Những năm qua, BHXH Thành phố Nam Định đã chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các cơ quan, đơn vị sử dụng lao động, người lao động và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn về BHYT với nhiều hình thức phong phú: tuyên truyền trên hệ thống đài phát thanh, phát tờ rơi, xây dựng mạng lưới đại lý thu BHYT tại các xã, phường. Từ khi Luật BHYT có hiệu lực, nhận thức của chủ sử dụng lao động và người lao động về trách nhiệm và quyền lợi khi tham gia BHYT đã chuyển biến rõ rệt. Số người tham gia BHYT hằng năm đều tăng.
KCB cho bệnh nhân có BHYT tại Trạm Y tế xã Nam Vân. |
Trong quý III-2012, thành phố có 47.649 người tham gia BHYT đăng ký khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa thành phố. Đến hết tháng 11-2012, số thu BHXH, BHYT bắt buộc, BH thất nghiệp trên 133,6 tỷ đồng. Số thu BHYT tự nguyện trên 11,7 tỷ đồng. Riêng tháng 11-2012, BHXH thành phố đã cấp mới 2.959 thẻ BHYT cho người tham gia và cấp lại 30 thẻ BHYT. Công tác khám, chữa bệnh BHYT luôn được ngành Y tế và ngành BHXH thành phố quan tâm, góp phần cải thiện chất lượng dịch vụ tại cơ sở y tế. Hằng năm, BHXH thành phố ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT với 29 cơ sở y tế gồm Bệnh viện Đa khoa thành phố, 3 phòng khám khu vực: Hoàng Ngân, Thống Nhất, Năng Tĩnh và 25 trạm y tế xã, phường. Các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn thành phố được đầu tư nâng cấp, mua sắm trang thiết bị y tế đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu của người dân. Trung bình mỗi năm, thành phố có hàng trăm ngàn lượt bệnh nhân điều trị ngoại trú và nội trú với chi phí khám, chữa bệnh BHYT lên đến hàng chục tỷ đồng. Trong 9 tháng năm 2012, có 60.288 lượt người khám, chữa bệnh nội trú, ngoại trú với tổng chi phí trên 6,5 tỷ đồng. Việc mở rộng cơ sở khám, chữa bệnh BHYT, nhất là việc tổ chức khám, chữa bệnh BHYT tại tuyến xã, phường đã tạo thuận lợi cho người tham gia BHYT trong việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế ngay tại cơ sở. Thực hiện Luật BHYT cũng góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, nhân viên y tế trong thực hiện các quy chế chuyên môn. Đội ngũ này luôn phối hợp chặt chẽ với giám định viên của cơ quan BHXH để đảm bảo quyền lợi cho người bệnh, từ khâu hướng dẫn quy trình, giảm thiểu những phiền hà về thủ tục khám, chữa bệnh đến việc giải đáp những băn khoăn, vướng mắc, tư vấn chính sách… Nguồn ngân sách nhà nước mua BHYT cho người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, đối tượng chính sách khác và hỗ trợ mức đóng cho các đối tượng: hộ cận nghèo, học sinh, sinh viên đã góp phần khuyến khích người dân tham gia BHYT.
Bên cạnh những kết quả đạt được, qua thời gian thực hiện Luật BHYT ở Thành phố Nam Định vẫn còn những bất cập: quỹ khám, chữa bệnh phân bổ theo đăng ký ban đầu, nhưng khi thanh toán lại áp dụng cho toàn tuyến từ cơ sở đến Trung ương, chi phí khám đa tuyến cũng tính về nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu nên xảy ra tình trạng vượt quỹ khám, chữa bệnh BHYT. Trong 9 tháng năm 2012, kinh phí khám, chữa bệnh được sử dụng theo khoán định suất là 16,6 tỷ đồng; trong khi đó, chi phí phát sinh ngoài cơ sở khám, chữa bệnh (chi phí chữa hộ) là 24,1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, theo hợp đồng ký giữa BHXH thành phố và các cơ sở khám, chữa bệnh, hằng quý BHXH tạm ứng cho cơ sở khám, chữa bệnh tối thiểu 80% chi phí khám, chữa bệnh BHYT đã được cơ quan BHXH thẩm định. Tuy nhiên, việc chuyển tiền tạm ứng cho các cơ sở y tế thường chậm, gây nhiều khó khăn trong việc khám, chữa bệnh BHYT cho các đối tượng tham gia, nhất là việc cung ứng nguồn thuốc phục vụ việc điều trị bệnh. Ngoài ra, mặc dù quyền lợi khám, chữa bệnh cho người có BHYT đã được mở rộng; các thủ tục khám, chữa bệnh đã được đơn giản theo hướng có lợi, hạn chế phiền hà cho người dân khi đi khám, chữa bệnh song chất lượng dịch vụ tại cơ sở y tế vẫn còn hạn chế, gây bức xúc cho người bệnh. Những khó khăn này khiến cho việc mở rộng đối tượng tham gia BHYT còn chậm. Ngoài những đối tượng được ngân sách nhà nước đảm bảo, tỷ lệ tham gia BHYT của đối tượng người lao động trong các doanh nghiệp, hộ cận nghèo, đối tượng tự nguyện trong nhân dân còn thấp. Vì vậy, để đẩy nhanh lộ trình BHYT toàn dân, thời gian tới BHXH thành phố tập trung đẩy mạnh các chương trình tuyên truyền: cấp phát tờ rơi đến các đại lý thu BHYT tự nguyện, nhất là các trường học để đẩy mạnh thu BHYT học sinh, sinh viên năm học 2012-2013. Thực hiện tốt công tác in và phát thẻ BHYT kịp thời cho các đối tượng tham gia. Tăng cường vận động, mở rộng đối tượng tham gia BHYT trên địa bàn quản lý. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh BHYT, nâng cao tinh thần thái độ phục vụ và y đức của đội ngũ cán bộ y tế./.
Bài và ảnh: Lam Hồng