong quy trình sản xuất nấm như thay thế 5 nồi hấp BK sử dụng điện bằng việc sử dụng lò hơi dùng than củi để tận dụng tối đa nguồn hơi nóng để hấp bịch giống, góp phần giảm giá thành từ 15-20%.

Cán bộ Trung tâm dạy nghề công lập huyện Nghĩa Hưng kiểm tra sự phát triển của nấm sò.
Cán bộ Trung tâm dạy nghề công lập huyện Nghĩa Hưng kiểm tra sự phát triển của nấm sò.

Bên cạnh nghề trồng nấm, Trung tâm còn đào tạo nhiều ngành nghề mới, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng ngàn lao động nông thôn thời điểm nông nhàn. Năm 2012, Trung tâm đã mở 8 lớp đào tạo nghề cho 275 học viên; phối hợp với các phòng chức năng của Sở LĐ-TB và XH mở 1 lớp học nghề móc sợi cho 35 học viên là đối tượng người nghèo; 1 lớp đan cói, bẹ chuối, bèo tây cho 35 học viên; 4 lớp may cho 140 học viên; phối hợp với các phòng chức năng của Sở NN và PTNT mở 1 lớp trồng cây cảnh cho 30 học viên, 1 lớp trồng nấm cho 35 học viên. Sau khi hoàn thành các khoá học, có 70-75% học viên có việc làm ngay; trong đó có 90-95% người có việc làm đúng nghề đào tạo. Có được kết quả này là do Trung tâm đã phối hợp với các doanh nghiệp nhận bao tiêu sản phẩm giúp người lao động có việc làm sau khi học nghề. Đối với các nghề đan cói, bẹ chuối, bèo tây, Trung tâm phối hợp với các doanh nghiệp ở Kim Sơn (Ninh Bình) và doanh nghiệp Ánh Túy ở xã Nghĩa Lợi nhận bao tiêu sản phẩm cho người dân. Đối với nghề móc sợi, mỗi xã đều có từ 1-2 hộ đứng ra thu gom, bao tiêu sản phẩm cho bà con. Riêng đối với nghề may, người học nghề xong có thể làm ngay tại xưởng sản xuất của Trung tâm hoặc được giới thiệu cho các Cty may tại CCN Nghĩa Sơn. Năm 2012, Trung tâm đã bố trí thiết bị và cán bộ xuống tận các xã để đào tạo nghề may, tạo thuận lợi cho nông dân được học nghề tại cơ sở. Qua lớp học nghề trồng nấm, hiện tại đã có 5 nhóm hộ của xã Nghĩa Lạc đã đi vào sản xuất. Mới đây Trung tâm cùng Phòng NN và PTNT huyện đã ký biên bản với Viện Cây lương thực và thực phẩm tại tỉnh Hải Dương để hợp tác toàn diện, lâu dài. Giai đoạn 2012-2014, Viện sẽ chuyển giao cho Trung tâm tiến bộ kỹ thuật về giống lương thực, thực phẩm và công nghệ tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế của từng đối tượng cây trồng. Năm 2012, Trung tâm đã thực hiện dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ sản xuất hạt giống đậu tương và đậu tương vụ đông trên đất 2 lúa tại huyện Nghĩa Hưng”. Giống đậu tương Đ8 được trồng trên 100ha đất 2 lúa tại 3 xã Nghĩa Minh, Nghĩa Sơn, Nghĩa Phong, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 8 nhưng đang chuẩn bị cho thu hoạch với năng suất dự kiến 40kg/sào.

Bằng hoạt động đào tạo, dạy nghề, Trung tâm Dạy nghề công lập huyện Nghĩa Hưng đã và đang đóng góp tích cực vào việc tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn, phục vụ đắc lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.

Bài và ảnh: Lam Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com