Vượt lên số phận

08:12, 21/12/2012

Chúng tôi gặp hai chị em Lê Thị Mai, Lê Thị Ngát, chủ xưởng may Hoa Mai ở xóm Tây Cát, xã Hải Đông (Hải Hậu) khi cả hai đang miệt mài với công việc. Do bị nhiễm chất độc da cam từ bố nên chị Mai phải “ngồi đi từng bước một” trên nền nhà. Chị tâm sự, nhà có 3 chị em thì cả 3 đều bị dị tật, tôi và Ngát không đi lại được, cậu em út Lê Văn Tới nằm một chỗ đã lâu, bố mẹ lại già yếu, kinh tế gia đình rất khó khăn. Khi còn nhỏ, Mai vẫn đi lại được như bao đứa trẻ khác, nhưng từ năm 8 tuổi, không hiểu sao chân dần bị teo lại. Rồi tình trạng tương tự cũng diễn ra đối với em gái Lê Thị Ngát và cậu em trai. Gia đình Mai khi đó ở trong một “căn lều” tít ngoài cánh đồng vì bao nhiêu gia sản, tiền bạc dành dụm bấy lâu của bố mẹ đều dồn vào tiền thuốc thang cho 3 người con. Lớn lên, cảm nhận được sự vất vả của bố mẹ, Mai nuôi trong mình quyết tâm “tàn nhưng không phế”, phải học được nghề gì đó để đỡ đần bố mẹ, quyết không là gánh nặng cho gia đình. 18 tuổi, Mai xin bố mẹ đi học nghề may của một “ông thầy” trong xã. Bố mẹ chị bảo, làm được gì mà đi?!. Thầy giáo dạy may của chị ra điều kiện, học thử 1 tuần xem có học được không đã, nếu không được thì thôi. Mai đã ngồi miết suốt 4 tháng trời bên chiếc máy khâu học để được thầy công nhận là “học sinh”.

Chị Lê Thị Mai (bên trái) và em gái Lê Thị Ngát bên bàn máy may.
Chị Lê Thị Mai (bên trái) và em gái Lê Thị Ngát bên bàn máy may.

Là học sinh “đặc biệt” trong lớp, Mai luôn tâm niệm, phải cố gắng bằng mọi giá để có thể học được nghề. Cần mẫn, cặm cụi gấp đôi người khác, chị cẩn trọng trong từng đường kim mũi chỉ, nhớ từng bài giảng thầy dạy cắt may như thế nào. Cứ như vậy, sau một thời gian chị trở thành “thầy” dạy lại cho em gái cùng nhiều người khác trong xóm, ngoài làng. Năm nào chị cũng có học sinh đến xin học nghề. Mặc dù đi lại khó khăn nhưng để nâng cao trình độ chị không ngại vào tận Thành phố Hồ Chí Minh để rèn nghề. Có tay nghề vững, nên ngày càng có nhiều học sinh đến theo chị học nghề. Cô trò cùng nhau nhận hàng từ nhiều nơi về làm. Thấy có nhiều nơi đến đặt may, học sinh của chị “nảy” ra sáng kiến đề nghị chị mở xưởng. Năm 2003, sau nhiều năm tích cóp, chị mua được 6 chiếc máy khâu và mở xưởng may Hoa Mai. Ban đầu, xưởng may của chị gồm 6 người, chị Mai, chị Ngát và mấy người cháu họ. Năm 2006, xưởng may của chị được mở rộng thêm với 20 máy khâu chuyên gia công các sản phẩm: quần đùi, áo gió, áo sơ mi, quần âu. Ngoài việc tự cắt may, xưởng may của chị còn nhận gia công các loại quần đùi với số lượng lớn cho Cty TNHH một thành viên Nga Dũng (TP Nam Định). Năm 2011, xưởng may Hoa Mai đã có 23 máy may công nghiệp tạo việc làm cho 25 lao động. Kể lại những ngày đầu mới mở xưởng với vô vàn khó khăn, chị Mai mắt rơm rớm “ước mơ của tôi khi đó là mua được 2 máy may hiệu Kansai, một máy 13 kim để có thể chạy chun, chạy viền quần, 1 máy 2 kim dùng cho may gấu quần. Để mua được chiếc máy này tôi đã làm thủ tục vay ngân hàng nhưng vì không có tài sản thế chấp nên ngân hàng không cho vay. “Tổng động viên” vốn liếng từ anh em, họ hàng, người quen tôi cũng đã mua được 2 máy may này với giá 30 triệu đồng. Mua được máy rồi, có người làm rồi khó khăn tiếp theo… xuất hiện. Mặt bằng đâu để mở rộng xưởng? Cũng có không ít người cho là chúng tôi sẽ chẳng làm nên cơm cháo gì. Tuy nhiên, tôi luôn nghĩ, mình phải là chỗ dựa cho cả gia đình…".

Trong số 25 lao động trong xưởng may của chị, 15 người có hoàn cảnh tương tự chị em chị. Người thì không nói được, người thì không đi được, người nhìn rất kém, người bị cụt chân… Họ đến với xưởng may của chị từ các xã Hải Xuân, Hải Triều, Hải Tây, Hải Đông và các huyện Giao Thủy, Xuân Trường… Người đảm nhiệm việc là quần áo là Nguyễn Văn Thắng, hiện mắt em nhìn không rõ nhưng do đã “quen tay” nên em vẫn đảm đương tốt công việc; chị Nguyễn Thị Mai, quê ở Giao Thủy, không nói được nhưng những sản phẩm của chị may đều rất đẹp… Chị bảo, đối với những người câm điếc, họ rất nóng tính, nên chỉ cần phật ý một chút họ rất dễ cáu giận. Làm việc với họ, phải rất nhẹ nhàng, tế nhị… Trong xưởng may Hoa Mai, mọi người thân thiện, quý mến nhau như anh chị em trong nhà. Chị Ngát cho biết thêm: “Đã kinh doanh, ai cũng đặt hiệu quả kinh tế lên hàng đầu. Nhưng chúng tôi là những người khuyết tật, khi đi xin việc ở các Cty sẽ chẳng ai nhận. Mặc dù biết là nhận những người khuyết tật vào làm năng suất lao động không cao nhưng điều đó không quan trọng. Quan trọng là có thể tạo việc làm, thu nhập cho nhiều người có cùng hoàn cảnh, để họ có niềm vui và có ý thức vươn lên trong cuộc sống thoát khỏi mặc cảm, hoàn cảnh không may mắn”(!).

Tâm nguyện tốt đẹp này đang từng ngày được nhen nhóm và thắp lên những ngọn lửa nhỏ ở một xưởng may nhỏ bé, trong tấm lòng của hai chị em khuyết tật./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hoa Xuân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com