Xung quanh việc thực hiện Nghị định 71 và “xe chính chủ”

07:12, 11/12/2012

Nghị định 71/2012/NĐ-CP sửa đổi NĐ 34/2010/NĐ-CP “Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ” chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 10-11-2012. Nghị định có một số nội dung mới: Nâng mức phạt đối với xe ô tô chở quá số người quy định; Tăng mức phạt đối với người điều khiển xe khi nồng độ cồn vượt quá quy định, bị tước bằng lái xe không thời hạn nếu gây tai nạn nghiêm trọng; Phạt nặng đối với các lỗi chạy xe quá tốc độ; Tăng nặng đối với hành vi "Không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định" (không sang tên đổi chủ): Phạt từ 6-10 triệu đồng với ôtô và 800 nghìn - 1,2 triệu đồng với xe máy… Đây là giải pháp cấp bách thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 24-8-2012 của Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự ATGT và thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT.

Người dân đến tìm hiểu, làm thủ tục sang tên đổi chủ tại một điểm đăng ký xe (ảnh minh họa).
Người dân đến tìm hiểu, làm thủ tục sang tên đổi chủ tại một điểm đăng ký xe (ảnh minh họa).

Từ trước khi nghị định có hiệu lực cho đến tận thời điểm hiện nay, thời điểm này, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều ý kiến khúc mắc từ phía người dân như: Nghị định yêu cầu mỗi người dân chỉ được điều khiển một phương tiện đứng tên mình; phạt tiền người điều khiển xe không chính chủ; cảnh sát giao thông sẽ được tăng thu nhập khi mức phạt tăng… Tuy nhiên, theo đồng chí Trịnh Cường Phong, Phó Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (Công an tỉnh) khẳng định: không phải đến Nghị định 71 mới đề cập đến việc phạt xe không chính chủ mà vấn đề này đã được đề cập từ năm 1995 trong các văn bản quy định pháp luật. Theo quy định hiện nay, Nghị định 71 không xử phạt với người điều khiển xe không chính chủ, mà chỉ phạt hành vi "không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định"; vì vậy nghị định không yêu cầu mỗi người dân chỉ được điều khiển một phương tiện đứng tên mình. Khi người điều khiển xe vi phạm Luật Giao thông (vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ…) CSGT lập biên bản mời về trụ sở giải quyết thì CSGT có quyền đề cập đến vấn đề xe chính chủ hay không chính chủ và sẽ xử phạt nếu xe chưa sang tên đổi chủ quá hạn 30 ngày theo quy định. Trường hợp khác, khi chủ xe mang hồ sơ nộp cho CSGT để sang tên chính chủ mà quá hạn 30 ngày thì sẽ bị xử phạt. Việc tăng mức phạt tiền không phải nhằm mục đích tăng thu nhập cho CSGT vì theo Thông tư 89 của Bộ Tài chính thì tiền phạt vi phạm trật tự ATGT tại các địa phương Công an tỉnh, thành phố được sử dụng 70% và bồi dưỡng cho các đồng chí trực tiếp làm nhiệm vụ với mức thấp nhất là 700 nghìn đồng, cao nhất là 1,5 triệu đồng. Số còn lại được sử dụng để mua phương tiện, xăng dầu, thiết bị khác để phục vụ trở lại cho công tác đảm bảo ATGT. Để việc thực hiện nghị định đạt kết quả cao và không tồn tại những hành vi sai lệch từ phía lực lượng cảnh sát, ngành Công an đã chỉ đạo cán bộ, chiến sỹ công an khi thi hành công vụ, thực hiện nghiêm theo nội dung của nghị định. Từ khi nghị định có hiệu lực đến ngày 30-11-2012, lực lượng công an trên địa bàn toàn tỉnh chưa tiến hành xử phạt bất kỳ một trường hợp xe không chính chủ nào. Riêng lực lượng cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (Công an tỉnh), qua công tác đăng ký xe đã xử phạt 7 trường hợp xe mô tô, 8 trường hợp xe ô tô không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định./.

Nguyễn Thanh Thuý



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com